- Tái cơ cấu ngân hàng không đơn thuần là sát nhâp các ngân hàng thương mại với nhau như hiện nay. Trong đó, một mấu chốt nổi cộm cần xử lý là nợ xấu. 

Không nên chỉ tái cấu trúc nhóm ngân hàng thương mại

Tại buổi công bố báo cáo kinh tế 2012 của tâm Nghiên cứu chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội mới đây, đề án tái cấu trúc ngân hàng đã được đưa ra phân tích, mổ xẻ trên nền tảng một cuộc nghiên cứu khảo sát công phu tới 41 ngân hàng.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách, Đại học Kinh tế Hà Nội (VEPR) bày tỏ, các giai đoạn trước đặt vấn đề tái cơ cấu vì nợ xấu rất cao, nay, chúng ta đặt vấn đề tái cơ cấu mạnh mẽ, đưa ra chương trình rộng khắp nhưng chúng ta lại chưa đưa ra mục tiêu cụ thể mà lại nhìn nhiều hơn vào số lượng. Mục tiêu giảm về số lượng ngân hàng thì rõ nhưng phát triển ngành ngân hàng đi theo mô hình nào tiêu chí nào còn chưa rõ.

Theo đề án tái cấu trúc ngân hàng hiện nay, đối tượng chủ yếu tái cấu trúc chỉ là khu vực ngân hàng thương mại cổ phần, được chia 3 nhóm theo mức độ lành mạnh, thiếu thanh khoản tạm thời và nhóm yếu kém. Các động thái rõ nét nhất hiện nay là các cuộc mua bán, sát nhập khá rầm rộ.

Đầu tiên cho cuộc tái cấu trúc là việc hợp nhất 3 ngân hàng cổ phần là Ngân hàng Đệ nhất (Ficombank), Tinghiabank và Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với tên gọi mới là SCB. Vụ sáp nhập này được đặt dưới sự bảo trợ của BIDV.

Kế đến, đó vụ Habubank chủ động xin sáp nhật và SHB và sau đó là Ngân hàng TMCP Gia Đình được đổi thành Ngân hàng Bản Việt. Các thương vụ M&A trong ngành ngân hàng sẽ còn tiếp diễn sôi động thêm 3-5 thương vụ nữa như dự báo của các chuyên gia kinh tế bởi, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tuyên bố từ đầu năm nay, còn tới 5-8 ngân hàng nữa sẽ nằm trong diện sắp xếp lại, tái cấu trúc lại.

Tuy nhiên, những thương vụ gần đây cho thấy, hình như ngành ngân hàng mới chỉ dừng lại động tác là sát nhập ngân hàng kém với ngân hàng mạnh trong khi, nghiên cứu của VEPR đã chỉ ra rằng, tái cấu trúc không đơn thuần chỉ nhằm vào một nhóm ngân hàng cổ phần thương mại như vậy.

Theo khảo sát của VEPR, tỷ lệ lớn nhất là 38% các ý kiến đều cho rằng, tái cấu trúc ngân hàng cần được hiểu là tái cấu trúc cho toàn bộ hệ thống ngân hàng cả ở Nhà nước và ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng. 30% ý kiến cho rằng, đề án này chỉ cần tập trung vào hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng.

Chỉ có khoảng 20% số người được hỏi cho rằng, tái cấu trúc ngân hàng là nên tập trung vào ngân hàng thương mại, như cách làm hiện nay.

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, cải cách ngân hàng cần đặt trong dài hạn, chứ không phải chỉ tập trung vào một nhóm là hệ thống ngân hàng thương mại. Nhiều giải pháp tái cấu trúc được vạch ra nhưng mỗi giải pháp lại có những rủi ro nhất định.

Xử lý nợ xấu là mấu chốt

Phân tích so sánh của nhóm nghiên cứu về 5 giải pháp căn cơ nhất cho thấy, khi Chính phủ bơm vốn hoặc mua cổ phiếu để nắm giữ quyền quản lý của ngân hàng thì có thể giữ lại các ngân hàng, đảm bảo ổn định trước mắt. Tuy nhiên cách thức này sẽ làm gia tăng gánh nặng tài khóa tiền tệ, chưa kể, còn tiềm ẩn những rủi ro về đạo đức trong ngành.

Giải pháp tiêu cực nhất là đóng cửa những ngân hàng yếu kém thì có thể làm trong sạch, thanh lọc hệ thống ngân hàng, nhưng hệ quả lại là các vấn đề xã hội phát sinh, như việc người lao động trong ngành này sẽ bị mất việc, và nặng nề hơn là gây mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng bền vững trong dân chúng.

Giải pháp sáp nhập các ngân hàng với nhau- cách thức này đang được triển khai thì có thể tăng quy mô ngân hàng, nhưng lại tăng chi phí giao dịch và rủi ro là khả năng sẽ bị lệ thuộc vào ngân hàng nước ngoài, hoặc không thể tìm ra ngân hàng nào đủ lành mạnh để thâu tóm.

