Đó là câu chuyện của mẫu siêu xe Vector W8 ra đời năm 1990 và phải bị khai tử năm 1993. Đây là một trong 14 mẫu xe kể từ thập niên 90 của thể kỷ trước cho đến nay đã sớm phá sản vì chất lượng kém, bị khách hàng quay lưng. 

Dưới đây là phần cuối điểm danh những xế hộp "bom xịt" của làng xe thế giới do trang Autocar đánh giá.

Ford Escort (1990)

{keywords}
Ford Escort thất bại vì giá cao, trang bị nghèo nàn. Ảnh: Autocar

Khi Ford Escort thế hệ 5 ra mắt vào năm 1990, chiếc xe này đã được hãng Ford phân phối trên toàn cầu. Tuy nhiên không giống như những bậc đàn anh, chiếc Escort mới có thiết kế bề ngoài thiếu điểm nhấn, được định giá quá cao và trang bị nghèo nàn.

Mẫu xe này không được thị trường đón nhận và chỉ kéo dài được 2 năm cho đến khi bị dừng sản xuất.

Phải đến năm 1998, hãng Ford mới có thể lấy lại tên tuổi đã mất qua mẫu xe Ford Focus danh tiếng.

Vector W8 (1990)

{keywords}
Vector W8, siêu xe 400.000 USD nhưng chất lượng thấp. Ảnh: Autocar

Vector W8 là mẫu xe thể thao được chế tạo bởi hãng ô tô Mỹ Vector Aeromotive Corporation từ năm 1990 đến năm 1993. Mặc dù có giá lên tới 400.000 USD nhưng chất lượng của chiếc xe này lại không hề đáng tin cậy.

Năm 1991, ngôi sao quần vợt Andre Agassi đã quyết trả lại chiếc xe Vector W8 mới mua và đòi hoàn tiền sau khi chiếc xe này gặp lỗi quá nhiệt ở hệ thống xả. Cũng trong năm đó, tạp chí xe hơi uy tín Car and Driver cũng không thể thực hiện được bài đánh giá xe Vector W8 do cả 3 mẫu thử nghiệm bị gặp trục trặc.

Trước những đánh giá tiêu cực từ phía truyền thông, hãng Vector Aeromotive Corporation đành phải tạm dừng sản xuất mẫu xe này vào năm 1993.

Nissan Serena (1992)

{keywords}
Nissan Serena bị chê tơi tả vì có tốc độ rùa bò. Ảnh: Autocar

Xe đa dụng MPV đã trở thành xu hướng dẫn đầu thị trường xe trong suốt những năm 90. Tuy nhiên không phải chiếc MPV nào cũng thành công và được sự đón nhận từ khách hàng. Lý do chiếc Nissan Serena thất bại bởi vì nó có thiết kế mờ nhạt cùng với động cơ hiệu suất vô cùng thấp.

Chiếc xe này phải mất 35 giây để tăng tốc từ 0-100 km/h và vận tốc tối đa cũng chỉ 130 km/h.

Cadillac Seville (1997)

{keywords}
GM vẫn tiếp tục lặp lại sai lầm với mẫu xe Cadillac Seville. Ảnh: Autocar

Mẫu Cadillac Seville thế hệ thứ 5 ra mắt thị trường vào năm 1997. Khi đó tất cả các hãng xe khác đều hiểu rằng cần chăm chút đầu tư tổng thể vào sản phẩm từ ngoại thất, nội thất đến các tính năng tiện nghi mới có thể nhận được sự ủng hộ của khách hàng.

Tuy nhiên, GM đã tìm cách cắt giảm chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận. Và điều tất yếu là người sử dụng đã nhanh chóng nhận ra chiếc xe có chất lượng dưới mức trung bình và quay lưng với nó.

