- Cuối chiều 5/8, VCCI cho biết, các thành viên đại diện người sử dụng lao động thống nhất đề nghị tăng lương tối thiểu năm 2016 là 10%. Mức này cao hơn tỷ lệ 6-7% đề xuất trước đó nhưng lại thấp hơn tỷ lệ tăng 16,5% của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam- đại diện cho người lao động.

Cuộc họp kín bàn về vấn đề tiền lương tối thiểu năm 2016 của Hội đồng tiền lương quốc gia sáng qua, 5/8 đã diễn ra rất căng thẳng, không đi đến kết quả thống nhất cuối cùng.

Chia sẻ với báo chí cuối chiều qua, VCCI- tổ chức đại diện Người sử dụng lao động cho hay, phương án ban đầu từ phía VCCI đưa ra trong cuộc họp là mức tăng lương từ 6-7%, tương ứng tăng từ 150.000-220.000 đồng/ tháng.

Trong khi đó, đại diện cho người lao động là Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lại đề nghị phải tăng 16,5% so với hiện nay. Mức tuyệt đối tuỳ vùng sẽ tăng từ 350.000- 550.000 đồng/tháng. Theo đó, lương tối thiểu vùng 4 thấp nhất sẽ là 2,5 triệu đồng/tháng và cao nhất ở vùng 1, là 3,65 triệu đồng/tháng.

{keywords}

Nhiều tranh cãi gay gắt về vấn đề tăng lương tối thiểu

Sự chênh lệch quá lớn giữa hai bên đã dẫn đến nhiều tranh cãi gay gắt tại cuộc họp, bởi bên nào cũng đưa ra lý do chính đáng.

Trong đó, đại diện Tổng Liên đoàn lao động đã nhấn mạnh lộ trình tăng lương tối thiểu, làm sao đến năm 2017, lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Mức tăng 16,5% là đã được nghiên cứu trên cơ sở lạm phát, nhu cầu tối thiểu cả các gia đình... Vì vậy, tổ chức này không đồng tình với VCCI và cho rằng, mức 6-7% là quá thấp.

Ngược lại, phía VCCI dẫn chứng, tỷ lệ 16,5% là quá cao và sẽ làm khó khăn thêm tình hình hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

Trong văn bản công bố quan điểm về vấn đề này, văn phòng giới chủ thuộc VCCI cho biết, thực trạng các doanh nghiệp vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ và gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi.

Trong 7 tháng đầu năm 2015 đã có 37,829 doanh nghiệp ngừng hoạt động và giải thể, tăng 1,2% so với cùng ký năm ngoài trong đó tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 97%. Tỷ lệ thất nghiệp tăng thêm và tỷ lệ người có việc làm giảm xuống.

Để có thể cải thiện đời sống cho người lao động thì yếu tố quyết định dựa vào việc tăng năng suất lao động như nâng cao tay nghề, ý thức và tác phong công nghiệp của người lao động, cải tiến máy móc thiết bị công nghệ và khả năng tận dụng các cơ hội kinh doanh khi tham gia các hiệp định thương mại.

Theo VCCI, hiện nay năng suất lao động của các doanh nghiệp Việt Nam còn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Vì vậy trong bối cảnh 70% doanh nghiệp làm ăn không có lãi thì việc đầu tư của doanh nghiệp vào việc đổi mới thiết bị công nghệ nhằm tăng năng suất lao động sẽ bị hạn chế. Hơn nữa việc tận dụng một số cơ hội khi hội nhập cũng cần phải có thời gian.

Sau khi thảo luận và nghiên cứu thêm, các thành viên của giới chủ đã thống nhất nâng mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 6-7% ban đầu lên 10%.

"Với mức tăng lương tối thiểu 10%, thực tế người lao động ngoài mức lương tăng thêm đó, còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội cao hơn như chế độ nghỉ phép năm, thai sản, ốm đau, tiền làm thêm giờ…", VCCI phân tích.

Đặc biệt, 1/1/2016, khi Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động còn phải lo đóng các khoản chi phí cho người lao động tăng thêm 35% - 40% so với năm 2015.

Khi đó, mức lương làm căn cứ đóng các chế độ bảo hiểm và kinh phí công đoàn cho người lao động sẽ bao gồm tiền lương và các khoản phụ cấp, hay nói cách khác là tổng thu nhập thực tế của người lao động. Do vậy, dù lương tối thiểu có mức tăng là 10% thì thực tế chủ sử dụng lao động đã phải trả các khoản cho người lao động với mức tăng lên từ 17-18% so với trước.

VCCI khẳng định, 10% là mức tăng lương tối đa để doanh nghiệp có thể đảm bảo tồn tại, chiếm lĩnh thị trường và phát triển bền vững.

Trước nhiều ý kiến trái chiều này, Hội đồng tiền lương quốc gia đã quyết định hoãn phiên họp này và sẽ công bố kết quả thống nhất tăng lương trong 2 tuần tới.

Phạm Huyền