Khi những chiếc điện thoại mang thương hiệu iPhone trở thành niềm khao khát của hàng triệu thượng đế Việt, nhiều công ty, cửa hàng kinh doanh điện thoại chuyên kinh doanh sản phẩm này mọc lên như nấm sau mưa.

Tuy nhiên, việc chứng minh nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của những chiếc iPhone rất “mập mờ”. Cùng với việc "lừa" khách hàng, các cửa hàng, công ty kinh doanh "Táo" dỏm cũng trốn tránh nộp thuế.

"Tổng kho" iPhone lậu vùng biên

Để bắt đầu loạt bài này, nhóm phóng viên (PV) đã có sự tìm hiểu kỹ lưỡng về thị trường iPhone tại Việt Nam. Theo đó, hiện nay, tại nước ta có ba công ty được Apple - công ty sản xuất độc quyền chiếc điện thoại thương hiệu iPhone - ký hợp đồng phân phối các sản phẩm của hãng này tại Việt Nam. Các công ty trên bao gồm: Tập đoàn FPT, nhà mạng di động Viettel và nhà mạng di động Vinaphone. Trong đó, chỉ có Tập đoàn FPT được phân phối sản phẩm iPhone tới các kênh bán lẻ khác tại Việt Nam. Còn hai nhà mạng Viettel và Vinaphone chỉ bán dòng điện thoại mang thương hiệu “quả táo cắn dở” này trong hệ thống của mình.

“Điều đó có nghĩa rằng, mọi sản phẩm iPhone bán ra tại Việt Nam mang danh chính hãng đều phải được bán qua ba đơn vị trên. Những công ty khác nếu muốn kinh doanh những sản phẩm iPhone có thương hiệu, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm rõ ràng từ Apple tại Việt Nam đều phải thông qua việc ký kết hợp đồng là đại lý phân phối sản phẩm iPhone cho FPT. Tuy nhiên, trên thực tế thì có hàng ngàn các công ty, cửa hàng đang kinh doanh iPhone nhưng chỉ có vài ba công ty, cửa hàng là có hợp đồng phân phối từ FPT đối với dòng sản phẩm này. Còn lại, đại đa số các cửa hàng đang kinh doanh dòng sản phẩm iPhone đều là hàng lậu, dựng, dỏm từ Trung Quốc. Nếu kinh doanh hàng chính hãng, không phải công ty, cửa hàng nào cũng có đủ tiềm lực đáp ứng được yêu cầu là đại lý bán lẻ của FPT. Ngoài ra, quan trọng nhất là kinh doanh hàng lậu thì trốn được đủ các thứ thuế như thuế nhập khẩu, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; sản phẩm bán ra giá cực cạnh tranh - chưa bằng 2/3 so với sản phẩm từ các nhà phân phối chính hãng”, Nguyễn Tuấn Q - chủ một chuỗi cửa hàng kinh doanh điện thoại tại Hà Nội - cho biết.

{keywords}

“Điều quan trọng nhất là đại đa số khách hàng không thể phân biệt được chiếc iPhone chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng khác iPhone lậu, dựng, dỏm ở điểm nào vì công nghệ “dựng” hàng của Trung Quốc quá đỉnh! Muốn biết thêm về dòng này, anh cứ ra chợ Vinh Cơ - Móng Cái khắc rõ. Đây là “tổng kho” của iPhone dựng, lậu, dỏm”, anh Q. nói thêm.

Trong vai những người có nhu cầu buôn iPhone nhập lậu, chúng tôi đã có mặt tại chợ Vinh Cơ (Móng Cái, Quảng Ninh) để tìm nguồn hàng. Cả ngàn chiếc iPhone các thế hệ cũ, mới được trưng bày la liệt và tất cả đều được chủ hàng tiếp thị: Đây là hàng dựng!

Kỹ nghệ “dựng” hàng

Một ngày đầu tháng 3.2016, chúng tôi có mặt tại bến xe Móng Cái, để bắt đầu hành trình khám phá “tổng kho” iPhone lậu. Thông qua gã chạy xe ôm dắt mối, chúng tôi tìm về chợ Vinh Cơ gặp chủ gian hàng bán iPhone tên Hùng, có nhà ngay sát bến xe Móng Cái. Vừa gặp, Hùng đã nói ngay: “Anh làm hàng này từ lâu rồi. Nhà anh lại có cả xe chạy tuyến Móng Cái - Hà Nội nữa nên chú cứ yên tâm nhập hàng của anh. Nhận hàng anh mới nhận tiền”, Hùng nói trong lúc dẫn chúng tôi vào trong gian hàng của mình tại chợ Vinh Cơ để tham quan.

Dân buôn bán gọi là chợ Vinh Cơ cho gần gũi, thực tế danh xưng của chợ này mỹ miều hơn đôi chút: Trung tâm thương mại Vinh Cơ. Đây là khu chợ lớn nhất và gần như chỉ chuyên buôn các dòng điện thoại nhái, dựng, lậu từ Trung Quốc. “Thương hiệu điện thoại nào ở đây bọn anh cũng có. Từ iPhone, Nokia, Samsung và cả Vertu”, Hùng nói rồi giới thiệu hai dòng iPhone tại cửa hàng gồm nguyên bản và đóng mới.

