Đó là quan điểm được thống nhất tại buổi tọa đàm "Đèn nhận diện ban ngày trên xe máy" diễn ra sáng 17/6  với sự tham gia của các đại diện cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ GTVT, CSGT, Ủy ban ATGT QC và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy.

{keywords}
Xe máy tại Thái Lan đã áp dụng chế độ bật đèn nhận diện ban ngày

Quy định bật đèn nhận diện xe máy suốt cả ngày theo dự thảo Luật giao thông đường bộ sửa đổi vừa qua là một trong những điểm gây tranh cãi gay gắt nhất trong dư luận xã hội. Trong đó, phần nhiều ý kiến người dân và một số chuyên gia lo ngại về tác dụng phụ của quy định này như việc gây chói lóa mắt người đi đường, tốn nhiên liệu, khấu hao ắc quy xe máy và đặc biệt là không phù hợp với thời tiết nhiệt đới ở Việt Nam. 

{keywords}
 Chuyên gia Vũ Anh Tuấn đến từ Đại học Việt Đức (TP.HCM)

Về vấn đề này, chuyên gia Vũ Anh Tuấn (Đại học Việt Đức-TP.HCM) cho rằng, đó chỉ là góc nhìn cảm tính và đã có nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng là không đáng kể.

Ông Tuấn cho hay: “Theo tính toán sơ bộ của nhóm nghiên cứu, với công nghệ bóng LED áp dụng cho đèn nhận diện, mức tiêu hao nhiên liệu rất nhỏ (bằng 10% đèn Halogen), mức độ ảnh hưởng tới nền nhiệt độ đô thị gần như không đáng kể (tăng khoảng 0,1%). Nếu lấy 4 triệu xe máy ở Hà Nội có đèn nhận diện loại này cùng bật đồng thời trong 45 phút sẽ tốn khoảng 18.000 KWh, tương đương 0,02% tổng lượng điện tiêu thụ một ngày. Do năng lượng cấp cho đèn được lấy từ máy phát điện của xe máy nên không ảnh hưởng tới tuổi thọ ắc quy như dư luận vẫn lầm tưởng”.

Kết quả nghiên cứu này khá tương đồng với nghiên cứu của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Nhật Bản mà VietNamNet đã phản ánh. Cụ thể, với nguồn sáng LED, đèn có tuổi thọ khoảng 5000 giờ và nguồn sáng Halogen khoảng 1000 giờ. Giả sử, 1 ngày sử dụng khoảng 2 giờ thì đối với nguồn sáng LED thì có thể sử dụng được trong 2.500 ngày và đối với nguồn sáng Halogen có thể sử dụng được trong 500 ngày.

Honda Việt Nam cũng cho rằng, chi phí trung bình của bóng đèn trên thị trường dao động trong khoảng từ vài chục đến vài trăm ngàn cho từng loại bóng đèn thì chi phí thay thế là không đáng kể.

Tương tự, mức tiêu hao nhiên liệu, trang bị đèn nhận diện ban ngày dẫn đến sự thay đổi rất nhỏ. Một xe máy có mức tiêu hao nhiên liệu là 2 lít/100km, nếu bật đèn suốt quãng đường 100km thì sẽ tốn thêm 1 đến 3,2 ml xăng đối với đèn LED và khoảng 10,4 đến 13,2 ml xăng đối với đèn Halogen.

Với lo ngại quá nhiều đèn cùng bật gây chói mắt, ông Vũ AnhTuấn khẳng định, các thiết kế đèn DRL hoặc AHO công nghệ LED của nhà sản xuất đã được tính toán một cách chặt chẽ, không phải là đèn có mục đích chiếu sáng soi đường nên không gây lóa mắt hoặc không gây khó chịu cho người đối diện.

{keywords}
 Chuyên gia Lý Hùng Anh đến từ đại học Bách Khoa – đại học Quốc gia TP.HCM

Đồng tình với nhận định trên, chuyên gia Lý Hùng Anh (Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM) chia sẻ, việc gây chói mắt hay không thì không phải do chức năng của đèn nhận diện ban ngày mà chính do ý thức của người sử dụng khi sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng có sẵn hiện tại. Còn nếu là hệ thống đèn nhận dạng được nhà sản xuất tích hợp sẵn trên xe thì sẽ không có chuyện chói mắt.

