- Việt Nam hiện không có tiền thật để xử lý nợ xấu, tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nên nghiên cứu thêm phương án tìm kiếm vốn trên thị trường quốc tế để tài trợ hệ thống ngân hàng.

Tín dụng toàn hệ thống đối với nền kinh tế tính đến ngày 22/4, tăng 0,62% so với cuối năm 2013, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là điều đáng lo ngại, phản ánh nhu cầu vay vốn nội địa rất yếu.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng thấp ở Việt Nam không phải là từ cầu (bên đi vay) mà là từ cung, bởi các ngân hàng dè dặt không muốn cho vay mà nguyên nhân sâu xa là do nợ xấu cao.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, con số nợ xấu mới được công bố 9,71% của hệ thống ngân hàng là rất cao. Tuy nhiên, đây chỉ là con số bình quân của toàn hệ thống, nếu tính từng ngân hàng thì sẽ có ngân hàng có nợ xấu cao hơn con số bình quân. Những ngân hàng này mới thực sự đáng lo ngại.

Các ý kiến cho biết, theo thông lệ quốc tế, ngân hàng phải có ít nhất vốn điều lệ bằng 8% tổng dư nợ, tức là khi cho vay 100 đồng, ngân hàng phải có 8 đồng vốn để bảo đảm rủi ro tín dụng. Với tỷ lệ 9,71% nợ xấu, như vậy có thể hiểu, toàn bộ vốn điều lệ là dùng để "cúng" nợ xấu, không còn một đồng xu nào dành cho việc ngăn ngừa những rủi ro khác.

{keywords}

Với mức nợ xấu hiện tại, không một ngân hàng nào dám dứng lên cho DN đang gặp khó khăn vay tiền (ảnh minh họa).

Không những thế, cách xử lý nợ xấu hiện nay quá chậm. Công ty Quản lý nợ và tài sản tồn đọng (VAMC) lại không thể xử lý nợ xấu ngay được và về bản chất vẫn chỉ là hạch toán, không phải xử lý bằng nguồn tài chính thực để có tác động vào nền kinh tế.

Theo ông Kim, ở mọi quốc gia, người ta đều dùng tiền thật để vực dậy ngân hàng yếu kém, chỉ riêng ở Việt Nam là dùng giải pháp "kế toán" để xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, theo ông Kim, nên nghiên cứu thêm phương án tìm kiếm vốn trên thị trường quốc tế để tài trợ hệ thống ngân hàng.

"Tất nhiên như vậy nợ công sẽ tăng, nhưng ta cũng tin rằng hệ thống ngân hàng sẽ sớm phục hồi, sẽ trang trải khoản nợ này. Khi trái phiếu đáo hạn hoặc được hoán đổi thành cổ phiếu và bán lại trên thị trường chứng khoán. Một khi hệ thống ngân hàng bình phục, DN sẽ có thể tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, kinh tế sẽ trở lại đà phát triển cũ", ông Kim nói.

Với mức nợ xấu hiện tại, không một ngân hàng nào dám dứng lên cho DN đang gặp khó khăn vay tiền. Ngay cả với những DN có kinh doanh tương đối tích cực, họ cũng rất dè dặt. DN không thể tiếp cận được nguồn vốn, tiếp tục phải giải thể, thì tình hình sẽ khó khăn hơn và nợ tốt hiện tại sẽ trở thành nợ xấu giống như một vòng xoáy khó thoát.

Ông Kim cho biết, đây không phải là một kịch bản tưởng tượng mà là tình hình thật sự của hệ thống ngân hàng. Họ đang thừa tiền huy động, không thể cho DN vay, nên đổ vào trái phiếu và đang nỗ lực cho vay tiêu dùng. Trong khi đó, giới tài chính đều thừa nhận lĩnh vực vay tiêu dùng, nhất là với những quốc gia có thu nhập thấp thì rủi ro rất cao.

Một số ý kiến cho rằng, hiện nay nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã qua thời kỳ "cục máu đông" mà trở thành "cục u ác tính", phát triển hỗn độn và có tính xâm lấn. Nếu chúng ta vẫn chậm chạp trong xử lý nguy cơ lan tràn dễ xảy ra và sẽ rất khó giải quyết.

Nếu tình trạng nợ xấu quá mức còn tồn tại thì nguy cơ một vài ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng phá sản rồi kéo theo những ngân hàng khác và đe dọa cả hệ thống ngân hàng. Không những thế, số DN gặp khó khăn đóng cửa vẫn nhiều, kinh tế quốc gia sẽ tiếp tục trì trệ.

Trần Thủy