Jaguar S-Type (1999)

{keywords}
Jaguar S-Type có kiểu dáng thiết kế quá lỗi thời. Ảnh: Autocar

Vào những năm 90, hãng xe sang Jaguar đã phải trải qua giai đoạn khó khăn khi các mẫu xe của công ty sản xuất ra luôn bị người tiêu dùng đánh giá thấp. Điều này đòi hỏi Jaguar phải tự làm mới mình, thay vì tiếp tục sử dụng kiểu thiết kế cũ mà khách hàng đã ngán tận cổ.

Tuy nhiên, trái với mong đợi của người hâm mộ, ban lãnh đạo Jaguar vẫn tiếp tục tung ra mẫu S-Type, có thiết kế và cách đặt tên đã lạc hậu vài chục năm.

Phải đợi đến năm 2008, hãng xe này mới thật sự tạo ra được sự đột phá với dòng xe XF thế hệ mới.

Jaguar X-Type (2001)

{keywords}
Jaguar X-Type tiếp tục lặp lại sai lầm của S-Type. Ảnh: Autocar

Sau khi bán ra mẫu Jaguar S-Type với kiểu dáng cổ lỗ được 2 năm, Jaguar tiếp tục "bổn cũ soạn lại" khi ra mắt dòng xe sedan cỡ nhỏ Jaguar X-Type.

Được sản xuất dựa trên khung gầm cơ sở của chiếc Ford Mondeo, hãng Jaguar kỳ vọng sẽ bán được 100.000 chiếc X-Types mỗi năm. Tuy nhiên, ngay cả trong khoảng thời gian bán hàng chạy nhất, doanh số của X-Types cũng chỉ đạt 50% kỳ vọng.

Thiết kế ngoại thất lạc hậu, thiếu độ tin cậy và động cơ hao xăng là những gì khách hàng nhận xét về mẫu xe này.

Lincoln Blackwood (2002)

{keywords}
Lincoln Blackwood bị chê vì không có ưu điểm gì của dòng xe bán tải. Ảnh: Autocar

Xe bán tải rất phổ biến ở Mỹ vì chúng được trang bị hệ dẫn động bốn bánh, khoảng sáng gầm lớn, có thể đi được trên nhiều địa hình kèm khả năng chuyên chở ấn tượng.

Nhưng chiếc Lincoln Blackwood lại hoàn toàn ngược lại, mẫu xe này chỉ có dẫn động cầu sau, khoảng sáng gầm thấp, thùng sau có nắp đậy nhưng lại khiến cho khả năng chở hàng bị giảm đi đáng kể.

Hãng Lincoln chỉ sản xuất mẫu xe này trong một năm nhưng phải mất hai năm nữa để bán hết hàng tồn.

Renault Avantime (2002)

{keywords}
Renault Avantime có thiết kế đẹp nhưng chất lượng hoàn thiện kém. Ảnh: Autocar

Mặc dù được quảng cáo là một mẫu xe 4 chỗ sang trọng nhưng thực chất hàng ghế sau của Renault Avantime rất chật chội.

Phần nội thất bên trong xe có chất lượng kém, trong khi xe có trọng lượng rất nặng khiến nó trở nên ì ạch và hao xăng. Tuy ý tưởng thiết kế là rất tốt nhưng hãng Renault đã đã không chú trọng vào khâu hoàn thiện chất lượng sản phẩm khiến Avantime thất bại một cách đáng tiếc.

Rover CityRover (2003)

{keywords}
Rover CityRover, sản phẩm "treo đầu dê bán thịt chó". Ảnh: Autocar

Hãng xe MG Rover đã tự đánh giá họ là một thương hiệu hạng sang tương đương với các thương hiệu cao cấp như BMW và Audi, hoặc chí ít cũng bằng Volkswagen hoặc Volvo.

Đó là lý do tại sao hãng xe này cố gắng bán chiếc Rover CityRover, một phiên bản cải tiến từ chiếc Tata Indica do Ấn Độ sản xuất cho những khách hàng ở Anh. Có tin đồn rằng MG Rover đã mua Tata Indica với giá dưới 1000 Bảng, sau đó cố gắng bán chúng với giá 7000 Bảng trở lên.

