Quyết định số 14/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/3 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 53/2013 ngày 13-9-2013 về việc tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng đối với xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam (Quyết định số 53/2013/QĐ-TTg). Trong đó có nội dung quan trọng có thể chấm dứt tình trạng “lách luật” sử dụng loại xe này với cá nhân không nằm trong diện ưu đãi.

Theo đó, nếu xe thuộc diện ưu đãi trên không còn trong biên chế sử dụng của cơ quan tổ chức ngoại giao nước ngoài thì người đang quản lý, sử dụng xe phải thực hiện thủ tục thu hồi giấy chứng nhận đăng ký, biển số xe và làm thủ tục chuyển nhượng xe theo quy định tại Quyết định 53/QĐ- TTg và quy định của Bộ Tài chính, Bộ Công an.

Quyết định này cũng giao Bộ Công an thực hiện rà soát thông tin người đang đứng tên trên giấy chứng nhận đăng ký xe đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng và chuyển cho Bộ Tài chính. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan CSGT qua tuần tra kiểm soát, khi phát hiện xe ô tô chưa làm thủ tục chuyển nhượng thuộc danh sách do Bộ Tài chính thông báo tham gia giao thông thì căn cứ vào quy định của pháp luật thực hiện xử lý vi phạm.

Đặc biệt, Bộ GTVT được Thủ tướng Chính phủ giao chỉ đạo cơ quan đăng kiểm thực hiện dừng đăng kiểm đối với số xe chưa làm thủ tục chuyển nhượng theo danh sách do Bộ Tài chính thông báo.

{keywords}
Một đám cưới dùng siêu xe Ferrari và siêu sang Maybach mang biển ngoại giao làm đoàn xe rước dâu

Đối với các tổ chức, cá nhân muốn làm thủ tục chuyển nhượng thì cần tuân thủ theo quy trình do cơ quan chức năng hướng dẫn. Hồ sơ chuyển nhượng xe bao gồm: Tờ khai hải quan theo các chỉ tiêu thông tin hoặc mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính; 1 bản chính Giấy thu hồi đăng ký, biển số xe ô tô do cơ quan Công an cấp; chứng từ khác liên quan đến xe ô tô chuyển nhượng (nếu có).

Trước đây, việc sử dụng xe mang biển số của cơ quan ngoại giao nước ngoài như xe dùng mục đích cá nhân trở nên phổ biến, nhất là trong giới chơi xe sang, siêu xe. Nguyên nhân vì làm theo cách này, người sử dụng xe vừa “oai” lại có thể trải nghiệm những chiếc xe đắt đỏ với giá hời, chỉ bằng 1/3 so với xe so với việc phải đóng thuế, phí đầy đủ ra “biển trắng”. Chẳng hạn, một chiếc Lamborghini Huracan LP610-4 mới về Việt Nam đã có thuế vào khoảng 18 tỷ đồng thì mua xe theo suất ngoại giao như trên chỉ vào khoảng 6-7 tỷ.

Số liệu thống kê của hải quan vào năm 2018 cho biết có tới hàng trăm chiếc xe ô tô của các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam đã quá hạn, nhưng chưa thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, tái xuất, tiêu huỷ đúng thời gian.

Chính vì nếu làm thủ tục sang tên theo quy định phải đóng thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT, cộng với phí trước bạ, biển số...với số tiền đôi khi đắt hơn cả giá trị xe còn lại khiến nhiều dân chơi không mặn mà làm đúng quy định. Thay vào đó, họ tìm cách lách luật, “rỉ tai” nhau sử dụng “chiêu bài” các xe hết thời gian sử dụng biển số sẽ mua lại suất của nhà ngoại giao khác rồi mang xe đi đăng ký với tên người mới và biển số đối ngoại mới để tiếp tục chạy. Còn không sẽ chấp nhận bỏ mặc hoăc đeo biển giả lâu lâu chạy chơi. Vì thế cũng không hiếm trường hợp người dân thấy xe sang, siêu xe phủi bụi không biển số nằm một góc đâu đó đầy tiếc nuối.

Đình Quý

 Bạn có suy nghĩ gì về những chiếc xe sang, siêu xe gắn biển ngoại giao nhưng lại sử dụng bởi người không thuộc các tổ chức quốc tế ở Việt Nam? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Lý do bất ngờ từ dân nhà giàu khiến xe siêu sang đắt khách giữa mùa dịch

Lý do bất ngờ từ dân nhà giàu khiến xe siêu sang đắt khách giữa mùa dịch

Doanh số bán dòng xe siêu sang tăng giữa mùa dịch, nguyên nhân có thể do những người lắm tiền nhiều của không biết làm gì ngoài ngắm xe đắt tiền trên mạng.