Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có đề xuất về việc thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 sang 1/7 hằng năm. Trong khi đó, tại dự thảo báo cáo Chính phủ đang lấy ý kiến mới đây, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội lại đề nghị tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh từ ngày 1/1.

{keywords}
 

Còn dưới góc độ các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp nếu chính sách được ban hành, chia sẻ với VnEconomy ngày 8/4, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam nói rằng, việc chuyển thời điểm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 là không phù hợp vì không trùng khớp với năm tài chính của doanh nghiệp.

Theo bà Xuân, hiện nay thang lương, bảng lương của doanh nghiệp đều được áp dụng ngay từ đầu năm, nếu chuyển sang ngày 1/7 thì doanh nghiệp không thể làm kịp, chưa kể sẽ phải thay đổi cả hệ thống dẫn đến tiêu tốn rất nhiều nguồn lực cho doanh nghiệp.

"Thử hình dung một doanh nghiệp da giày phải nuôi từ 1.000 đến vài chục nghìn lao động sẽ ra bài toán chi phí, chứ vấn đề không đơn giản chỉ là dịch chuyển thời gian từ ngày 1/1 sang 1/7. Nhìn vào bảng lương của hàng nghìn lao động sẽ thấy đó là cả một nguồn lực lớn, chưa kể năm tài chính bao giờ cũng bắt đầu từ 1/1, do đó nếu thay đổi sẽ rất bất cập", bà Xuân nói.

Đại diện hiệp hội này cũng cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/1 đã được các doanh nghiệp thực hiện nhiều năm nay, nếu thay đổi hệ thống này còn "kinh khủng" hơn so với chuẩn bị nguồn tài chính cho lương, thưởng Tết của người lao động vào đầu năm. 

"Chưa kể thời điểm điều chỉnh còn liên quan đến đàm phán các đơn hàng, rõ ràng doanh nghiệp phải đàm phán ngay từ đầu năm chứ đâu thể chờ đến ngày 1/7. Vì quá nhiều thứ bất cập như vậy nên các doanh nghiệp trong ngành của chúng tôi đều thấy là không nên chuyển sang ngày 1/7", bà Xuân nhấn mạnh.

Cùng với quan điểm nên giữ nguyên thời gian điều chỉnh từ 1/1, đại diện Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam cũng đề xuất không nên tăng lương tối thiểu vùng trong năm 2021. Lý do là tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang tiếp diễn, các doanh nghiệp vừa trải qua một năm 2020 chồng chất khó khăn.

"Để duy trì việc làm, các doanh nghiệp đã phải bù lỗ hàng tỷ đồng cho việc giữ chân người lao động. Trong khi năm nay tình hình xuất khẩu vẫn đang khó khăn, các thị trường chưa thể trở lại trạng thái bình thường được, do đó nếu vẫn tiếp tục đề nghị tăng lương tối thiểu nữa sẽ đẩy gánh nặng cho doanh nghiệp", bà Xuân lý giải.

Cũng ở một khối doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động khác, ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng đề xuất thay đổi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu sang ngày 1/7 là bất hợp lý. Đồng thời, đồng ý với phương án tiếp tục duy trì thời điểm điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 như đã thực hiện những năm qua.

Theo đại diện hiệp hội này, thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch sản xuất, tài chính, lao động của doanh nghiệp, hạn chế những bất đồng, ảnh hưởng không tốt tới sự ổn định quan hệ lao động trong doanh nghiệp.

Trước đó, khi trao đổi với VnEconomy về đề xuất lùi thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/1 sang ngày 1/7 hằng năm, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phậm Minh Huân cũng nhấn mạnh là cần cân nhắc kỹ do thay đổi thời điểm phải tính toán dựa vào năm tài chính của doanh nghiệp.

Ông Huân cho rằng, vì năm tài chính hiện nay của doanh nghiệp bắt đầu từ ngày 1/1 – 31/12 nên thời điểm điều chỉnh từ 1/1 sẽ phù hợp hơn, điều này không gây xáo trộn hoạt động của doanh nghiệp và cũng đã được thực hiện ổn định từ nhiều năm nay.

(Theo VnEconomy)