“Hiện nay, nguyên nhân gây chói mắt ngoài đèn pha bật không có ý thức thì việc độ đèn hoặc gắn thêm đèn trợ sáng không theo tiêu chuẩn nhà sản xuất cũng góp phần tạo nên ác cảm của người dân khi nhắc đến chuyện gắn thêm đèn nhận diện”, ông Lý Hùng Anh nói.

Đối với ý kiến cho rằng Việt Nam có đặc điểm khí hậu riêng, nắng nhiều hơn mưa nên không cần đèn nhận diện, ông Nguyễn Văn Thạch – Vụ trưởng Vụ ATGT – Bộ GTVT bày tỏ, Việt Nam đến nay mới đưa vấn đề đèn nhận diện ra bàn là khá muộn, bởi các nước có khí hậu, môi trường tương đồng đã áp dụng từ lâu, như Malaysia (năm 1992),Thái Lan (năm 2003), Indonesia (năm 2009).

“Tôi kỳ vọng Việt Nam có thể giảm được 10% số lượng tai nạn giao thông nếu áp dụng bật đèn nhận diện ban ngày trên xe máy. Các số liệu từ quốc gia khác cho thấy Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để áp dụng”, ông Thạch nói.

{keywords}
Ông Lê Hữu Phúc - Phó Tổng Giám đôc thứ Nhất Công ty Honda Việt Nam, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM)

 

Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông một lần nữa nhấn mạnh, việc lắp đèn nhận diện ban ngày là phù hợp thông lệ và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia (Công ước Viên 1968, quy định số 53 và 87 của Liên Hợp Quốc).

Ông Lê Hữu Phúc - Phó Tổng Giám đôc thứ Nhất Công ty Honda Việt Nam, đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) cũng tỏ ra đồng thuận. Ông Phúc nói: “Ngay khi quy định bắt buộc xe sản xuất mới phải có đèn nhận diện được áp dụng, sẽ cần thời gian thay đổi sản xuất nhưng với kinh nghiệm sẵn có ở các thị trường xuất khẩu, chúng tôi dễ dàng thích nghi”. VAMM cho biết các nhà sản xuất sẽ lựa chọn công nghệ đèn AHO hoặc DRL tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Đầu tháng 6, trước phản ứng của dư luận xã hội, đại diện Bộ Giao thông vận tải cho biết đã bỏ đề xuất bật đèn cos thay thế đèn nhận diện ban ngay và thay vào đó, yêu cầu nhà sản xuất, nhập khẩu xe máy phải trang bị đèn nhận diện trước khi bán ra thị trường. Các xe máy đời cũ không có trang bị đèn nhận ban ngày sẽ không bị lực lượng CSGT truy cứu theo quy định mới.

Hiện nay tại Việt Nam, đa phần các mẫu xe máy đời mới đã được trang bị loại đèn nhận diện ban ngày. Trong đó, Honda có 5 mẫu gồm SH, SH Mode, Lead, Air Blade và Winner X; Piaggio có 7 mẫu là Zip, Liberty, Medley, Vespa Primavera, Vespa Sprint, Vespa GTS và GTV; Yamaha cũng có 7 mẫu xe tay ga là FreeGo, Janus, Acruzo, Grande, Latte, NVX và xe số Exciter, Jupiter. Thương hiệu SYM trang bị đèn này trên một số mẫu như Shark Mini, Attila-V, Fancy, Venus và Elizabeth.

Đình Quý

Bạn nghĩ gì về đèn nhận diện trên xe máy? Kính mời độc giả gửi tin bài, video cộng tác về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!

Những chi phí phát sinh khi đi xe phải bật đèn nhận diện cả ngày

Những chi phí phát sinh khi đi xe phải bật đèn nhận diện cả ngày

Theo các nhà sản xuất xe máy tại Việt Nam, khi trang bị đèn nhận diện ban ngày, sẽ ảnh hưởng nhất định đến việc tiêu hao điện, xăng và giá sản phẩm.