Chưa tạo niềm tin về sản phẩm

Một chủ showroom kinh doanh ô tô cũ tại Long Biên (Hà Nội) cho biết, ô tô Trung Quốc vẫn sẽ có những người chuyên mua về rồi bán lại nhưng đa số người kinh doanh xe cũ đều e dè với mặt hàng này.

Chưa cần bàn về chất lượng của xe Trung Quốc nhưng thực tế với dòng xe này khi mua giá cao thì không có lãi mà mua quá rẻ thì khách lại không muốn bán. Vì thế trừ khi giá bán lại phải thật rẻ thì “thợ” mới dám mua vào.

 “Trước đây, tôi có trải nghiệm chiếc xe Zoyte Z8 cũ của một người cũng buôn bán ô tô cũ nhập vào để bán lại. Qua trải nghiệm thì thấy mẫu xe này xác nặng, rất tốn nhiên liệu. Bên cạnh đó, nội thất dù nhiều trang bị nhưng theo đánh giá nhìn rất nhôm nhựa”, người này chia sẻ.

Xe Trung Quốc tại Việt Nam thường có kiểu dáng bắt mắt song đa số sao chép các mẫu xe nổi tiếng thế giới, như: Audi, Jaguar, Land Rover…

Điển hình như, mẫu xe Zotye Z8 nổi bật nhất hiện nay của Zotye tại Việt Nam có phần phía trước giống mẫu SUV Maserati Levante nhưng nhìn từ phía sau lại giống Jaguar F-Pace. Ở phía bên trong, xe Z8 cũng không ngoại lệ khi phần vô lăng xe được "lấy cảm hứng" từ thương hiệu xe thể thao Porsche còn bảng điều khiển trung tâm được vay mượn từ hãng xe Volvo (Thụy Điển).

Việc các thương hiệu xe Trung Quốc nhái các hãng xe danh tiếng đã ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng Việt bởi hầu hết không ai muốn bỏ ra số tiền gần tỷ đồng để mua những mẫu xe nhái hoặc sao chép mẫu mã thương hiệu xe sang nhưng chất lượng thì không sánh bằng.

Cho biết thêm một số nguyên nhân khiến ô tô Trung Quốc khó bán tại Việt Nam, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, niềm tin về sản phẩm của Trung Quốc nói chung, không riêng gì ô tô là chưa có. Đặc biệt khi nhắc tới ô tô, nhiều người còn e ngại khi liên tưởng tới những chiếc xe máy Tàu trước đây. Vì thế thương hiệu chưa tạo dựng được.

“Ô tô tại Việt Nam vẫn là tài sản lớn nên khách hàng vẫn muốn mua một chiếc xe có thương hiệu, đảm bảo giá trị sau này khi cần bán xe sẽ được giá. Việc có ít cơ sở bảo hành bảo dưỡng cũng tạo ra tâm lý e ngại khiến khách hàng Việt Nam rụt rè khi mua ô tô Trung Quốc. Bởi thực tế vào đúng trạm dịch vụ bảo hành bảo dưỡng của hãng mà phụ tùng không có sẵn thì cũng sẽ rất phiền toái”, TS Phúc cho biết.

Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, hiện có tới 5 doanh nghiệp nhập khẩu ô tô con Trung Quốc bao gồm các thương hiệu BAIC, Zoyte, Brilliance, MG nhưng chỉ dùng chung 1 cơ sở bảo hành bảo dưỡng là Công ty cổ phần thương mại Kylin - GX 668.

Đại diện phòng Chất lượng xe cơ giới - VAQ (Cục Đăng kiểm Việt Nam) cho biết, việc các thương hiệu ô tô có quá ít cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đã ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người sử dụng ô tô, gây ra nhiều khó khăn, bất tiện cho khách hàng mua xe.

