Cơn bão đá đỏ xảy ra đã hơn 20 năm, nhưng đối với ông Hiệp thì nó như vừa hôm trước. 

Sau hôm hôm mò ra khe Cháy gặp đám thợ đào bới, ông hỏi và được trả lời là làm quặng, tức khí, sẵn đang rảnh rỗi, ông Hiệp rủ 2 người con trai vào đầu nguồn khe Lá Dong cách đó không xa lắm, đào liên tiếp mấy lỗ bên suối, tìm được 3 viên đá.Trong đó, viên to nhất bằng hạt lạc, đập tách đất đá xung quanh thấy óng lên màu đỏ au, trong vắt, hai viên còn lại màu xanh biếc, chừng 7,8 li.

Ông Hiệp bỏ vào túi rồi về. Lúc ngang qua đám thợ đang hì hục ở khe Cháy, ông móc viên to nhất ra nói với gã chủ thầu tên Ngự: “Các chú có mua cái này tôi bán cho”. Gã chủ thầu mắt tròn mắt dẹt khi nhìn thấy viên đá lóng lánh trong vắt trên bàn tay ông Hiệp. Tuy nhiên, gã lắc đầu từ chối và im lặng tiếp tục công việc.

Tầm nửa tháng sau, có vẻ như không kiếm được viên nào khá khẩm, gã tìm đến gặp ông Hiệp khi ông đang ngồi uống nước chè trước cửa nhà. Gã hỏi địa điểm mà ông Hiệp đào được 3 viên đá bữa trước, rồi khẩn khoản bảo dẫn đám thợ tới đó. Đồng thời gã hỏi xem ông có bao nhiêu đá thì cứ bán hết cho gã.

Gom trong nhà được 15 viên, toàn kích cỡ như hạt đậu, có viên trên nóc tủ, viên thì đứa cháu đang buộc dây đeo chơi ở cổ, viên thì chui dưới gầm giường mới tìm thấy, ông Hiệp mang hết ra cho chọn. 

Lúc đó, ông cũng không nghĩ mấy viên đá nhiều màu sắc ấy lại có giá trị cao đến vậy. Gã chủ thầu trả 1 viên 70 ngàn đồng (thời đấy tiền mệnh giá cao nhất cũng chỉ có 5 ngàn, và một con trâu đực to chỉ có 300 ngàn, thì 15 viên mua được tới 3 con trâu). Thấy có lãi, ông Hiệp bán luôn.

Chồng tiền mặt xong, gã chủ thầu liền quay sang năn nỉ cho đám thợ nhập với gia đình ông Hiệp đi tìm kiếm đá quý. Ông dẫn vào đầu nguồn khe suối đó đào bới. Ngày thứ 2 đào bới, đã kiếm được một viên gần bằng củ lạc.

Không biết thông tin lan truyền kiểu gì, nhưng sáng đào được đá, chiều đã có 2 chiếc ô tô biển số Hà Nội xuất hiện ở Châu Bình, toàn dân buôn đá đỏ, dò hỏi tìm đến tận nhà ông Hiệp. 

{keywords}

Thua sạch vì thầu đề, ông Hiệp phải mở quán phở sinh sống 

Viên đá ấy do ông Hiệp đào được nên ông được quyền mang đi bán. Lúc đó chưa biết giá cả thế nào, mà gã chủ thầu cũng như đám thợ cũng không ai biết, vì lần đầu tiên đào được viên đá to và đẹp đến như vậy. Nghĩ mãi, ông Hiệp nói bừa : “Đúng 20 triệu tôi bán”.

Ông chủ buôn đá quý xem đi xem lại mãi, rồi bảo bớt cho 500 ngàn. Lúc đó, ông Hiệp cùng mọi người mới giật mình, bàng hoàng sững sờ khi biết được giá trị của những viên đá mà trước vẫn nhặt về cho con cháu chơi, gấp trăm, gấp ngàn lần những hạt vụn vàng cám mà hàng ngày ông vẫn cùng đám con cháu hì hục đào đãi bên sông. 

Ngay tức khắc, số tiền được chồng ngay trước mặt, gồm 3 bao tải lớn, tiền 5000 đồng, 2000 đồng và 1000 đồng, mất cả buổi mới đếm được hết. Ông Hiệp phải lấy xe ba gác chở 3 bao tải tiền về, xếp chật cả nhà.

Chia tiền cho mọi người, bản thân ông Hiệp được lĩnh phần lớn nhất 5 triệu đồng, cũng là một con số lớn thời bấy giờ mà trước nay ông chưa bao giờ mơ tới. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau, nghe đồn viên đá ấy bán lại ở thành phố Vinh được gần 600.000 USD, sau đó được bán tiếp qua đất Thái Lan với giá trị cao hơn gấp nhiều lần, ông mới giật mình tiếc nuối.

Câu chuyện lộ ra, ngay tức khắc gây dư luận ầm ĩ, những người người dân chân chất quanh năm ruộng vườn ở Châu Bình nổi cơn sốt xình xịch, bỏ bê hết cả ruộng nương, lao đi tìm đá.

