Tổng thu nhập khoảng 22 triệu/tháng nhưng từ lâu vợ đã thực hiện một kế hoạch ăn tiêu chi ly, 'ép xác'. Đã không ít lần phải cãi cọ về chi tiêu cho đến một ngày cả nhà ngã ngửa với chiếc hộp 6 ngăn đáng ngờ của vợ.

Cú sốc tài chính của vợ chồng trẻ

Giờ đã ở trong căn hộ ổn định và khoản tiết kiệm trăm triệu nhưng chị Viên Thị Thu Hà (ở Hoàng Hoa Thám - Ba Đình - Hà Nội) vẫn chưa quên cú sốc chi tiêu cách đây mấy năm.

Chị kể, là dân ngoại tỉnh lên Hà Nội lập nghiệp nhưng nhờ hỗ trợ của gia đình hai bên nên sau khi kết hôn anh chị đã mua được một căn hộ cũ hơn 40 m2 ở Hà Nội. Không phải thuê nhà, lương thưởng ổn định nên cuộc sống khá thoải mái so với nhiều bạn bè cùng lứa. Cách đây 4 - 5 năm, với thu nhập 20 triệu/tháng, chưa kể thưởng nên chi tiêu khá rủng rỉnh.

{keywords}

"Lương về là tiêu, vừa hết lại có nên chả mấy khi phải nghĩ và cũng không có ý tưởng gì về khoản tiết kiệm nhỏ hàng tháng. Các chuyện du lịch hay tụ tập bạn bè ở nhà hàng sang cũng thường xuyên. Thỉnh thoảng có khoản dư, lập tức lại nghĩ ra những thứ giá trị cần mua sắm: đồ công nghệ mới không thiếu gì, toàn hàng chục triệu. Xe máy cũng đổi đều theo mẫu mới", chị Hà kể.

Thoải mái được 4 năm, đến khi cô con gái đầu ra đời và một cú sốc tài chính đã khiến gia đình chị thay đổi hoàn toàn.

Chị Hà kể, một lần con bé bệnh nặng hai tháng trời, mấy lần chuyển viện điều trị khiến chị phải nghỉ việc để chăm con. Khoản thu nhập gia đình giảm đi một nửa trong khi tiền điều trị cho con khiến chi tiêu tăng gấp 2 -3 lần. Tiền sẵn có hết nhanh trong 2 tuần đầu tiên, vợ chồng phải xin tiền nội ngoại và vay mượn bạn bè để lo cho con.

"Vợ chồng tôi choáng váng khi đối diện với cú sốc lớn nhất trong đời. Đã có lúc tôi đã tính chuyện bán nhà để lo cho con. May có nhiều người giúp mới thoát được giai đoạn cơ cực đó", chị Hà nói.

Sau lần đó, chị Hà đã thiết lập kỷ luật chi tiêu và lên một kế hoạch tiết kiệm với động lực từ đau thương bản thân và kinh nghiệm từ chính những người bạn nghèo của mình.

Chiếc hộp 6 ngăn chứa 1 tỷ đồng

"Với 22 triệu thu nhập hiện tại của 2 vợ chồng, tôi chia làm 6 phần vào chiếc hộp 6 ngăn. Cụ thể, 1 ngăn 6 triệu tiền ăn hàng ngày; 1 ngăn 2 triệu thuốc thang quá biếu bố mẹ, 1 ngăn 2 triệu dự phòng ốm đau, 1 ngăn 3 triệu tiền học cho con; 1 ngăn 2 triệu dành cho mua sắm và đối ngoại; ngăn cuối cùng 7 triệu dành để tiết kiệm".

