- Sau cú sốc tỷ giá tại Trung Quốc, đồng USD tăng dữ dội trong khi vàng tiếp tục đi ngược với xu hướng thường thấy, trở thành một kênh trú ẩn tạm thời của giới đầu tư.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 13/8, các doanh nghiệp kinh doanh vàng tại Hà Nội và TP.HCM đồng loạt tăng giá thêm 230.000-280.000 đồng/lượng so với cuối chiều qua. Một số tiệm vàng đã niêm yết giá vàng bán ra ở mức trên ngưỡng 34 triệu đồng/lượng, sau 5 tuần nằm dưới ngưỡng này.

Tính tới 8h22, giá vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn được mua vào và bán ra ở mức 33,6 triệu đồng/lượng và 34 triệu đồng/lượng, so với mức 33,37 và 33,72 triệu đồng/lượng cuối giờ chiều 12/8.

Như vậy, chỉ sau cú sốc tỷ giá NDT từ Trung Quốc, giá vàng đã tăng hơn 1 triệu đồng/lượng, bất chấp đồng USD tăng dữ dội từ 1-5% so với phần lớn các đồng tiền ở châu Á cũng như châu Âu.

{keywords}
USD, vàng trong đà tăng giá do ảnh hưởng của việc Trung Quốc phá giá đồng NDT

Tới 9h, SJC tại Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng ở mức 33,72 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng SJC tại DOJI được giao dịch ở mức gần tương tự: 33,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34 triệu đồng/lượng (bán ra).

Giá vàng bắt đầu tăng từ sáng ngày 12/8 sau khi giá vàng thế giới đã đảo chiều xu hướng giảm giá dài hạn, quay đầu tăng từ ngưỡng dưới 1.095 lên trên 1.120 USD/ounce. Tuy nhiên, bắt đầu tăng mạnh từ trưa 12/8 sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nới biên độ tỷ giá từ 1% lên 2% khiến giá USD tăng ngân hàng và tự do tăng vọt lên trên 22.000 đồng/USD.

Sáng 13/8, Trung Quốc tiếp tục công bố giảm giá NDT ngày thứ 3 liên tiếp. Theo đó, tỷ giá tham chiếu mới là 1 USD đổi 6,4010 NDT, giảm 1,1% so với mức 6,3306 NDT công bố cho ngày 12/8. Với biên độ dao động 2%, NDT được giao dịch trong khoảng 6,2730 - 6,5290 NDT đổi 1 USD.

Trước khi NHNN điều chỉnh biên độ tỷ giá, giá vàng ổn định ở mức trên 33 triệu đồng/lượng.

Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT đã khiến giới đầu tư trên thế giới chuyển sang vàng như một kênh trú ẩn do lo sợ cuộc chiến tiền tệ giữa hàng loạt các nước ở châu Á cũng như ở tận châu Mỹ như Brazil sẽ nổ ra nhằm cạnh tranh về xuất khẩu.

Tỷ giá USD/VND tăng nhanh ngay sau quyết định của NHNN đã trực tiếp khiến giá vàng thế giới quy đổi sang tiền Việt tăng mạnh.

Đại diện một số DN kinh doanh vàng tại Hà Nội cho biết, thị trường vàng trong phiên giao dịch 12/8 ấm lên. Cả hai chiều giao dịch mua vào và bán ra đều sôi động. Nhiều người quyết định mua vàng sau một thời gian khá dài chán nản với mặt hàng này. 

{keywords}
Biểu đồ giá vàng trong 3 ngày 10-11-12/8 của Kitco

Đầu giờ sáng 13/8, Vietcombank tăng giá mua vào và bán ra đồng USD thêm 10 đồng so với cuối giờ chiều qua lên 22.000 đồng và 22.070 đồng/USD. Như vậy, lần đầu tiền giá mua vào của ngân hàng này lên ngưỡng 22.000 đồng/USD. Trong khi đó, giá bán ra thấp hơn chiều qua. Chiều 11/8, giá USD có lúc đã lên tới 22.090 đồng/USD.

Tính tới 9h sáng 13/8, BIDV niêm yết giá USD ở mức 22.020 đồng (mua) và 22.080 đồng (bán); Eximbank 22.010 đồng (mua tiền mặt) và 22.100 đồng (bán); Techcombank 21.970 đồng (mua tiền mặt) và 22.090 đồng (bán); DongABank 22.010 đồng (mua) và 22.100 đồng (bán),...

Trên thị trường tự do, USD đã lên gần đụng trần. Giá được giao dịch phổ biến ở mức 22.100 đồng/USD (so với trần 22.106 đồng/USD).

Như vậy, cho tới sáng 13/8, hầu hết các NH đã điều chỉnh giá bán USD tăng 10-20 đồng sau khi hạ nhiệt vào cuối giờ chiều qua. Giá bán ra hầu hết chỉ còn cách trần quy định 6-36 đồng/1 USD. Và giá trên thị trường tự do và ngân hàng đã tiếp cận gần sát với nhau sau vài tuần chênh khá nhiều.

Mặc dù giá tăng, một số NH cho biết, trên thị trường không xuất hiện tình trạng và khan hiếm ngoại tệ. Gần đây, hồi cuối tháng 7, NHNN cho biết, dự trữ ngoại hối đạt 37 tỷ USD và 10 tấn vàng - một con số khá lớn so với quá khứ.

M. Hà