Mặc dù các vụ cháy nổ do tủ lạnh ít xảy ra hơn các vụ cháy nổ do bình gas và các thiết bị điện khác… tuy nhiên, trên thực tế cho thấy hậu quả gây ra lại hết sức nghiêm trọng, thậm chí rất thương tâm.

Hậu quả khó lường

Mới đây, người tiêu dùng xôn xao trước thông tin về sự việc chiếc tủ lạnh nhãn hiệu Hitachi của gia đình chị Đ.L (Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ phát nổ khiến cửa kính vỡ nát. Điều đáng nói, chiếc tủ lạnh cao cấp trị giá hơn 30 triệu đồng của gia đình chị Đ.L mới sử dụng từ năm 2017.

Theo thông tin từ chị Đ.L, trưa ngày 17/5/2019, khi gia đình chị đang ăn cơm thì bỗng nghe thấy tiếng nổ, kèm theo tiếng nứt lách cách. Qua kiểm tra, gia đình chị phát hiện phần kính của cánh cửa chiếc tủ lạnh nhãn hiệu Hitachi bị vỡ vụn. Rất hoang mang và lo sợ sự cố cháy nổ khác có thể xảy ra, gia đình chị liền ngắt nguồn điện tủ lạnh và báo cho đại lý bán sản phẩm. 

{keywords}
 

Chia sẻ với phóng viên, chị Đ.L kể: “Khi xảy ra sự việc, các thiết bị điện khác trong nhà không có hiện tượng bất thường. Ban Quản lý toà nhà cũng xác nhận điện áp toà nhà khi đó hoàn toàn ổn định. Kiểm tra lại camera của gia đình cho thấy chiếc tủ lạnh không hề bị tác động lực từ bên ngoài. Thế nhưng không hiểu sao chiếc tủ lại phát ra tiếng nổ và bị vỡ vụn hết mặt kính cửa. May mắn là chưa có tai nạn đáng tiếc xảy ra đối với người trong gia đình tôi".

Điều đáng nói, trong những năm gần đây, sự việc cháy nổ mà nguyên nhân xuất phát từ tủ lạnh ngày càng nhiều. Có những vụ cháy, nổ dẫn tới hậu quả hết sức nghiệm trọng và thương tâm. Điển hình nhất là sự việc xảy ra vào cuối năm 2018, tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội làm 4 người trong một gia đình gồm 2 vợ chồng và 2 người con tử vong. Mặc dù lực lượng cứu hỏa kịp thời có mặt, kiểm soát và dập tắt đám cháy, thế nhưng cả 4 người trong gia đình đều đã tử vong do bị ngạt khói. Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn đau lòng này được lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hà Nội kết luận là do chập cháy tủ lạnh, sau đó cháy lan sang các vật dụng khác trong nhà.

{keywords}
 

Trước đó không lâu, tủ lạnh mang nhãn hiệu Hitachi cũng từng phát nổ. Cụ thể, vào tháng 6/2017, chiếc tủ lãnh HITACHI mới sử dụng hơn 1 năm có giá trị trên 50 triệu đồng của gia đình bà Phùng Thu Huế (P520, nhà K6, Khu đô thị Việt Hưng, Hà Nội) cũng bất ngờ phát nổ khiến kính cửa tủ rạn vỡ. 

Một sự việc tủ lạnh phát nổ khác gây hậu quả nghiêm trọng khiến hai vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Lễ (SN 1946) bỏng 50% và bà Trần Thị Xiêm (SN 1948) bỏng đến 80% xảy ra tại căn nhà số 2/2I, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường ĐaKao, quận 1, TP.HCM vào ngày 27/5/2017. Theo điều tra của cơ quan công an, chiếc tủ lạnh hiệu Hitachi vợ chồng ông Lễ mua từ một năm trước bất ngờ phát nổ khi hai vợ chồng ông đang nấu ăn sáng.

Đâu là nguyên nhân?