{keywords}
Dấu hỏi về chất lượng ô tô Trung Quốc tại Việt Nam

Ít cơ sở bảo hành bảo dưỡng là một trong những điểm yếu khi đánh giá tổng quan về chất lượng

Nghi ngại về chất lượng, độ an toàn

 "Khi đánh giá chất lượng ô tô phải đánh giá tổng thể, cả chất lượng sau bán hàng. Cái xe còn đi nhiều chứ không phải bán xong cái xe là xong. Các hãng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình”, PGS. TS Đàm Hoàng Phúc cho biết. 

”Còn theo phân tích của chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng, ô tô là sản phầm công nghệ cao được xây dựng thương hiệu rất lâu, từ 50 - 100 năm. Do đó, không phải chỉ giá rẻ là bán được. Việc các mẫu xe Trung Quốc khó bán tại Việt Nam do chưa tạo được lòng tin về chất lượng nơi khách hàng.

“Các mẫu ô tô Trung Quốc về kỹ thuật đang sử dụng máy, ổ số của các thương hiệu như: BMW, Volvo, Mitsubishi thế hệ cũ hơn 1 đời, đi kèm một số chỉnh sửa. Tuy nhiên, các bộ phận như gầm, hệ thống nhún, an toàn và chất lượng phải qua kiểm định của khách hàng, cũng như các cơ quan chuyên môn trên thế giới. Nhiều mẫu xe Trung Quốc chưa được kiểm tra về chất lượng, độ bền nên khó tạo sự tin tưởng”, ông Đồng cho biết.

Chuyên gia này cho biết thêm, xe Trung Quốc có ngoại hình bắt mắt, nội thất tiện nghi đáp ứng được thị hiếu khách hàng, tuy nhiên, về độ an toàn thì cần thời gian để chứng minh. Hiện, ở Việt Nam chưa có trung tâm nào kiểm tra về độ an toàn của ô tô và cũng ít chuyên gia đánh giá được.

Còn theo PGS. TS Đàm Hoàng Phúc, để đánh giá chất lượng sản phẩm có nhiều yếu tố quyết định chất lượng. Đầu tiên là về công nghệ, họ phải áp dụng các công nghệ hiện đại, tiên tiến. Thứ hai là kinh nghiệm sản xuất, tích luỹ lại mới có thể tạo ra một sản phẩm chất lượng. Thứ ba, bất kỳ hãng nào cũng có thể chấp nhận một tỷ lệ lỗi trong quy trình sản xuất nhưng họ sẽ phục vụ lại ở khâu chăm sóc dịch vụ khách hàng.

Như vậy khu vực dịch vụ phải thật tốt, phụ tùng thay thế phải thật rẻ và không gây phiền hà cho người tiêu dùng. Tổng hợp tất cả những điều đó mới tạo ra được chất lượng, tạo được sự tin tưởng với người tiêu dùng.

“Tuy nhiên xe Trung Quốc ở Việt Nam hiện rất khó để đánh giá. Điểm kém nhất hiện nay là hệ thống sửa chữa bảo dưỡng sau mua xe gần như không có. Việc thay thế phụ tùng lâu, rồi các hệ thống chính hãng chưa được phổ cập, hoàn thiện. Đây là những điểm yếu không dễ khắc phục”, ông Phúc cho biết.

Theo Báo Giao thông

Bạn hài lòng hay thất vọng với chiếc xe đầu tiên của mình? Hãy chia sẻ câu chuyện mua ô tô lần đầu tiên của mình tới Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Giảm giá trăm triệu, nhiều xe SUV hot vẫn "ế ẩm" vì vướng dịch bệnh

Giảm giá trăm triệu, nhiều xe SUV hot vẫn "ế ẩm" vì vướng dịch bệnh

Mặc dù đã được đại lý đưa ra nhiều chương trình ưu đãi mạnh lên đến trên trăm triệu nhưng nhiều mẫu xe SUV vẫn bán rất chậm, doanh số sụt giảm đáng kể trong tháng 6 vừa qua.