Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Pamela Cox, đã chúc mừng Việt Nam vì đã đạt được những thành tựu phát triển mạnh mẽ và khẳng định sự ủng hộ hành động nhanh cho cải cách ở Việt Nam.

Nhân chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam kể từ khi được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch phụ trách khu vực vào tháng 1 năm 2012, bà cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục hỗ trợ đẩy nhanh cải cách nhằm giúp nền kinh tế Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn, tăng trưởng mạnh hơn và đói nghèo giảm nhanh hơn.

Trong chuyến thăm này, bà Cox đã gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, và các đối tác khác để thảo luận những thách thức và cơ hội phát triển của Việt Nam.

Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Pamela Cox (Giữa) (Ảnh: WB)

“Lần cuối cùng tôi làm việc ở Việt Nam là cách đây 20 năm, và tôi rất ấn tượng với những gì Việt Nam đạt được. Tỉ lệ đói nghèo đã giảm xuống còn 10%, tỉ lệ nhập học bậc tiểu học đã đạt gần 100% và gần như tất cả mọi người đều được sử dụng điện,” bà Cox chia sẻ.

“Mặc dù có nhiều thành tựu, song cần cải cách mạnh mẽ hơn để tiếp tục giảm nghèo. Tái cấu trúc đầu tư công, khu vực tài chính và doanh nghiệp nhà nước là những lĩnh vực then chốt để giảm nguy cơ đối với nền kinh tế và giúp Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình thành công.”

Hoạt động của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã được liên tục mở rộng trong bốn năm qua, với 52 dự án và chương trình đang thực hiện. Tuy nhiên, bà Cox cho rằng chính phủ sử dụng nguồn tài trợ sẵn có chưa được nhanh, và thúc giục chính phủ đẩy nhanh thực hiện dự án và chương trình để mang lại kết qua phát triển nhanh hơn.

“Nếu các khoản hỗ trợ tài chính không lãi của Ngân hàng Thế giới được giải ngân nhanh hơn, thì cơ hội cho người dân, đặc biệt là người nghèo và nhóm dễ bị tổn thương, sẽ tăng lên. Điều này sẽ giúp nhiều trẻ em được thụ hưởng giáo dục chất lượng cao hơn, nhiều nông dân được tiếp cận với thị trường hơn và nhiều người cao tuổi được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn”, bà Cox nói.

Chiến lược Đối tác Quốc gia của Ngân hàng Thế giới với Việt Nam (CPS) 2012 – 2016 hỗ trợ ba lĩnh vực được Chính phủ xác định trong Chiến lược Phát triển Kinh tế Xã hội 10 năm giai đoạn 2011-2020 bao gồm: phát triển nguồn nhân lực, cải thiện thể chế thị trường, và phát triển cơ sở hạ tầng. Chiến lược sẽ hỗ trợ đầu tư và chính sách nhằm (i) tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế khu vực và toàn cầu, (ii) tăng cường tính bền vững trong quá trình phát triển của Việt Nam, và (iii) mở rộng điều kiện tiếp cận với cơ hội. Chiến lược cũng tập trung vào (i) tăng cường quản trị, (ii) hỗ trợ bình đẳng giới và (iii) tăng cường khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế từ bên ngoài, thảm họa thiên nhiên, và tác động của biến đổi khí hậu.

Theo WB