Các quan chức đang đương chức hay nghỉ hưu sớm tham gia hoạt động doanh nghiệp để được làm việc và mưu cầu cuộc sống có gì sai trái với pháp luật?.

Những người sống tới 60 - 70 tuổi mà vẫn còn minh mẫn, khỏe mạnh ngày nay không còn hiếm nữa. Nhiều người quyết định nghỉ hưu sớm vì nhiều lý do khác nhau, để theo đuổi một sự nghiệp khác hoặc đơn giản hơn là muốn tận hưởng một cuộc sống "an nhiên tự tại", không phải bon chen giữa danh lợi đời thường.

Do vậy, việc một số quan chức nhà nước, công chức với các cấp bực nhỏ hay lớn khi nghỉ hưu, "rũ áo" về làm dân, vẫn tiếp tục một số công ăn, việc làm mang tính cá nhân, gia đình hay bạn bè hùn hạp, góp vốn làm ăn cũng là chuyện bình thường. Không ai có quy định pháp luật nào cấm họ không được tiếp tục hoạt động, làm ăn vì sinh kế gia đình hay lý tưởng cuộc sống.

Có điều ai cũng thấy rằng những người đã từng là quan chức lớn, có uy tín, tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội thì phải càng cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói hay mỗi khi liên hệ công tác để phân định và mọi người hiểu rõ mình chỉ còn chính thức là một người "dân thường" chứ không phải một ông "quan hưu trí".

Một số vị tổng thống nước ngoài khi về hưu chỉ dành thời gian để viết hồi ký, đi diễn thuyết tại các trường đại học làm cố vấn cho một số doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp ..v.v.. ; một số vị quan chức khác thì quay về công tác giảng dạy tại các trường đại học, hoặc tham gia làm thành viên hội đồng quản trị cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược phát triển dài hạn. Số quan chức khác tự làm doanh nghiệp riêng tư của mình và gia đình, trực tiếp tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp.

Đây chính là vấn đề tương đối nhạy cảm đối với dư luận xã hội với một số quan ngại rằng, các "quan chức hưu trí" này vẫn còn các mối quan hệ ảnh hưởng nhất định sẽ dễ dàng gây ảnh hưởng nhất định đến các chính sách công, các hợp đồng thương mại, và các dự án đầu tư lớn có nguy cơ chịu ảnh hưởng.

Các cảnh báo của các tổ chức quốc tế nhấn manh, trong các loại tham nhũng, thất thoát lớn của quốc gia thì "tham nhũng chính sách" luôn là nguy hiểm và gây thiệt hại lớn nhất!. Do đặc thù là những người trong đường dây tham nhũng thường có chức vụ rất cao, quan trọng và cấu kết chặt chẽ với nhau, thậm chí họ có thể vô hiệu hóa cả hệ thống pháp luật quốc gia.

Các loại tham nhũng "vặt", kiểu "phong bì" tại bệnh viện, trường học, cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan quản lý thuế, hải quan, công an cũng nguy hiểm vì nếu không kịp thời ngăn chặn bằng các thể chế pháp lý thì nó sẽ diễn biến phức tạp và có nguy cơ tràn lan khắp nơi và trở thành bệnh dịch hoặc thói quen rất xấu, rất khó chữa tại mỗi quốc gia.

Có lẽ vì thế, mà câu chuyện quan chức về hưu tham gia DN trở nên nhạy cảm hơn và đáng ngại hơn?

Nhiều người cho rằng con người nào, dù bạn là ai, nếu đặt vào hoàn cảnh thử thách lòng tham, ngồi vào chiếc ghế "quan chức lớn" thì cũng dễ dàng bị lòng tham quyến rũ dẫn đến tham ô, tham nhũng.

Có phải tham nhũng xuất phát từ "lòng tham của con người" hay xuất phát từ việc "của công" hay "tài nguyên đất nước" được quản lý chưa chặt chẽ, quá lỏng lẻo, không có "chủ nhân" thực sự hay "cha chung không ai khóc", nên mới làm mồi ngon cho tham nhũng?. Hoặc do chính các thiết chế, các cách thức tổ chức thực hiện việc quản lý tài sản công chưa hợp lý, là nguồn gốc của "tham nhũng"?

Hơn nữa, cho dù chúng ta biết tự vấn lương tâm mình, biết học hỏi các tấm gương đạo đức tốt đẹp trong gia đình và ngoài xã hội, biết phê và tự phê bình, thì liệu khi ai đó hay số phận đặt ta vào vị trí có quyền đưa ra các quyết định quan trọng, có khả năng mang lại lợi ích cá nhân lớn, chúng ta có giữ được mình không?

Do vậy, vấn đề còn lại có lẽ thuộc về "thể chế", các thiết chế kiểm soát các quyền lực có khả năng gây ra tham nhũng, thất thoát, nhằm trục lợi cá nhân hay nhóm lợi ích.

Vì thể, các quan chức đang đương chức hay nghỉ hưu sớm hay tham gia hoạt động doanh nghiệp để mưu cầu sinh lợi có gì sai trái với pháp luật chưa? Vấn đề là làm sao để chế tài khi họ có hành vi phạm luật?. Và vấn đề làm làm sao đề vấn đề trên không còn là nhạy cảm?.

Cảnh Thái