Chỉ tay vào đồi Mồ ngay trước mặt, ông Hiệp cho biết, có tiền, ông mua ngay một miếng đất khá lớn ven đồi, định làm một trang trại. Sau khi quây hết hàng rào lại, nghĩ đến viên đá bán được 20 triệu đồng hồi trước, ông huy động cả nhà đào bới, vừa để làm nền vừa hy vọng vận may tìm đến với mình một lần nữa.

Cứ thế, ông Hiệp đào theo kiểu hên xui, cứ cuốc xẻng bổ xuống, sâu đến 1 mét mà không thấy có vỉa đá thì lại chuyển sang đào hố khác. Nếu có vỉa đá, nhất là đá cuội, thì kiểu gì cũng tìm thấy đá rubi ở đó, theo kiểu đá ngậm đá.

Mất mấy tháng đào bới, ông kiếm được 6 viên, trong đó có 1 viên đá đỏ au lóng lánh to bằng hạt mít, cứng hơn sắt thép, đập mãi mới bóc tách được lớp cuội bên ngoài. Ông bán viên đó được 350 triệu đồng.

Lúc đầu, thấy cha con ông đào, rồi có đá bán ra tiền triệu, mọi người cũng xúm vào đào bới, lật tung cả mồ mả. Họ hàng thân thích của những người đã chết chôn ở đồi Mồ ra phản đối dữ lắm, nhưng được đút tiền, lại thấy có lợi, thế là họ cũng lao vào cơn lốc đá đỏ đó.

Với 6 viên đá quý, ông Hiệp bán được hơn 1 tỷ đồng. Ông cứ ngồi rung đùi uống trà trước cửa nhà, ngày ngày không thiếu dân buôn đá quý ong ve gạ mua, ưng giá lá bán. Bên cạnh đó, nhiều người dân ở Châu Bình cũng đào được đá, có viên họ giấu đi, có viên thì lại đem bán lại cho ông Hiệp. Ai đào được đá ông mua hết, rồi thấy có lãi lại bán đi.

Chỉ thời gian ngắn, tài sản của ông Hiệp lên tới hơn 3 tỷ đồng, một con số khủng khiếp thời bấy giờ. Trong nhà, tiền chất hàng đống, chỗ nào nhét được là nhét. Bản thân ông và vợ con vàng bạc đeo nặng trĩu cổ, tính theo kilogam chứ không tính bằng chỉ. Có tiền, ông xây cho con cháu mỗi người một ngôi nhà.

{keywords}
Một trong những viên đá được chế tác từ mỏ đá Châu Bình  

Thời điểm đó, cơn sốt bắt đầu lên cao, không chỉ dân Châu Bình mà còn khắp nơi kéo về đào đá quý. Thỉnh thoảng, ông Hiệp lại thấy có những xe tải chở đầy giang hồ mặt mũi bặm trợn, dao kiếm đầy mình cũng dừng lại nhảy xổ vào tranh bãi.

Tại đây, bắt đầu có những vụ chết người do sập hầm. Những xác chết được moi ra khỏi hầm, vứt chỏng chơ bên vệ đường, hương khói nghi ngút. Người thân khóc lóc vật vã bên những xác chết bê bết bùn đất. 

Thỉnh thoảng, trong mấy khu đồi lại nghe tiếng mìn nổ đinh tai nhức óc, rồi súng bắn chỉ thiên, rồi tiếng người la hét ầm ỹ.

Sợ nguy hiểm tính mạng, ông Hiệp quay sang mua xe khách chạy bắc nam. Thế nhưng, được thời gian ngắn thì lại chán vì mệt mỏi, lại bán xe, rồi quay sang làm chủ đề. Trước đó, đề đóm ông không bao giờ chơi, đến cả tú lơ khơ nhìn thấy con cháu đánh cũng mắng chửi, thế nhưng không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào lại lóa mắt trước đồng tiền nên ông thầu đề. Cho đến giờ, ông Hiệp vẫn tiếc nuối với cái dại đó.

Thời đấy chưa có điện thoại như bây giờ, toàn dân đào đá đỏ vác tiền mặt đến đánh đề. Sẵn có tiền, dân đào đá đỏ chơi toàn vài chục triệu 1 con đề, ông Hiệp ôm hết. Ông Hiệp nhanh chóng phất lên thành đại gia của cả vùng với tiền bạc trong nhà rủng rỉnh đến 5 tỷ đồng.

Nhưng có một hôm, không hiểu sao cả mấy bãi đá đỏ thi nhau kéo đến nhà ông ghi con số 83. Cả dân chúng xã cạnh cũng kéo sang đánh. Buổi tối, ông Hiệp rụng rời tay chân, không tin vào mắt mình khi bảng kết quả thông báo đề về 83. 

Vụ đó, ông mất sạch gia tài, thậm chí còn phải bán thêm đồ đạc, xe cộ mới đủ bù lỗ, khi mà hàng ngày đám giang hồ cứ lởn vởn trước cửa đòi nợ.

Cùng đường, vợ chồng ông Hiệp phải mở quán phở ven quốc lộ 48 kiếm sống qua ngày, con cái bỏ xứ đi chạy xe thuê. Sau lần ấy, ông Hiệp bất chấp nguy hiểm, huy động anh em vào rừng đào đá, mong vận may sẽ mỉm cười lần nữa, nhưng ông không bao giờ tìm thấy viên đá nào.

(Theo VTC)