Theo một chuyên gia thuộc lực lượng phòng cháy chữa cháy, nguy cơ cháy nổ tủ lạnh thường xảy ra ở tủ lạnh quá cũ, bị sửa chữa, thay gas nhiều lần. Ngoài ra, do máy nén là dạng kín nên các cuộn dây điện có thể bị chập gây ra tia lửa điện và làm gas bắt lửa. Chuyên gia này nhận định, vào mùa hè, do nhiều yếu tố dẫn đến điện yếu như dùng cùng lúc nhiều thiết bị, đường dây chịu tải không đảm bảo có khả năng gây chập cháy.

Thông thường, cấu tạo tủ lạnh gia đình gồm dàn lạnh, dàn nóng, bình gas, máy nén, các ống dẫn. Trong đó, bình gas có chức năng bơm gas lên dàn lạnh phục vụ quá trình làm lạnh máy nén giúp gas lưu thông trong tủ lạnh. Khi tủ lạnh hoạt động, máy nén sẽ chuyển gas từ dạng khí sang dạng lỏng và đưa gas tuần hoàn làm lạnh khắp máy. Gas tủ lạnh về nguyên tắc rất an toàn và không độc hại.

Một trong những nguyên nhân khác là nhiều gia đình đặt tủ lạnh ở những nơi sinh nhiệt như gần bếp, lò vi sóng, để sát vào tường dễ làm nóng tủ lạnh làm tăng nguy cơ cháy nổ. Thậm chí, đường điện đấu nối với tủ lạnh gần các vật dễ cháy khác như rèm cửa, đệm, thảm gây mất an toàn.

Nguy cơ cháy nổ tủ lạnh còn có thể xảy ra nếu chúng ta để đọng nước trong tủ lạnh gây ra chập điện hoặc trong quá trình sửa chữa để rò rỉ điện. Dòng điện phù hợp với tủ lạnh là từ 200 - 250V AC (xoay chiều) trở lên.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi thấy tủ lạnh có dấu hiệu lạ như máy nén chạy liên tục không ngắt, có tiếng lạ phát ra từ máy nén, máy nén tỏa hơi rất nóng, sờ hai bên hông tủ thấy nóng bất thường, ngửi thấy mùi gas nơi đặt tủ lạnh... tốt nhất nên ngắt nguồn điện và gọi thợ sửa chữa đến ngay để tránh xảy ra cháy nổ.

Sử dụng đúng cách

Đa số mọi người thường nghĩ tủ lạnh là thiết bị vô hại trong nhà nên thường coi nhẹ mọi cảnh báocủa nhà sản xuất. Có thể đặt ở bất cứ đâu nếu thấy tiện lợi hay vô tư bảo quản bất kỳ thực phẩm, nước uống nào mà không lường trước được hậu quả do sự tùy tiện bất cẩn của mình gây ra.

Sử dụng tủ lạnh như thế nào để đảm bảo an toàn tuyệt đối mà không cần lo lắng là điều mà không phải người tiêu dùng nào cũng biết. Thực ra việc này rất đơn giản, người dùng chỉ cần tránh một số cảnh báo nguy hiểm mà các chuyên gia đưa ra sẽ hạn chế tình trạng tủ lạnh bị cháy nổ.

Lựa chọn vị trí đặt tủ lạnh ở nơi thoáng mát, không có ánh nắng mặt trời hoặc bị phản xạ ánh nắng mặt trời, tránh đặt sát bếp, tuyệt đối không tiếp xúc gần với lửa hay các nguồn nhiệt khác. Không đặt tủ lạnh gần các thiết bị bức xạ như lò vi sóng. Không bảo quản nước uống có gas trong tủ lạnh vì nước uống có gas có thể phát nổ bất cứ lúc nào. Không sử dụng chai lọ, bình bằng thủy tinh đựng bia, rượu hay nước đặt trong tủ lạnh.

Không bảo quản bia, rượu trong hộp kim loại có nắp đậy kín, không đặt các thiết bị điện tử trên nóc tủ lạnh.

(Theo Viet Q)