Thủ tục cấp lại thẻ BHYT bao gồm những giấy tờ gì? Đi khám bệnh trong thời gian chờ cấp lại có được hưởng BHYT không?

Hướng dẫn mới về thời hạn của thẻ BHYT

Từ 1/12/2018, người tham gia BHYT có thêm 5 quyền lợi

Chúng tôi xin trích đăng nội dung câu hỏi như sau: “Tôi bị mất thẻ BHYT thì tục cấp lại như thế nào? Nếu trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT tôi có thể đi khám, chữa bệnh theo BHYT không?”

{keywords}
 

Tòa soạn cùng các văn phòng luật xin trả lời câu hỏi:

* Trường hợp được cấp lại thẻ BHYT

Điều 18 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 quy định trường hợp được cấp lại thẻ BHYT

“Điều 18. Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

1. Thẻ bảo hiểm y tế được cấp lại trong trường hợp bị mất.

2. Người bị mất thẻ bảo hiểm y tế phải có đơn đề nghị cấp lại thẻ.”

Như vậy, trong trường hợp bạn làm mất thẻ BHYT thì bạn sẽ được cấp lại theo quy định của pháp luật.

* Thủ tục cấp lại thẻ BHYT

+ Hồ sơ cấp lại thẻ BHYT

Khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH Quyết định ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, quy định về hồ sơ cấp lại thẻ BHYT gồm:

“Điều 27. Cấp lại, đổi, điều chỉnh nội dung trên sổ BHXH, thẻ BHYT

4. Cấp lại, đổi thẻ BHYT

4.1. Thành phần hồ sơ

a) Người tham gia

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS).

- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03.

b) Đơn vị: Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

4.2. Số lượng hồ sơ: 01 bộ.”

+ Cơ quan có thẩm quyền cấp lại thẻ BHYT

Điểm 3.1 Khoản 3 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định:

“Điều 3. Phân cấp quản lý

3. Cấp thẻ BHYT

3.1. BHXH huyện: Cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho người tham gia BHYT do BHXH huyện thu.”

Như vậy, cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi đã cấp thẻ bảo hiểm y tế cho bạn có trách nhiệm nhận hồ sơ và cấp lại thẻ BHYT cho bạn.

+ Thời hạn cấp lại thẻ BHYT

Khoản 2 Điều 30 Quyết định 595/QĐ- BHXH quy định thời hạn cấp lại thẻ BHYT như sau:

“Điều 30. Cấp thẻ BHYT

2. Cấp lại, đổi thẻ BHYT

2.1. Trường hợp không thay đổi thông tin: không quá 02 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Từ ngày 01/01/2019 trở đi: trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.

2.2. Trường hợp thay đổi thông tin: không quá 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.

2.3. Trường hợp người tham gia đang điều trị tại các cơ sở KCB, thực hiện trong ngày khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.”

+ Lệ phí cấp lại thẻ BHYT

Khoản 4 Điều 18 luật bảo hiểm y tế 2008 đã sửa đổi, bổ sung năm 2014quy định về lệ phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế như sau:

“Điều 18. Cấp lại thẻ bảo hiểm y tế

4. Người được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế phải nộp phí. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức phí cấp lại thẻ bảo hiểm y tế. Trường hợp lỗi do tổ chức bảo hiểm y tế hoặc cơ quan lập danh sách thì người được cấp lại thẻ bảo hiểm y tế không phải nộp phí.”

Ngoài ra, khoản 3 Điều 8 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế quy định về thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sau:

“Điều 8. Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế

3. Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do tổ chức Bảo hiểm xã hội nơi tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.”

Vì vậy, trong thời gian chờ cấp lại thẻ, khi đi khám chữa bệnh bạn vẫn được hưởng các quyền lợi của bảo hiểm y tế.

(Theo Pháp luật Việt Nam)