- Có những đoàn xúc tiến thương mại, đầu tư của Việt Nam đi ra nước ngoài không nắm được thông tin cụ thể về hàng hóa trong nước, còn mải đi shopping, các tham tán thương mại “tố” lên Bộ Công Thương.

“Quên” chuẩn bị nội dung?!

Tại Hội nghị Tham tán thương mại Việt Nam năm 2013, vừa được Bộ Công Thương tổ chức, không ít đại biểu nặng lời phê phán công tác xúc tiến thương mại, đầu tư của Việt Nam vừa kém, vừa thiếu chuyên nghiệp, lại nặng hình thức.

Ông Nguyễn Trung Dũng, tham tán thương mại tại Nhật Bản, than phiền: “Trong lĩnh vực nông nghiệp, khi sang đàm phán với Nhật, đoàn của ta chuẩn bị nội dung là... không có gì cả”.

Minh họa điều này, ông Dũng kể: “Bên Nhật Bản hỏi về nông sản Việt Nam muốn xuất khẩu cái gì; tham gia TPP, các ông có gì thì nói đi... , nhưng đoàn của ta không nói được. Lãnh đạo bộ ngành của ta chỉ sang người khác thì người đó cũng trả lời là tôi không nắm được”, ông Dũng ngao ngán.

{keywords}
Một gian hàng của Việt Nam tại Pháp (ảnh minh họa)

Cùng chung tâm trạng bức xúc, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Văn Trung nhận xét, việc cập nhật chính sách nước sở tại của các thương vụ rất chậm. Việc xúc tiến thương mại từ trong nước cũng không hiệu quả.

Ông nói: “Ta kéo đoàn này đoàn kia đi nước ngoài nhiều nhưng ở trong nước, người ta đến thì lại loằng ngoằng, nhà đầu tư còn kêu. Bộ KH-ĐT giới thiệu đoàn xuống địa phương nhưng địa phương lại không tiếp”.

Ông Trung còn cho biết: “Khi xúc tiến đầu tư thương mại ra nước ngoài, tỉnh nọ tỉnh kia kéo đoàn đi rất đông nhưng không phối hợp với nhau. Thậm chí, đoàn đến chỉ đọc bài thuyết trình rất dài và phát sách, rồi chủ yếu đi shopping, ví dụ đi Hàn Quốc thì đi mua sâm mà chả có xúc tiến thương mại gì”.

“Thế nên, có những đoàn đi rất nhiều năm nhưng không mang được dự án nào vào Việt Nam cả”, ông Trung nói.

“Kinh phí tổ chức trích từ ngân sách địa phương. Biết là vậy nhưng phải có sự điều phối ở cấp quốc gia để mang lại hiệu quả, chứ đi mua sắm thì chẳng hay ho gì”, ông Trung khuyến nghị.

Chưa hết, ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, bổ sung: “Nhiều đoàn ở các địa phương sang làm việc với nước ngoài không có chương trình cụ thể, không có bài bản. Không những vậy, có những đoàn làm bài phát biểu dài dằng dặc, người ta không nghe, ngồi ngủ gật”.

Doanh nghiệp không thèm qua thương vụ

Trong khi đó, nhận xét về chất lượng hoạt động của các thương vụ, cũng không ít ý kiến chê bai.

Bộ Công Thương cho biết, đại sứ quán, tổng lãnh sự quán, cơ quan thương vụ vẫn chưa thực sự tham gia có hiệu quả trong việc hỗ trợ xúc tiến các dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

{keywords}

 “Trong 132 tỷ USD xuất khẩu, bao nhiêu phần là do công tác xúc tiến thương mại?”

Bộ này cho hay, một số cơ quan đại diện của Việt Nam ở nhiều nước không nắm rõ được số lượng các dự án, các khó khăn thuận lợi của nhà đầu tư, trong khi đó các nhà đầu tư cũng không chủ động gặp gỡ, báo cáo tình hình hoạt động của dự án. Đây là nguyên nhân căn bản làm cho các nhà đầu tư của ta ở nước ngoài lâm vào tình cảnh lạc lõng, đơn lẻ hoặc xung đột với nhau khi giải quyết những khó khăn trong việc triển khai dự án tại nước sở tại.

Không chỉ vậy, có những cán bộ thương vụ không nói được tiếng địa phương nên rất hạn chế trong giao dịch, tìm hiểu thị trường, đối tác.

Phía các sở công thương, các hiệp hội doanh nghiệp gửi ý kiến tới Bộ Công Thương cho rằng, sự kết nối giữa các tham tán với hiệp hội doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Hoạt động của các tham tán thương mại tại nước sở tại như hội thảo, giới thiệu thị trường nước ngoài, tiếp xúc làm việc chưa nhiều. Một số thương vụ vẫn chưa năng động, tích cực phối hợp với doanh nghiệp để triển khai chương trình xúc tiến.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận có sự thiếu phối hợp giữa hai bên thương vụ và doanh nghiệp. Ông chia sẻ: “Không ít trường hợp đoàn doanh nghiệp của ta đi ra nước ngoài, ký thỏa thuận, cam kết với doanh nghiệp nước ngoài nhưng về không thực hiện. Đến khi các đồng chí lãnh sự, tham tán gặp gỡ người ta, người ta hỏi chuyện mà không biết đằng nào mà trả lời”.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng kể: “Tôi có quen vài người bạn làm tại các thương vụ. Thương vụ nói về xúc tiến thương mại, kêu khó lắm, vì họ (tức doanh nghiệp - PV) có qua mình đâu?”

Đánh giá chung về công tác thương vụ, Phó Thủ tướng tâm tình: “Trong 132 tỷ USD tổng kim ngạch xuất khẩu năm nay, tăng gần 16% so với năm trước, thì anh em (các thương vụ - PV) đóng góp được bao nhiêu? Những ông như Samsung, Intel thì có lẽ đâu cần xúc tiến thương mại của mình mới xuất khẩu được như thế? Cá tra, cá basa gần như chỉ có Việt Nam làm thôi mà tại sao lại để lâm cảnh khó? Lúa gạo của chúng ta hiện đang tổ chức liên kết thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu?”.

Phó Thủ tướng yêu cầu, mỗi thương vụ phải như một nhà tư vấn chính sách cho Chính phủ không chỉ ở lĩnh vực phát triển thị trường nước ngoài mà thậm chí, cả những vấn đề trọng yếu của nền kinh tế trong nước, như chương trình tái cơ cấu kinh tế hiện nay. Nếu không đổi mới tư duy ngay trong công tác thương vụ thì chúng ta vẫn mắc những khuyết điểm, khốn khó mà năm nào cũng gặp.

Hiện Việt Nam có 55 thương vụ, 7 chi nhánh thương vụ và một trung tâm xúc tiến thương mại tại các nước ở đều khắp 5 châu. Tổng số cán bộ thương vụ là 122 cán bộ.

Phạm Huyền