Giới đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu khiến thị trường chứng khoán (TTCK) Trung Quốc lao dốc ngay trong phiên đầu tiên năm mới 2016 và lần đầu tiên tự động ngừng giao dịch theo một quy định vừa thiết lập hồi cuối 2015.

Chứng khoán châu Á, châu Âu và Mỹ ngay lập tức đỏ lửa với nỗi lo sợ bóng ma sụt giảm tăng trưởng ám ảnh nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và lan rộng.

Rối loạn tài chính toàn cầu

Thêm một kịch bản tồi tệ nữa lại xảy ra với TTCK mong manh dễ vỡ của Trung Quốc. Hàng loạt các biện pháp hỗ trợ thị trường và nền kinh tế trước đó của chính phủ Trung Quốc dường như không còn tác dụng.

Trong phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2016, ngày 4/1, giới đầu tư trên TTCK lại ồ ạt bán tháo cổ phiếu, trong khi đó lực mua rất thấp. Chỉ số CSI 300 - đo lường biến động giá của 300 cổ phiếu loại A trên 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến - đã giảm hơn 7% và ngay lập tức tự động ngừng giao dịch.

{keywords}
Thị trường chứng khoán Trung Quốc sập sàn phiên đầu năm 2016.

Cú sập sàn đầu năm mới tại TQ đã ngay lập tức tác động tiêu cực tới chứng khoán toàn cầu. Tính tới 23h30 ngày 4/1, chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm gần 3%. Trước đó, tại châu Á, Nikkei của Nhật giảm hơn 3%; Hang Sen của Hong Kong giảm 2,7%. Tại châu Âu, chỉ số Stoxx Europe 600 giảm 2,4% ngay đầu phiên giao dịch. Chứng khoán Mỹ cũng chứng kiến một phiên giảm điểm mạnh.

Trên thực tế, áp lực bán tháo trên TTCK TQ đã mạnh trở lại kể từ cuối tháng 11/2015 sau khi giới đầu tư nhận thấy các biện pháp hỗ trợ của các cơ quan quản lý TTCK sẽ sớm đi đến hồi kết. Kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế TQ ngày càng trở lên mong manh. Các phiên giao dịch hoảng loạn và bế tắc đã liên tục diễn ra.

Nỗi lo sợ trở nên lớn hơn khi thông tin xấu đến dồn dập. Đồng NDT liên tục sụt giảm trong vài phiên gần đây, lĩnh vực sản xuất công nghiệp xuống thấp tháng thứ 10 liên tiếp… báo hiệu một tương lai khá u ám của nền kinh tế TQ trong năm 2016.

Áp lực bán lớn, trong khi cầu thấp sau đợt nghỉ Tết dương lịch cũng khiến thị trường mất cân bằng giữa sức mua và bán. Tuy nhiên, điều mà nhiều NĐT lo ngại nhất trong ngắn hạn chính là dự báo về khả năng thu hồi biện pháp hành chính từng giúp TTCK TQ thoát khỏi tình cảnh tuột dốc không phanh hồi tháng 7: cấm cổ đông lớn bán cổ phiếu.

Hồi giữa 2015, TTCK đã chứng kiến một cơn sóng thần bán tháo cổ phiếu sau khi TTCK nước này tăng vọt 150% trong một năm trước đó bất chấp nên kinh tế lớn thứ 2 thế giới đối mặt với hàng loạt khó khăn, từ sự trục trặc trong mô hình tăng trưởng cho tới khả năng cạnh tranh suy yếu…

Lệnh cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu cả trên 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến kéo dài nhiều tháng liên tiếp đã giữ TTCK cân bằng. Tuy nhiên, nếu không có gì thay đổi, lệnh cấm mang đầy tính chất hành chính mệnh lệnh sẽ hết hiệu lực trong tuần này. Hàng trăm tỷ USD giá trị cổ phiếu có thể sẽ được tung ra thị trường.

Chứng khoán TQ hồi phục - niềm tin xa xỉ

Giữa tháng 6/2015, TTCK TQ đã chứng kiến thời khắc huy hoàng: vốn hóa của thị trường lần đầu tiên trong lịch sử vượt ngưỡng 10.000 tỷ USD. Đây là cột mốc thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc và thần kỳ của TQ.

Niềm tin càng dâng cao khi Tổ chức EIU dự báo đến 2050, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cũng theo tổ chức này, với sức mạnh kinh tế của mình, Trung Quốc sẽ đóng vai trò lớn hơn trong công việc chung của thế giới như: chống biến đổi khí hậu, quản trị kinh tế thế giới…

{keywords}
Nhân dân tệ liên tiếp giảm giá cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực tới TTCK.

Giữa tháng 10 vừa qua, lần đầu tiên TQ đã vượt mặt Mỹ để trở thành quốc gia có nhiều tỷ phú nhất thế giới. TQ cũng đã mở rộng hoạt động của mình ra nhiều khu vực, trong đó có cả kỳ vọng viết lại trật tự kinh tế toàn cầu với một bước đi mạnh mẽ tại châu Âu, mà trọng tâm là ý tưởng “một vành đai, một trục đường” - nòng cốt là trục Bắc Kinh-Moscow-EU.

Mặc dù vậy, có một thực tế là, trong nước, TQ đang gặp rất nhiều khó khăn. Nền kinh tế nước này đang vật vã với tình trạng bong bóng. Hàng hóa sản xuất ra nhiều khó tiêu thụ trong nước cũng như xuất khẩu. TTCK liên tục chao đảo. Sau cú sốc mất 5.000 tỷ USD, hàng loạt các biện pháp mạnh tay, thậm chí chưa có tiền lệ, đã được tung ra. Thị trường đã nhiều đợt hồi phục nhưng nỗi sợ hãi vẫn hiện hữu và niềm tin vào thị trường vẫn mong manh.

Khi TTCK vỡ trận, thay vì để cho quả bóng tự xì hơi hoặc/và vực dậy một nền kinh tế đang khựng lại thì TQ lại ra sức tìm người để đổ lỗi. Cuối tháng 11/2015, TTCK đã chứng kiến nhiều phiên giảm điểm mạnh sau khi một loạt công ty môi giới hàng đầu như thừa nhận bị điều tra.

Kể từ giữa tháng 6, TTCK TQ đã trải qua 4 đợt điều chỉnh. Đợt giảm mạnh nhất là vào giữa tháng 8, tác động dữ dội tới chứng khoán toàn cầu. Cú sốc sập sàn đầu năm mới 2016 cũng tiềm ẩn khá nhiều bất ổn.

Sự hoảng loạn và tháo chạy khỏi TTCK TQ nằm ở chỗ, niềm tin của giới đầu tư về một sự hồi phục của nền kinh tế nước này đang suy giảm. Nhiều chuyên gia lo ngại các biện pháp vực dậy nền kinh tế trong đó chính sách nới lỏng tiền tệ và kích thích chi tiêu của chính phủ TQ sẽ không phát huy tác dụng. Trong khi đó, các biện pháp hỗ trợ TTCK chỉ là ngắn hạn, mang tính chất cầm cự. Một đồng nội tệ yếu cũng đang gây áp lực lên TTCK nước này.

Sự khởi đầu năm mới đáng buồn của TTCK TQ khiến chứng khoán thế giới trở nên khó lường, khó đoán hơn. Sự thận trọng và trạng thái đề phòng có thể sẽ bao trùm thị trường tài chính thế giới trong thời gian tới.

M. Hà