Tất nhiên, chiến lược này đã không thể thành công. Mẫu xe này bị ngừng sản xuất vào năm 2005 cùng với sự phá sản của công ty MG Rover.

Saturn Ion (2003)

{keywords}
Saturn Ion, giá rẻ nhưng chất lượng thua xa hàng Nhật. Ảnh: Autocar

Mẫu Saturn Ion được hãng General Motors tung ra vào năm 1985, với sứ mệnh quan trọng là cạnh tranh với các mẫu xe cỡ nhỏ, giá rẻ đến từ Nhật Bản.

Yếu tố giá rẻ đã đạt được nhưng chất lượng của Saturn Ion lại thua xa hàng Nhật.

Chiếc "sao Thổ" của GM bị đánh giá có thiết kế không khoa học, khả năng điều khiển kém. Ngoài ra, quy trình sản xuất cũng gặp lỗi dây chuyền khiến cho GM phải tiến hành hơn 10 đợt triệu hồi sản phẩm. Đây là một trong những lý do chính dẫn đến sự thất bại và dừng sản xuất của Saturn Ion vào năm 2010.

Subaru Tribeca (2006)

{keywords}
Subaru Tribeca bỏ lỡ cơ hội tại Anh vì chọn nhầm động cơ. Ảnh: Autocar

Subaru luôn là một thương hiệu nhỏ, ít tiếng tăm tại thị trường xe Anh quốc. Nhưng vào giai đoạn trào lưu xe SUV đang thịnh hành, đáng lẽ chiếc Subaru Tribeca cũng đã tạo được một dấu ấn đáng kể.

Tuy nhiên, thị hiếu khách hàng tại đây đang chuộng động cơ diesel mà hãng xe Nhật Bản lại chỉ cung cấp phiên bản động cơ xăng 6 xi-lanh ngốn nhiên liệu.

Dễ hiểu, khách hàng tại Anh đã không để ý mẫu xe này.

Ford Ecosport (2014)

{keywords}
Ford Ecosport bị đánh giá thấp về thiết kế. Ảnh: Autocar

Kể từ khi Mondeo xuất hiện vào năm 1993, hãng xe Ford liên tục tung ra các mẫu xe chất lượng và được đánh giá cao .

Tuy nhiên, chiếc Ecosport 2014 lại là ngoại lệ. Hệ thống truyền động của xe hoạt động không mượt mà cộng với kết cấu khung gầm thô cứng làm hỏng cả danh tiếng mà Ford đã cố công xây dựng.

Alfa Romeo 4C (2013)

{keywords}
Alfa Romeo 4C vẫn còn thiếu nhiều thứ để trở nên hoàn hảo. Ảnh: Autocar

Trong lịch sử của Alfa Romeo, hãng xe này đã có nhiều lần bỏ lỡ cơ hội đáng tiếc. Điển hình trong số đó phải kể đến là sự ra mắt của mẫu Alfa Romeo 4C, một chiếc xe thể thao có thân vỏ bằng sợi carbon nguyên khối với kiểu dáng tuyệt đẹp.

Tuy nhiên, hệ thống treo của Alfa Romeo 4C lại không được tinh chỉnh chính xác dẫn đến một số lỗi khả năng xử lý. Đồng thời việc chỉ cung cấp phiên bản số tự động cũng làm cho những người yêu thích loại xe số sàn thấy nuối tiếc.

Quỳnh Anh (Theo Autocar)

Trân trọng mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài, video về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Xin cảm ơn!

Thiết kế xấu, lỗi liên tục, loạt xe sang bị thị trường hắt hủi

Thiết kế xấu, lỗi liên tục, loạt xe sang bị thị trường hắt hủi (Phần 3)

Thiết kế xấu, lỗi kỹ thuật liên tục, giá thành quá cao là những lý do khiến những mẫu xe sang dưới đây của những hãng tên tuổi như Aston Martin, Cadillac, Jaguar, Audi...có tuổi thọ ngắn ngủi trên thị trường.