Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam vừa đưa vào vận hành tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái thuộc hàng tiên tiến nhất trên thế giới lắp đặt tại Trung tâm huấn luyện bay của Hãng.

Đây là lần đầu tiên, một hãng bay của Việt Nam trở thành điểm đến để huấn luyện phi công cho những hãng hàng không khác trong khu vực và trên thế giới.

Bước tiến làm chủ công nghệ

Được ví như món đồ chơi xa xỉ dành cho những phi công, Tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái máy bay (SIM) đầu tiên của Việt Nam vừa được Vietnam Airlines khai trương ngày 21/8, tại trung tâm huấn luyện của hãng. Tổ hợp này hiện cũng là trung tâm huấn luyện duy nhất tại Việt Nam mô phỏng bay các loại tàu bay tân tiến và phổ biến nhất trên thế giới như Airbus A321, A350 hay Boeing 787.

“Việc tiếp tục đầu tư thiết bị huấn luyện buồng lái giả là rất cần thiết, cấp bách và nó cũng là một bước tiến quan trọng của ngành hàng không Việt Nam trên con đường phát triển và hội nhập thế giới”, ông Dương Trí Thành - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines nhận định.

{keywords}
 

Là hãng hàng không đầu tiên của Việt Nam được đánh giá 4 sao theo tiêu chuẩn của Skytrax, áp lực với Vietnam Airlines không chỉ nằm ở chất lượng dịch vụ hay quy mô hoạt động, mà còn cả những yêu cầu cấp thiết về nâng cao trình độ đội ngũ phi công và việc nắm bắt những công nghệ mang tầm thế giới.

Việc sở hữu một trung tâm huấn luyện với trang thiết bị hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế là điều mà cho mọi hãng hàng không đều hướng đến, nhưng với rào cản về quy mô nhân sự hay điều kiện kinh tế, việc sở hữu một trung tâm như vậy không phải điều dễ dàng với số đông những hãng bay khác. Với Vietnam Airlines, khai trương tổ hợp này không chỉ là dấu mốc vượt bậc trong chiến lược đầu tư đào tạo phi công của hãng, mà còn là bước tiến lớn về mặt công nghệ.

Nâng chất lượng phi công, tăng doanh thu

Theo báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, đến cuối năm 2017 hãng bay này hoạt động với quy mô 94 tàu bay, trong đó ngoài 10 tàu bay ATR phục vụ những chuyến bay ngắn, còn lại đội bay của Vietnam Airlines đều là những mẫu hình mới và tiên tiến nhất. Trong số này, Vietnam Airlines vận hành 58 tàu bay Airbus A321 thuộc dòng máy bay thân hẹp và 26 tàu bay thân rộng, chủ yếu là Airbus A350 và Boeing B787.

{keywords}
 

Với một đội bay lớn và một hãng bay đang ở giai đoạn tăng trưởng (dự kiến đến 2026 Vietnam Airlines sẽ có đội bay với 117 chiếc), yêu cầu về trình độ nhân lực và công nghệ không chỉ là vấn đề trong quá trình hoạt động mà đang trở thành áp lực hiện hữu.

Tuy nhiên, đào tạo được một phi công đáp ứng đủ yêu cầu theo tiêu chuẩn quốc tế, vốn không phải điều đơn giản. Để trở thành phi công đủ điều kiện vận hành các chuyến bay, đặc biệt là các chuyến bay dài với những chặng bay quốc tế, chi phí đào tạo có thể lên tới hàng tỷ đồng cho một khóa tập huấn ở nước ngoài. Phần chi phí này, nếu xét trong dài hạn, là một con số không nhỏ.

{keywords}
 

Với tổ hợp thiết bị mô phỏng buồng lái mới đi vào vận hành, lần đầu tiên Vietnam Airlines có thể tự chủ được trong quá trình đào tạo phi công. Dự án hợp tác giữa Vietnam Airlines và nhà sản xuất thiết bị mô phỏng buồng lái Canada CAE (CAE) sẽ giúp hãng bay này có những thiết bị mô phỏng những dòng máy bay chủ lực đang vận hành là buồng lái mô phỏng Airbus A320 (lắp đặt tháng 10/2017), Airbus A350 và Boeing B787 (lắp đặt năm 2018).

“Việc đầu tư lắp đặt SIM tại Việt Nam giúp Vietnam Airlines chủ động trong huấn luyện, không bị lệ thuộc vào đối tác khi đặt kế hoạch SIM, giảm thời gian đi lại của phi công, xây dựng một trung tâm huấn luyện bay hiện đại, làm chủ công nghệ.”, Tổng Giám đốc Vietnam Airlinescho hay.

Theo tính toán của Vietnam Airlines, việc lắp đặt tổ hợp SIM sẽ giúp hãng bay này tiết kiệm gần 300 tỷ đồng trong giai đoạn 10 năm so với việc cử phi công đi tập huấn nước ngoài. Đó là chưa kể đến việc cung cấp dịch vụ đào tạo cho những hãng bay khác. Tính đến thời điểm hiện tại, trung tâm huấn luyện của Vietnam Airlines đã cung cấp dịch vụ đào tạo cho hơn 10 hãng hàng không trong khu vực, với doanh thu ước tính đạt 6 tỷ trong 7 tháng đầu năm.

Tổ hợp này sẽ là bước tiến lớn về mặt công nghệ, đưa danh tiếng của Vietnam Airlines lên một tầm cao hơn khi hãng bay có thể cung cấp các loại hình đào tạo phi công cho những đơn vị khác trong nước và khu vực - những hãng bay chưa có được những bước tiến về công nghệ như Vietnam Airlines.

“Việc đầu tư Tổ hợp buồng lái mô phỏng máy bay là minh chứng cho chiến lược của hãng trong việc mang lại một môi trường đào tạo lý tưởng cho các phi công rèn luyện và phát triển. Công nghệ hiện đại cũng cho phép chúng tôi có thể theo dõi, giám sát chặt chẽ chất lượng huấn luyện phi công, đảm bảo tiêu chuẩn cao nhất” - người đứng đầu Vietnam Airlines khẳng định.

Lê Tuấn