Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên chị T. (32 tuổi, hiện đang sinh sống và làm việc Hà Nội) luôn ý thức tự lập và chi tiêu tiết kiệm.

Năm 2014, chị kết hôn nhưng rồi sớm “đường ai nấy đi” vì những mâu thuẫn không thể giải quyết, thời điểm đó con gái chị T. chỉ mới 8 tháng tuổi.

Với số tiền khoảng hơn trăm triệu đồng tích cóp sau nhiều năm đi làm, chị T. thuê một chung cư nhỏ 2 phòng ngủ với giá 4 triệu đồng/tháng. Do con gái còn nhỏ, chị phải thuê thêm một người giúp việc để phụ giúp.

Thời điểm đó, mức lương ở công ty truyền thông của chị T. chỉ vỏn vẹn hơn 10 triệu đồng. Vừa phải chi tiêu sinh hoạt, thuê nhà, lại phải bỏ thêm tiền lương giúp việc, tiền bỉm sữa cho con, số tiền lương không đủ trang trải, chị buộc phải lấy tiền tiết kiệm để bù vào. 

{keywords}
Chị T. mua chung cư ở quận Hoàng Mai.

Để có thêm nguồn thu, chị T. quyết định cho thuê lại một phòng trong căn chung cư để giảm chi phí và bắt đầu kế hoạch thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, chị T. xoay xở làm thêm các công việc phụ để tăng thu nhập. Chị cũng đặt mục tiêu phải mua được nhà cho hai mẹ con. 

Để có tiền tiết kiệm, trong khoảng thời gian gần hai năm nuôi con nhỏ, chị T. hầu như không dám sắm sửa gì cho bản thân. Quần áo mua vừa đủ, không quá đắt tiền, giày dép mua 2-3 đôi thay đổi để đi làm. 

"Tôi mua ít nhưng chọn những bộ quần áo màu sắc trung tính, không chạy theo xu hướng để tránh lỗi mốt và có thể dễ dàng kết hợp, thay đổi làm mới bản thân. Nhờ thế, chi phí mua quần áo, giày dép với tôi không quá tốn tiền", chị T. nói. 

Khi con đến tuổi đi học, chị T. cho con học trường công, đồng thời không thuê người giúp việc nữa. Mỗi tháng chị gói gọn chi tiêu cho 2 mẹ con trong khoảng 6-7 triệu đồng. 

"Bữa trưa con ăn ở trường, mẹ ăn ở công ty nên chỉ chi tiền ăn bữa sáng và tối. Bố mẹ ở quê thỉnh thoảng gửi cho đồ ăn nên tôi cũng đỡ tốn được một khoản nhỏ. Tôi cũng hạn chế đi ăn, chơi bên ngoài, dành thời gian ở nhà với con. Riêng du lịch thì mỗi năm hai mẹ con đăng ký đi cùng công ty", chị T. nói. 

Khoản lương và thu nhập hàng tháng, chị T. chia nhỏ thành nhiều khoản, dành 60-70% thu nhập cho việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân, thuê nhà.

30-40% còn lại và tiền thưởng lễ Tết của công ty, chị gửi tiết kiệm. Có tháng nhiều khoản phát sinh, phải tiêu sang cả phần tiết kiệm nhưng khi có việc làm thêm dư dả, chị lại trích tiền ra để bù vào.

Nhờ thế mà một năm, chị T. tích cóp được khoảng 50 - 60 triệu đồng. Thêm khoản tiền tiết kiệm trước đó còn lại, chị lên kế hoạch mua nhà vào cuối năm 2016. 

{keywords}
Dù cả lương và thưởng các dịp lễ của chị T. không quá cao, lại một mình nuôi con nhỏ nhưng nhờ chi tiêu hợp lý, tiết kiệm mà chị đã có thể tự mua hai căn hộ giữa Thủ đô. Bạn bè, người thân cũng không khỏi ngưỡng mộ trước ý chí của bà mẹ đơn thân này.

Vì tài chính hạn hẹp, chị chọn mua một căn chung cư ở xa trung tâm, bên quận Hoàng Mai với giá 800 triệu đồng.

Ban đầu, chị chỉ cần trả trước 30% giá trị căn hộ, phần còn lại thì trả góp hàng tháng. Thay vì phải trả tiền thuê nhà, chị T. dành số tiền đó trả góp cho ngân hàng mỗi tháng khoảng gần 6 triệu đồng.

Nhà chỉ có hai mẹ con nên việc ở chung cư vừa thoải mái lại giúp chị cảm thấy an toàn. Các dịch vụ tiện ích cũng được đáp ứng đầy đủ với lực lượng bảo vệ, nhân viên kỹ thuật…

Một năm sau, chị T. được cân nhắc lên chức trưởng phòng truyền thông. Thu nhập tăng hơn, cộng với một ít tiền tiết kiệm cũ còn lại, chị nhanh chóng trả hết nợ trong 2 năm.

Dù “nhẹ gánh” với cuộc sống không nợ nần nhưng chị T. không cho phép mình chi tiêu thoải mái. Chị lại tiếp tục lên kế hoạch tiết kiệm để mua thêm một căn hộ nữa.

Vẫn thực hiện cách tiết kiệm như cũ, chị T. lại để dành được một khoản kha khá. Tháng 10/2019, sau khi tính toán kỹ lưỡng thu chi, chị mua một căn hộ nữa với giá hơn 1.3 tỷ đồng, trả trước 30%.

Căn nhà cũ hiện đã tăng giá lên 1 tỷ đồng nhưng chị T. không bán mà quyết định cho thuê kiếm thêm khoản tiền để bù vào trả góp cho căn hộ mới - nơi hai mẹ con sẽ chuyển tới sinh sống.

Chị T cho hay, chị sẽ cố gắng tất toán nợ để yên tâm đầu tư chăm lo cho con có cuộc sống đầy đủ cũng như “dắt túi” một khoản để dành lúc ốm đau, về già.

Nói về kinh nghiệm chi tiêu tiết kiệm của bản thân chị T. chia sẻ, bản thân luôn cố gắng làm việc chăm chỉ, tìm kiếm thêm các công việc phụ để tăng thu nhập. Ngoài ra, hàng tháng cố gắng giới hạn chi tiêu sinh hoạt trong khoảng phù hợp, tránh tối đa việc phát sinh. Đặc biệt, có mục tiêu kế hoạch phấn đấu cho bản thân để cố gắng thực hiện.

Khi tìm mua nhà, nếu tài chính hạn hẹp thì nên tìm các dự án ở xa trung tâm thành phố, để mua được giá ưu đãi thì ưu tiên các dự án mới khởi công, cho phép thanh toán nhà theo tiến độ. Trước khi mua cần có kế hoạch cụ thể thu chi, mục tiêu trả nợ để tránh bị động. 

(Theo Dân Trí)