- CPI cả nước lần đầu tiên đã giảm sau 3 năm, trong đó nhóm hàng hàng ăn, dịch vụ ăn uống (chiếm gần 40%) là nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ hàng hóa giảm khá mạnh. Đó là do người dân đang thực hiện chính sách thắt chặt chi tiêu.

Giá chợ xuống đều

Một ngày sau khi công bố chỉ số lạm phát giảm, khảo sát giá cả hàng hóa thực phẩm tại các chợ bán lẻ lớn của Hà Nội cho thấy hàng hóa vẫn tiếp tục một xu hướng giảm, giảm rõ nhất là các mặt hàng thực phẩm và rau xanh.

Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) vào buổi sáng sớm, giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm đều giảm nhẹ so với hồi tháng 5. Theo cô Loan, chủ một sạp thịt lợn tại chợ này, giá thịt lợn trong tháng 6 đã giảm đi ít nhiều so với tháng 5. Hầu hết các loại thịt lợn giá giảm khoảng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại.

Hiện thịt thăn lợn có giá 110.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; thịt ba chỉ, mông giá 90.000 đồng/kg giảm 10.000 đồng/kg. Thịt gà công nghiệp mổ sẵn giá chỉ còn 45.000 - 65.000 đồng/kg tùy loại. So với tháng 5 và cả tháng 4, giá thịt gà loại này đã giảm đi 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Thịt bò cũng như các loại thủy hải sản giá vẫn ổn định không có sự tăng lên hay giảm xuống so với trước. Riêng mặt hàng cua đồng giá giảm 30.000 đồng/kg, từ 150.000 đồng/kg xuống còn 120.000 đồng/kg do không còn sốt giá như trong đợt nắng nóng hồi đầu tháng 5 nữa.

Trong khi nhóm hàng thực phẩm chỉ giảm nhẹ thì rau xanh lại là loại có nhiều biến động nhất. Vào đầu mùa, nguồn cung dồi dào khiến giá rau xanh liên tục giảm, có những mặt hàng giảm mạnh, giá chỉ còn bằng 1/3 so với hồi cuối tháng 5.

Ghi nhận giá rau xanh tại chợ cho thấy mặt hàng này đã hạ nhiệt đi nhiều. Tại chợ Cổ Nhuế (Từ Liêm, Hà Nội), rau muống có giá 2.500 đồng/mớ giảm 1.500 đồng/mớ; rau dền 1.500 đồng/mớ, giảm 1.000 đồng; mùng tơi giá giảm một nửa còn 2.000 đồng/mớ; su su 5.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng; rau đay 1.000 đồng/kg giảm 3.000 đồng/kg...

Các loại rau cải, sau khi tăng mạnh lên 20.000 đồng/kg vào cuối tháng 5 do mưa lớn kéo dài, hàng khan hiếm nay nguồn cung trở lại ổn định khiến mặt hàng này giảm xuống chỉ còn 8.000 - 10.000 đồng/kg tùy loại.

Tương tự, chanh tươi cùng đã hạ giá kỷ lục. Theo cô Lê Thị Mỹ, một tiểu thương tại chợ Cổ Nhuế, hồi cuối tháng 5 chanh tươi sốt giá, có thời điểm lên tới 40.000 - 50.000 đồng/kg, bán lẻ 3.000 đồng/quả. Đến cuối tháng 5, giá chanh đã hạ nhiệt. Sang tháng 6, giá chanh chỉ còn 15.000 đồng/kg.

Tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nộ, giá cả các mặt hàng lương thực thực phẩm khá ổn định chứ không có sự biến động theo thị trường bán lẻ tại các chợ.

Một nhân viên phụ trách quần thực phẩm rau quả tại siêu thị BigC Thăng Long cho biết: "Các mặt hàng này đã được đặt hàng theo hợp đồng với nhà cung cấp vậy nên việc tăng hay giảm cũng phụ thuộc vào phí nhà cung cấp rất nhiều". Tuy nhiên, tại siêu thị đang kết hợp với phía nhà cung cấp để thực hiện khuyến mãi, giảm giá nhiều mặt hàng phục vu nhu cầu thiết yếu của người dân, nhân viên này cho biết thêm.

