Cải cách DNNN sẽ là phương cách cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay để “thay máu” cho DNNN, tăng thêm tính chủ động và tự do cạnh tranh trong kinh doanh.

Cải cách DNNN là đề tài không còn xa lạ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Đánh giá về hoạt động của DNNN tại Việt Nam, Ông Marco Breu – Tổng giám đốc Mckinsey & Company trong Hội thảo CEO Summit 2013 từng nhận định, các DNNN quy mô lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả tạo ra gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế và là rào cản tăng trưởng cho khu vực tư nhân. 

Vì vậy, cải cách DNNN sẽ là phương cách cần thiết nhất trong giai đoạn hiện nay để “thay máu” cho DNNN, tăng thêm tính chủ động và tự do cạnh tranh trong kinh doanh.

Cải cách DNNN – Một năm nhìn lại

Theo nhận định của WB trong Báo cáo Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, tháng 7/2014 mới được công bố gần đây, chương trình cải cách DNNN đang có những chuyển biến tích cực trong một vài tháng trở lại đây, cùng với việc ban hành Nghị quyết 15 về kế hoạch hành động toàn diện nhằm đẩy mạnh thoái vốn trong DNNN vào tháng 4/2014 sau Buổi Hội nghị về DNNN do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Thống kê cho thấy, trong năm 2013, Chính phủ đã cổ phần hóa 74 DNNN, bao gồm 12 Tổng công ty. Trong Quý 1/2014 đã có 25 DNNN đã thực hiện IPO, bao gồm 13 Tổng công ty. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa cho đến nay chủ yếu tập trung vào DNNN nhỏ, và chỉ một phần nhỏ trong tài sản cổ phần hóa của tổng công ty được bán cho các cổ đông ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, các đợt IPO trong Quý 1/2014 chỉ bán được 30% so với kế hoạch 355 triệu cổ phiếu. 

{keywords}
Nguồn: Báo cáo của NSCERD về cải cách DNNN 2011-2013

Cũng theo số liệu của WB, tính đến cuối năm 2013, khoảng 19% tổng vốn đầu tư DNNN trong nhóm không cốt lõi, tương đương với 22 nghìn tỷ VND hay 2,1% tổng nguồn vốn đã được bán, nhưng phần lớn diễn ra trong khu vực nhà nước, chỉ có 1% bán cho các nhà đầu tư tư nhân. Rõ ràng, việc sửa đổi quy định cho phép bán cổ phần DNNN theo giá trị trường gần đây là một quyết định đúng đắn, là cơ sở thu hút thêm sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài, giúp đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của công cuộc cải cách DNNN. 

Trong thời gian vừa qua, Chính phủ cũng đã cho thấy sự tích cực của mình trong việc thúc đẩy tiến trình cải cách DNNN thông qua việc ban hành hàng loạt các Quyết định và chỉ thị quy định rõ trách nhiệm của các bên có liên quan. Thêm vào đó, hai bộ luật có liên quan đến DNNN, bao gồm Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và Luật doanh nghiệp cũng đã được Quốc Hội đưa ra xem xét vào tháng 5/2014 và dự kiến sẽ được phê duyệt vào cuối năm 2014.

Những ưu tiên chiến lược trong quá trình cải cách

Cải cách DNNN là công cuộc cần sự thay đổi toàn diện từ tư duy đến hành động. Theo tác giả Alfred Chandler (1998), những thay đổi chiến lược của DN sẽ đưa tổ chức đối mặt với những vấn đề mới trong quản trị, đòi hỏi phải có những cơ cấu để thực thi chiến lược thành công, đem lại hiệu quả cao hơn cho tổ chức.

{keywords}
Quản trị chiến lược, Hoàng Văn Hải, 2010 (trích dẫn)

Muốn vậy, trước tiên cần nhận thức rõ mục tiêu của công cuộc cải cách, mà trong đó cổ phần hóa được xem là một biện pháp quan trọng mang tính chiến lược. Mục đích của cải cách DNNN là nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN, không ngừng tạo ra giá trị, cải thiện sức cạnh tranh trong nước và quốc tế, sẵn sàng chấp nhận cuộc chơi tự do hóa và bình đẳng cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bởi vậy, để hướng tới thành công lâu dài, DNNN cần chủ động hơn nữa trong việc cải cách và đổi mới chiến lược, đánh giá và lựa chọn những ưu tiên thay đổi phù hợp với thực trạng và bối cảnh kinh tế - chính trị đang có những chuyển biến khó lường như hiện nay.

Trong cuộc khảo sát gần đây do Vietnam Report thực hiện, phần lớn các lãnh đạo DNNN lựa chọn R&D là bộ phận cần thay đổi trước tiên để nâng cao hiệu quả hoạt động và tốc độ tăng trưởng của công ty. Đây đồng thời sẽ là bộ phận được ưu tiên đầu tư nhiều hơn trong giai đoạn tiếp theo của khối DNNN nhằm hướng tới mục tiêu đổi mới và phát triển bền vững trong tương lai.

{keywords}
Nguồn: Survey các doanh nghiệp lớn Việt Nam, Quý 2/2014 do Vietnam Report thực hiện

Để bổ sung những gợi ý cho doanh nghiệp về các ưu tiên quan trọng trong quá trình tái định hình kinh doanh sẽ được trình bày trong Hội nghị CEO Summit 2014 với chủ đề “Tái định hình ưu tiên chiến lược của các doanh nghiệp lớn Việt Nam trong giai đoạn chuyển tiếp 2014 – 2016” dự kiến diễn ra vào ngày 5/8/2014 tại Rex Saigon Hotel, TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị lần này có sự góp mặt của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, hi vọng sẽ đem đến cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những góc nhìn đa chiều về tình hình kinh tế và kinh doanh trong giai đoạn tiếp theo 2014 - 2016.