Theo lời khuyến khích của họ hàng, bạn bè, tôi mới sắm một chiếc ô tô vào đầu năm nay. Qua thời gian sử dụng khoảng 7-8 tháng, cảm nhận đúng là chất lượng cuộc sống có đi lên. Tôi không còn ngại việc phải đi xa gặp khách hàng, đàm phán công việc cũng dễ dàng hơn. Cuối tuần rảnh tôi lại đưa vợ con đi chơi xa đâu đó.

Thế nhưng ở Hà Nội, vấn đề tìm bãi đậu xe lại khiến tôi cảm thấy mệt mỏi, làm giảm trải nghiệm thích thú khi sử dụng ô tô.

{keywords}
Lexus RX350 bị viết kín chữ trên xe vì đỗ chắn trước cửa nhà dân ở Hải Phòng. Vụ việc xảy ra hôm 31/5/2020 (ảnh: theo Chi Bảo)

Dù ở các tuyến phố không có biển báo cấm dừng đỗ dưới lòng đường, việc đậu xe cũng rất khó khăn, hễ tôi cứ đậu xe là lại có người ra đuổi. Có những quy tắc ngầm mà mọi người phải thực hiện theo nếu không muốn gặp rắc rối.

Đầu tiên là lòng đường trước cửa nhà ai, nhà đó được quyền đậu xe. Chủ xe muốn đậu nhờ thì phải hỏi xin chủ nhà. Đây là luật bất thành văn. Dù cảm thấy vô lý nhưng tôi vẫn vui lòng thực hiện vì theo tôi đây cũng là một phép lịch sự tối thiểu.

Thứ hai, không được đậu xe trước các cửa hiệu kinh doanh, nhà hàng, quán ăn. Theo lời các chủ shop, đất ở Hà Nội tấc đất tấc vàng, mỗi tháng tiền thuê cửa hàng cũng mất vài chục triệu, dù tôi có đậu xe dưới lòng đường thì cũng làm họ mất cơ hội buôn bán, mất tiền.

{keywords}
Phá xe của nhau vì tranh giành chỗ đậu xe (Ảnh minh họa)

Tôi cũng hiểu điều đó, nhưng ở Hà Nội này nhà mặt phố nào hầu như đều kinh doanh, chẳng lẽ các chủ shop muốn độc chiếm riêng cả con phố để tiện cho việc buôn bán, nếu không phải khách mua hàng thì không cho dừng xe ở lại? Sau 1-2 lần bị đuổi thì tôi cũng không bao giờ dừng xe trước các cửa hiệu, hàng quán nữa.

Hiện tại, mỗi khi cần đậu xe, tôi đều lái xe dọc phố, xem có nhà dân nào đang đóng cửa thì mới dám dừng lại, rồi dán số điện thoại lên kính xe, cho chủ nhà liên hệ nếu cần. Nhiều khi, từ vị trí gửi xe tới nơi cần đến, tôi phải đi bộ cả đoạn dài, mồ hôi nhễ nhại.

Rồi lại có những chỗ đậu xe không ở trước cửa hàng, cửa hiệu hay trước nhà dân nào cả nhưng lại là chỗ “xí phần” của ai đó từ trước. Và chỗ “xí phần” ấy của ai thì chỉ có người dân xung quanh khu vực đó mới rõ, họ tự quy định với nhau. Người lạ từ nơi khác đến không biết luật ngầm này nên dễ nảy ra tranh cãi.

Tôi cực lực phản đối cái văn hóa “xí phần” trước chỗ đậu xe. Nếu như các chủ shop giữ chỗ trước cửa hàng của họ thì còn có thể thông cảm được, còn với trường hợp khác, chỗ để xe phải là của chung mọi người. Ai đến trước thì có quyền đậu xe trước, chỉ cần không phạm luật, không cản trở giao thông là được.

Thế nhưng nhiều vụ tranh cãi, thậm chí đánh nhau bắt nguồn từ tranh chỗ đậu xe mà ra. Hoặc xấu tính hơn là tìm cách phá xe của nhau. Bạn của tôi cũng vì lý do đậu xe vào chỗ của người khác mà xe có thêm vài vết xước. Dù đoán ra người làm nhưng cũng đành chịu vì không có bằng chứng.

Hay như vụ việc mới xảy ra gần đây, ba bảo vệ mua sơn xịt lên 10 xe đậu ở ngoài đường vì không gửi xe vào bãi xe của họ quản lý. Đây cũng là một dạng “xí phần”, tự coi mình là thổ địa, có quyền cấm đoán người khác đậu xe.

Theo tôi đã đến lúc phải lên tiếng đấu tranh về văn hóa xấu xí này. Thời gian tới, số lượng xe ở các thành phố sẽ tăng thêm, nhu cầu về không gian dành cho đậu xe sẽ trở nên cấp thiết, đòi hỏi mỗi người phải càng phải cư xử văn minh, nhường nhịn nhau hơn.

Độc giả Minh Quang (Hoàng Mai, Hà Nội)

Bạn có trải nghiệm gì khó quên khi sử dụng xe hơi? Hãy chia sẻ bài viết tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!