Theo chị Hà, tiền học cho con thì tháng nào đúng cữ tháng đó, khoản biếu bố mẹ và dự phòng ốm đau kiên quyết giữ vững. Ngăn tiết kiệm thì tuyệt đối không mở, làm khoá khoá lại và chỉ để một khe hở để bỏ tiền vào giống như lợn đất. Khó khăn nhất là tiền ăn hàng ngày trong định mức 6 triệu. Khoản này có thể du di từ khoản mua sắm, đối ngoại sang hay được bổ sung từ làm thêm hay thu nhập bất thường nhưng nói chung tháng nào cũng rất căng thẳng, thiếu hụt.

{keywords}

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện, chị Hà thấy rất ổn và không còn phải lặp lại câu hỏi: tiền đâu bây giờ khi gia đình mình hay bố mẹ có việc. Cuối mỗi năm, tổng kết có ít nhất gần 90 triệu gửi tiết kiệm. Năm nào ít ốm đau bệnh tật thì còn 10 - 20 triệu dư ra để dành cho những chuyến du lịch gia đình. Nếu không lại gộp vào gửi tiết kiệm.

Sau 5 năm ôm "chiếc hộp 6 ngăn", với khoản tiền tiết kiệm từ 80-100 triệu/năm cộng với tiền thưởng của hai vợ chồng được khoảng 40 triệu, tiêu tết 10 triệu còn 30 triệu (5 năm được 150 triệu đồng); tiền lương tháng 13 được 20 triệu của cả hai vợ chồng (5 năm nhân lên được 100 triệu); tiền ngày lễ 30/4, ngày lễ 2/9, ngày tết dương lịch hai vợ chồng được thưởng khoảng 30 triệu đồng (5 năm nhân lên được 150 triệu). Tính ra, vợ chồng chị có trong tay khoản tiền gần 1 tỷ đồng.

Chị Hà chia sẻ, thực hiện kế hoạch 6 ngăn hộp phải quyết tâm ép mình lắm. Kể cả khi thâm hụt tiền tiêu hàng ngày chấp nhận 'ép xác' hay đi vay chứ không thể tùy tiện phạm vào ngăn tiết kiệm. Đến tháng sau, lại tiếp tục cân đối chi tiêu, làm thêm để bù đắp và trả nợ. Những chuyến dã ngoại, du lịch cuối tuần đều cắt giảm tối đa.

Năm đầu tiên thực hiện là khoảng thời gian 'khủng hoảng' của cả vợ chồng chị Hà vì rất khó làm quen với những bữa ăn tiết kiệm tối đa. Chồng cũng không ít lần căng thẳng với cách tính toán chi li của vợ. Đã không ít lần anh nổi cáu và nghi ngờ khi thu nhập có tăng lên nhưng đời sống gia đình lại càng bóp nghẹt thậm chí phải vay mượn nóng bạn bè. .

Sự giải tỏa chỉ đến vào cuối năm, mở ngăn hộp thứ 6 với số tiền gần 100 triệu chưa kể các khoản thưởng lễ tết hơn 100 triệu vẫn trong tài khoản. Đây là khoản tiền hàng trăm triệu đầu tiên mà vợ chồng chị từng mơ ước từ bao năm qua mà không phải cậy nhờ bố mẹ hai bên.

Tổng kết 5 năm, vợ chồng chị Hà đã quyết đổi căn hộ. Căn hộ cũ bán được khoảng 1,5 tỷ đồng cùng với khoản tiết kiệm gần 1 tỷ, gia đình chị đã chuyển sang một căn hộ cao cấp, rộng hơn mà vẫn dư 200 triệu.

Theo chị Hà, thu nhập cao hay thấp không quan trọng bằng cách tính toán chi tiêu . Nếu không có kế hoạch thì dù lương 50 triệu đồng/tháng thì vẫn tiêu hết. Nhưng nếu có kế hoạch tiết kiệm thì chỉ cần thu nhập trên 10 triệu đã có thể tính đến chuyện tiết kiệm tiền triệu mỗi tháng.

Về nhà mới, chị vẫn mang theo chiếc hộp và tiếp tục với kế hoạch của mình.

Lưu Minh