Hàng nguyên bản là hàng cũ, chưa sửa chữa gì. Hàng đóng mới hay còn gọi là hàng dựng thì chỉ có cái “mên” (main) là của Apple sản xuất, còn lại các bộ phận phụ kiện khác thì do nhà máy bên Trung Quốc sản xuất và thay lại hết. Hàng dựng thì đắt hơn hàng nguyên bản vì hàng nguyên bản là hàng cũ do bọn anh thu mua từ mối của bọn anh, hàng đã bị kích hoạt và thường hết hạn bảo hành trên trang chủ của Apple. Khi bán hàng này cho khách thì phải bán là dạng hàng cũ, đã qua sử dụng. Còn hàng dựng mới thì bọn anh chỉ dùng mỗi bộ phận main - là bộ phận do Apple sản xuất để đánh mã cho các sản phẩm của mình. Còn lại, các linh kiện khác từ màn hình, tai nghe, pin, vỏ, màn hình... đều được gia công sản xuất nhái hết”, Hùng giải thích, rồi cho biết, có hai nguồn main chính từ những chiếc máy cũ đã qua sử dụng và main mới được tuồn ra từ nhà sản xuất, chưa hề được kích hoạt trên hệ thống trang chủ của Apple nên dùng main này có thể dựng thành máy mới hoàn toàn, đẹp long lanh và kiểm tra trên trang chủ của Apple sẽ cho ra kết quả chưa hề bị kích hoạt.

“Hàng này được dựng chính từ Thẩm Quyến. Như anh làm ăn uy tín, chỉ lấy hàng có main từ 2014 đổ lại đây, các main được sản xuất trước năm đó bọn anh không mua. Ngoài ra, bọn anh cũng chỉ nhập main của các nước Châu Âu, Bắc Mỹ chứ không nhập dòng main mà Apple sản xuất cho thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc. Main của mấy nước đó hay bị lỗi”, Hùng giải thích thêm.

Đường đi của iPhone “dựng”

Sau cuộc trò chuyện trên với Hùng, chúng tôi tỏ ra khá hào hứng và đề nghị Hùng báo giá cho từng dòng sản phẩm là iPhone các đời máy 4S, 5, 5S, 6, 6S, 6Plus. Ngay lập tức, Hùng đưa ra các con số: “Ở đây, bọn anh chỉ tính giao dịch bằng tiền nhân dân tệ của Trung Quốc do nhập hàng từ phía Trung Quốc, bọn anh cũng phải trả bằng đồng nhân dân tệ. Nếu em nhập iPhone 4S thì giá 350 nhân dân tệ, 6S chừng 2.500 tệ, loại nào cũng có. Đây là giá cho hàng dựng mới nhé! Với hàng cũ nguyên bản thì rẻ hơn chừng 20 tệ/máy. Giá này cũng chưa có hộp và phụ kiện đâu em nhé! Hộp và phụ kiện mất chừng 40 - 50 tệ/máy, tùy từng loại. Hộp và phụ kiện này sẽ được bọn anh gia công và khắc đúng ký tự của main, imei của máy, em cứ an tâm”.

Dạo một vòng quanh chợ Vinh Cơ, trong khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi “tham quan” được không dưới 20 cửa hàng chuyên kinh doanh dòng điện thoại iPhone. Những “mớ” iPhone được bày la liệt trên bàn, tủ kính và được bó với nhau độ 5 cái thành 1 cọc. Người buôn bán ở đây nói thạo cả tiếng Trung và tiếng Việt để giao dịch mua bán. Những chủ cửa hàng này miệng vừa giao dịch với khách hàng tay vừa thoăn thoắt bó những chiếc iPhone thành từng “mớ”. Họ chẳng mấy bận tâm nếu khách chỉ hỏi chứ không mua. Họ cũng chẳng vui mừng nếu bán được cho vị khách nào đó vài ba chục con máy. Khi thấy chúng tôi có nhu cầu nhập hàng về để kinh doanh, tất cả cửa hàng này đều đưa ra những lời khẳng định rằng iPhone của mình là dòng iPhone dựng, đóng lại và đều là hàng có nguồn gốc từ Thẩm Quyến, Trung Quốc. Giá bán thì “xêm xêm” như giá mà chủ cửa hàng tên Hùng tại quầy 11 chợ Vinh Cơ báo.

Rời khỏi chợ Vinh Cơ, chúng tôi nhận về tới tấp những mối “làm ăn” từ các bạn hàng chuyên dòng iPhone dựng. Lúc này, chúng tôi liên lạc lại với Hùng qua điện thoại để bàn về chuyện nhập hàng, đặt vấn đề về cách đưa hàng về Hà Nội, Hùng cười khẩy rồi nói: “Đơn giản lắm ông bạn à! Tôi sẽ giới thiệu cho ông nhà xe tôi quen rồi gửi hàng qua đó. Nếu chỉ lấy vài chục chiếc thì nhà xe sẽ nhờ khách cầm hộ mỗi người 1, 2 cái. Nếu nhiều hơn thì có thùng chuyên dụng để chứa hàng hoặc quấn máy quanh người, đảm bảo uy tín, có quan hệ với cơ quan chức năng không lo mất hàng”, Hùng nói.

Sau cuộc gặp với Hùng, chúng tôi tiếp tục ra bến xe Móng Cái gặp một loạt nhà xe chạy tuyến Móng Cái - Hà Nội để đặt vấn đề vận chuyển iPhone từ Móng Cái về Hà Nội. Tất cả nhà xe đều nhận lời “đặt hàng”. Sau khi về thị trường nội địa, những chiếc iPhone dựng, lậu trên sẽ được “khoác” thêm lớp áo nào để các cửa hàng tự tin nói đây là sản phẩm chính hãng Apple, chưa kích hoạt. 

(Theo Lao động)