Tuần qua, dư luận bất bình với chuyện tài xế xe khách ở Lâm Đồng buông vô lăng ăn mì gói nhưng không bị xử phạt.

Ai cũng đều nhìn nhận hành vi của tài xế là nguy hiểm, là coi thường tính mạng hành khách, người đi đường nhưng CSGT thì lại chào thua vì luật không quy định chế tài với hành vi buông vô lăng ăn mì.

Thực tế, chuyện tài xế buông vô lăng để đi vớ, mang giày, tranh thủ vươn vai hít thở, khoa tay múa chân cho đỡ mỏi… trong khi ô tô lao vun vút trên đường là không hiếm. Và khi phát hiện cơ quan chức năng cũng chào thua, không xử phạt được. Lý do: Chưa có quy định xử phạt các hành vi này.

{keywords}

Luật Giao thông đường bộ chỉ nêu nguyên tắc chung là nghiêm cấm các hành vi khác gây nguy hiểm khi lái xe. Tuy nhiên, Nghị định 46/2013 thì lại đóng khung khi chỉ liệt kê các hành vi bị phạt gồm lái ô tô bằng chân, nghe điện thoại khi đang lái xe… mà không nêu hành vi buông vô lăng khi xe đang chạy. Vậy là cơ quan chức năng không thể xử lý hành vi này.

Việc luật quy định nhưng không có hướng dẫn hoặc hướng dẫn không rõ làm cơ quan chức năng không xử lý chẳng hiếm, vì chúng ta đã quen chờ luật pháp liệt kê hành vi. Trong khi cuộc sống thì muôn hình vạn trạng, luôn vận động, thay đổi, nhà làm luật khó mà bao quát, tiên liệu hết để liệt kê đầy đủ những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội cần phải chế tài. Chuyện tài xế đi giày, buông vô lăng ăn mì không bị xử phạt là một minh chứng.

Trở lại với Luật Giao thông đường bộ, nhà làm luật đã dự liệu “hành vi khác” nhưng chẳng cơ quan chức năng nào dám áp dụng để xử phạt tài xế buông vô lăng. Lý do là ngoài những điều đã đề cập ở trên thì còn một lý do sâu xa khác là chúng ta sợ người thực thi công vụ lạm quyền, suy diễn… nên nhất nhất phải liệt kê hành vi, hướng dẫn đến chi li.

Trong một lần trò chuyện, chúng tôi từng băn khoăn: Bộ luật Hình sự có nhiều khung hình phạt mà thẩm phán có thể phạt tiền, cảnh cáo hoặc phạt tù người phạm tội, điều này sẽ tạo ra cơ chế lạm quyền cho thẩm phán. Giải thích điều này, luật sư-TS Phan Đăng Thanh nói: “Cuộc sống có nhiều ngóc ngách và thẩm phán phải có trách nhiệm làm rõ các ngóc ngách của vụ án. Khi đã làm rõ, dựa trên luật pháp, thẩm phán sẽ lựa chọn mức án phù hợp nhất theo đánh giá chủ quan và sẽ chịu trách nhiệm với phán quyết đó. Đã tin tưởng trao quyền thì đừng lo họ lạm quyền vì quyền hạn của họ bị giám sát bằng rất nhiều hình thức, cơ chế…”.

Mở rộng ra, Nhà nước trao quyền luôn đồng thời trao nghĩa vụ với bất kỳ người thực thi công vụ nào. Và khi người thực thi công vụ có hành vi sai, áp dụng pháp luật sai, lạm quyền… họ sẽ bị giám sát, điều chỉnh bằng các quy định như khiếu nại, khởi kiện hành chính ra tòa.

Cuộc sống luôn vận động, hành vi của con người cũng thay đổi. Chỉ riêng trong lĩnh vực giao thông, nếu cứ mãi đóng khung bằng cách liệt kê cụ thể hành vi thì sẽ có ngày tài xế lái xe bằng đầu, bằng cằm, bằng cổ, thậm chí bằng… lưng cũng thoát án phạt! Đó là chưa kể có loại xe không điều khiển bằng vô lăng mà bằng cần gạt, nút bấm hoặc cách khác mà chúng ta chưa dự liệu thì làm sao mà liệt kê, bổ sung cho kịp.

Những nhà làm luật phải tính lại cách làm luật để may ra có thể ngăn chặn tận gốc nguồn nguy hiểm cao độ do những tài xế bất chấp các nguyên tắc an toàn giao thông gây ra. Song song đó, pháp luật cũng tạo điều kiện thông thoáng cho người dân khởi kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, mở rộng các cơ chế giám sát khác cho người dân. Như thế sẽ chẳng phải lo CSGT lạm quyền khi thực thi công vụ.

(Theo Pháp luật TP.HCM)