Nghiên cứu này cho biết, có 35% ý kiến cho rằng, mấu chốt để tái cấu trúc ngân hàng là phải xử lý nợ xấu. Muốn vậy, giải pháp ứng phó là thành lập công ty quản lý tài sản, có thể giải quyết nợ xấu nhưng thông thường, cách thức này sẽ kéo dài thời gian giải quyết. Nếu như thay đổi cơ cấu sở hữu ngân hàng thì vừa không thể giải quyết tận gốc sự yếu kém mà ngược lại, còn phải tốn thêm một khoản chi phí cho ngân sách.

Như hiện nay, đề án giao cho Ngân hàng Nhà nước chủ trì thực hiện, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng, việc này tiềm ẩn nhiều hạn chế, như là thông tin không minh bạch và chỉ có nội bộ Ngân hàng Nhà nước mới nắm được kế hoạch tái cấu trúc. Nguy cơ nữa là chi phí tái cấu trúc có thể không xác định được chính xác và có thể dẫn tới những mâu thuẫn, nảy sinh vấn đề lợi ích nhóm.

TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, thách thức lớn nhất mà cơ quan chủ trì đề án này cần lưu ý. Đầu tiên, đó là việc không xác định được tỷ lệ nợ xấu chính xác của các ngân hàng thương mại, Chính phủ có thể khó khăn về tài chính cho việc thực hiện tái cấu trúc, dân chúng thiếu niềm tin vào hệ thống ngân hàng, lo ngại sợ sự đổ vỡ...

Như các phân tích trên, lo ngại lớn nhất của các nhà kinh tế là sự thiếu minh bạch về thông tin nợ xấu. Đó cũng là lý do khiến cho nợ xấu trở thành một ẩn số mông lung nhất. Khá dễ hiểu khi nhiều người dân được biết, Habubank xin sáp nhập vào SHB đã công bố nợ xấu khủng lên tới hơn 16%, gấp tới 5 lần tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống.

Đó cũng là lý do khiến cho kết quả nghiên cứu của VEPR có tỷ lệ nợ xấu cao gấp 3-4 lần tỷ lệ của Ngân hàng Nhà nước công bố.

TS Quách Mạnh Hào, người trực tiếp nghiên cứu khảo sát ý kiến 41 ngân hàng này khẳng định, con số 3,2-3,6% nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước công bố khiến chúng tôi nghi ngờ. Tính toán của nhóm nghiên cứu cho thấy khoảng nợ xấu hơn 8,25% 14%. Đó là chưa kể các khoản nợ xấu của Vinashin, Vinalines và các đơn vị tương tự chưa được tính vào".

Nếu con số của Ngân hàng Nhà nước là chính xác thì thực chất, chỉ áp dụng cho lĩnh vực khác ngoài chứng khoán, bất động sản. Tôi tin là năm 2011, bất động sản đóng băng, chứng khoán xuống dốc,và thực tế, hầu hết, các khoản vay ở đây đều nợ và dùng đảo nợ", TS Hào cho biết.

" Phải nhìn thẳng vào sự thật để có biện pháp và đường đi hiệu quả", TS Nguyễn Đức Thành kiến nghị.

Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính cho rằng, đã có những ngân hàng có tới 20-30% nợ xấu nhưng rồi chúng ta cũng giảii quyết được một cách êm thấm. Điều kiện của chúng ta hoàn toàn có khả năng để giải quyết nợ xấu trong hệ thống.

Sự minh bạch nợ xấu là không chỉ là thách thức trong tái cơ cấu Ngân hàng mà còn là thách thức của cả quá trình vận hành hệ thống Ngân hàng. Một trong những nội dung quan trọng của đề án này là phải đảm bảo tính minh bạch thông tin. Các chuẩn mực an toàn phải được đảm bảo và công bố một cách rõ ràng để các cơ quan giám sát có điều kiện tiếp cận đầy đủ các thông tin đó, kịp thời phát hiện để có giải pháp ngăn ngừa.

Ông Ngoạn cũng thừa nhận, vừa rồi trường hợp của HBB phát sinh khoản nợ xấu khủng (16,06%) là hệ quả của quá trình trước đây chúng ta đã không minh bạch thông tin.

Đánh giá về các thương vụ sáp nhập, ông Ngoạn cho hay, M&A có tốt không cho cả hệ thống và từng định chế hay không thì phụ thuộc vào phương thức tổ chức thực hiện. Nếu một doanh nghiệp tốt sáp nhập với doanh nghiệp yếu kém để cơ cấu lại doanh nghiệp đó thì tôi cho rằng là một cách thức tốt. Hoặc hai ngân hàng có 2 sở trưởng lĩnh vực khác nhau sáp nhập lại để phát huy lợi thế thì cũng rất tốt. Nếu hai ngân hàng yếu kém và lợi thế như nhau mà sáp nhập thì chưa chắc giải quyết được vấn đề.

Cho nên, để lựa chon đối tượng vào xác định mục tiêu để xử lý sau khi M&A là quan trọng. Từng ngân hàng phải xác định được mục tiêu của mình, định hướng chiến lược trong tương lai, đồng thời cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm trong việc đánh giá phê chuẩn quyết định cho việc hợp nhất vì lợi ích chung của cả hệ thống, TS Vũ Viết Ngoạn nhấn mạnh.

Phạm Huyền