Giảm giá vẫn khó bán hàng

Thông thường, các chủ hàng giảm giá nhằm mục tiêu kích thích mua. Nếu như trước đây, khi giá lương thực, thực phẩm giảm mạnh thì sức tiêu thụ hàng hóa tại chợ cũng như siêu thị sẽ tăng lên. Tuy nhiên, theo nhiều chủ hàng bán lẻ tại chợ và các siêu thị, sức mua trong tháng 6 vẫn tiếp tục giảm hơn so với tháng 5 và các tháng trước đó.

Theo một số siêu thị, sức mua chung giảm, đa số các hóa đơn mua hàng cũng có số tiền thanh toán thấp hơn trước đây. Điều này cho thấy, sức mua đang giảm do người dân thắt chặt chi tiêu khiến cho hàng hóa tại các chợ càng ngày tiêu thụ càng chậm.

Dạo quanh các chợ bán buôn cũng như bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy tình trạng ế ẩm tại các chợ đang diễn ra khá phổ biến và đang có nguy cơ tăng cao.

Anh Trần Văn Quyền, một tiểu thương bán thịt lợn tại chợ đầu mối Dịch Vọng, cho biết: "Giá thịt lợn không còn đắt đỏ như trước. Hiện mặt hàng này đã giảm đi ít nhiều nhưng càng ngày hàng bán càng chậm. Trước kia chỉ bán đến tầm 9h sáng là hết hàng, giờ bán đến 10h sáng mà thịt vẫn còn, có hôm còn phải đem về".

"Người dân bây giờ còn cắt bớt một phần khẩu phần ăn đi để giảm chi phí sinh hoạt. Đi chợ ai cũng mua một lượng cần thiết, thừa họ bắt bỏ ra ngay", anh Quyền tâm sự.

Tương tự, cô Hậu - một tiểu thương bán rau tại chợ Cổ Nhuế cũng nói rằng, ngoài lý do rau được mùa, nguồn cung khá dồi dào nên giá giảm, lý do khác và quan trọng hơn đó là người dân đang thời kỳ "thắt lưng buộc bụng", đi chợ chỉ mua đủ và mua những thứ cần thiết chứ không có dư. Theo cô Hậu, sức tiêu thụ hàng hóa tại chợ yếu dần, lượng hàng bán ra càng ngày càng giảm bắt buộc các tiểu thương phải giảm giá chứ không dám tăng để vớt khách.

Hầu hết các tiểu thương ở chợ được hỏi đều cho biết lượng hàng hóa bán ra đã giảm đi đáng kể so với trước. "Ngày trước hàng lấy về 10 phần thì nay chỉ còn 5 -6 phần mà bán vẫn ế, nhiều tiểu thương đã nghỉ bán, bỏ chợ".

Bác Nguyễn Phương Thảo (ở 109 - Hoàng Quốc Việt - Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ: "người dân không có tiền thì sẽ cắt giảm chi tiêu đó là điều tất yếu mặc dù giá có giảm. Ngay chính bản thân mình dù chưa đến mức khó khăn nhưng vẫn phải đắn đo suy nghĩ nên mua gì để phù hợp với túi tiền. Đối với mấy cháu sinh viên trọ học, việc tính toán mua gì lại càng phải kỹ hơn".

Chung ý kiến với bác Thảo, cô Mai Kim Anh (ở ngõ 120 Xuân Thủy - Cầu Giấy - Hà Nội), tâm sự: "Ngày trước đi chợ thường không để ý đến giá cả, thích gì mua đó. Giờ kinh tế khó khăn, ai ai cũng thắt chặt chi tiêu, cắt giảm cái này cái kia. Giờ tiền đi chợ mình cũng bắt đầu tính toán để cân bằng khoản thu chi, chỉ mua đủ không có dư thừa mua những thứ cần thiết".

Một số siêu thị cũng cho biết, sức mua tại siêu thị liên tục giảm sút trong các tháng qua. Đại diện một siêu thị lớn tại Hà Nội chia sẻ: "Mặc dù đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi giảm giá hấp dẫn nhưng sức mua vẫn giảm khoảng 10% so với cùng thời kỳ này năm ngoái và đang có nguy cơ giảm tiếp".

Bài, ảnh: Bảo Hân