Đó chính là bài toán kinh tế của chị Trần Như Hảo, 30 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội.

Vợ chồng chị Hảo cưới nhau đã 5 năm nay và có một con gái 4 tuổi. Chị làm kế toán cho một công ty nhỏ với mức lương tháng 8 triệu đồng. Chồng chị làm nhân viên kỹ thuật một cửa hàng điện máy, thu nhập cũng được 8 triệu. Tổng thu nhập của vợ chồng chị được khoảng 16 triệu/tháng.

Mỗi tháng, do đã có nhà riêng nên vợ chồng trẻ này để ra được khoảng 6 triệu đồng. Còn 10 triệu đồng, anh chị để dành cho chi tiêu sinh hoạt. Tính ra mỗi năm, anh chị tiết kiệm được khoảng 72 triệu đồng. 5 năm lấy nhau, vợ chồng chị tiết kiệm được 360 triệu đồng.

5 năm ở trong căn nhà cấp 4 ẩm thấp, xập xệ nên đầu năm 2020, nhân mùa dịch Covid-9, cả thành phố triển khai giãn cách một thời gian. Thời điểm này ở nhà, vợ chồng chị Hảo nghĩ đến việc đập nhà cấp 4 đi để xây lên 3 tầng.

{keywords}
Thời gian dịch bệnh, vợ chồng chị Hảo đã đập nhà cấp 4 đi để xây lên 3 tầng (ảnh minh họa).

“Nhà cấp 4 mình đang ở trước cũng có hai phòng. Vì thế, mình vừa ở vừa cho một em sinh viên thuê phòng với giá chỉ 2 triệu đồng/tháng. Dịch bệnh ở nhà, vợ chồng mình tính đập nhà cấp 4 đi để gia cố móng lên thêm 2 tầng nữa. Tổng nhà có 3 tầng. Mỗi tầng có 2 phòng dù phòng chỉ 12m2. Tính ra nhà mình có 6 phòng trọ và vợ chồng mình dành một phòng để ở, một sân để xe máy”, chị Hảo kể.

Chị Hảo tiết lộ chi phí cải tạo nhà hết tất cả 1,3 tỷ đồng. “Vợ chồng mình tích cóp được 360 triệu. Số tiền, vàng ngày cưới của hai đứa mình bán đi được 140 triệu nữa. Tổng vợ chồng mình có 500 triệu. Để có thêm 800 triệu nữa, mình mang sổ đỏ cắm thế chấp cho ngân hàng. Mỗi tháng, mình phải trả ngân hàng 5 triệu đồng tiền lãi”.

Trong khi đó, vợ chồng trẻ này cho thuê 5 phòng trọ được 10 triệu đồng/tháng. “Mỗi phòng trọ mình cho sinh viên thuê với giá 2 triệu đồng/tháng chưa kể tiền điện nước dùng bao nhiêu thì người trọ trả bấy nhiêu. Hàng tháng, mình lấy tiền thuê trọ ra trả tiền ngân hàng. Tính ra, vợ chồng mình thu lời đều đặn 5 triệu/tháng mà vẫn có chỗ ở và vẫn trả lãi được ngân hàng”.

{keywords}
Nhờ đó, mỗi tháng nhà chị có thu nhập đều 12 triệu từ tiền cho thuê nhà (ảnh minh họa)

Chia sẻ về bài toán quyết định đập nhà cấp 4 đi để sửa chữa, xây mới thêm thành nhà cao tầng, chị Hảo nói: “Dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp. Chưa kể, anh xã mình từ ngày dịch cũng bị cắt giảm 20% lương mấy tháng nay do doanh thu cửa hàng bị ảnh hưởng. Bởi thế, vợ chồng mình phải tính toán sao cho vẫn có thu nhập ổn định và tăng thêm thu nhập chủ động mỗi tháng. Ban đầu, khi quyết định đập nhà cấp 4 đi cả hai cũng rất áp lực.

Sau khi tính toán thấy dù cắm sổ đỏ vay thế chấp ngân hàng vẫn có lãi một nửa già nên quyết làm. Chứ nếu vay ngân hàng 10 đồng chỉ thu được 10 đồng hoặc âm tiền thì chúng mình chẳng dám”.

Người phụ nữ này khuyến cáo, nhiều người cứ nghĩ không nên xây nhà, sửa nhà mùa dịch Covid song thực tế cá nhân chị nghĩ ngược lại. Nên tranh thủ lúc đang rảnh rỗi (so với không bị dịch) để tiến hành việc xây nhà, sửa nhà. Như vậy khi hết dịch, gia đình chị đã ổn định và hoàn thành nhà của mình.

“Thời gian này, tất cả mọi chi phí về nhân công lẫn vật tư đều được giảm giá. Thông thường, đơn giá cho phần thô các chủ thầu thường báo tầm 3,3-3,4 triệu đồng/m2. Thế nhưng, lúc nhà mình xây giảm chỉ còn 3,1 triệu/m2. Đặc biệt, tiến độ xây sửa nhà không bị kéo dài, gây thất thoát, lãng phí thời gian vì được thợ tập trung làm nhanh. Như nhà mình, thời gian thi công được rút ngắn chỉ 3 tháng là xong. Nhờ đó, giảm được chi phí quản lý và nhanh chóng sớm cho khách thuê để có nguồn thu đều đặn mỗi tháng”, chị Hảo nói.

Thảo Nguyên