Chưa bao giờ những vụ tai nạn giao thông thảm khốc lại trở thành "chuyện thường ngày ở huyện" như dạo gần đây.

Hiện tượng này thổi bùng lên câu hỏi: Phải chăng dành 1 tiếng lướt Facebook còn quan trọng hơn 1 phút thử nghĩ về hậu quả nếu vi phạm giao thông?

{keywords}

Tai nạn giao thông luôn là nỗi ám ảnh, nhưng hiếm khi nào tai nạn lại xảy ra thường xuyên và để lại hậu quả đáng tiếc như thời gian qua. Chỉ cần điểm nhanh trên mặt báo cũng có thể kể tên cả chục vụ tai nạn khiến bất kỳ ai cũng rùng mình trong khoảng 1 tháng trở lại đây.

Mới và nóng nhất có lẽ là vụ xe Inova đi lùi trên cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên rồi bị xe đầu kéo đâm vào đuôi khiến 10 người thương vong.

Tài xế xe Inova đi quá chỗ rẽ 100 mét và thay vì tốn thêm vài chục phút đi đường vòng, anh ta vô ý thức cho lùi xe trên đường cao tốc, và sẽ phải giành gấp 10 lần, 100 lần số thời gian mà anh ta đã tiết kiệm được để chịu trách nhiệm cho sự lười biếng, khôn lỏi của mình.

{keywords}

Càng ngày tôi càng không hiểu những lái xe kém ý thức đang nghĩ gì. Họ có thể dành vài tiếng lướt Facebook, thể hiện trách nhiệm của bản thân với xã hội thông qua những cái likes, shares, nhưng lại không dành ra 1 phút để thể hiện trách nhiệm với chính bản thân mình.

Tôi hàng trăm lần nhìn thấy những người vượt đèn đỏ, nhưng sau khi vội vã lách qua đám đông và muối mặt chịu những ánh mắt, lời nói khó chịu từ người khác, họ lại tà tà dạo mát trên phố.

Họ chẳng bận rộn chuyện gì cả. Đơn giản là thích thì vượt đèn đỏ thôi. Việc dừng đèn đỏ với họ là điều gì đó vô cùng tốn thời gian.

Tôi cũng thấy hàng trăm người thay vì tốn thêm 2 phút đi đường vòng tránh các ngã tư, cố tình rẽ cắt ngang ngã tư và tạo ra tắc đường. Vụ tắc đường níu chân anh ta 20 phút.

Tôi tin những người trực tiếp tạo ra tắc đường bằng sự kém ý thức của mình đang lẩn khuất ở đâu đó trong những tài khoản Facebook ngày ngày chê bai, ngán ngẩm về chuyện tắc đường ở Hà Nội.

Họ đưa ra những lập luận đao to búa lớn, những sự so sánh thể hiện hiểu biết dồi dào, nhưng ra đường, họ vẫn cứ lười biếng chấp hành luật giao thông, tạo ra tắc đường rồi lại về nhà nguyền rủa. Một vòng tròn hài hước đến lố bịch.

Ngoài ra, tôi còn thấy một điều vô cùng khôi hài thế này: Rất nhiều tài xế tin vào... may mắn thay vì dùng ý thức cao để tự quyết định vận mệnh của chính mình.

Trong số chúng ta hẳn có không ít người tin rằng, những con số trên biển kiểm soát là một lá bùa hộ mệnh. Càng số đẹp thì càng mang lại may mắn, an toàn.

Ví dụ: Đa phần lái xe sẽ có xu hướng chọn những số như 6, 8, 9 (vì phát âm theo tiếng Trung nghe giống Lộc, Phát, Cửu) thay vì 78, 4, 13 (thất bát, tử, hoặc 13, con số kém may mắn trong quan niệm của Đạo Thiên Chúa).

{keywords}

Người Việt vẫn thường quan niệm biển số xe đẹp sẽ mang lại may mắn. Ảnh minh hoạ

Nhưng dù là đeo biển được dịch ra là bất tử, lộc phát hay bất kỳ dấu hiệu may mắn nào mà đi lùi trên cao tốc thì cũng không thể tránh khỏi bi kịch.

Dù trên xe có đặt tượng Phật, bùa hộ mạng được thỉnh ở những nơi linh thiêng nhất nhưng phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều… sẽ chẳng có thế lực siêu nhiên nào có thể cứu nổi bạn khi tai nạn ập tới.

Tôi vẫn không hiểu tại sao nhiều người sẵn sàng mất rất nhiều thời gian nghiên cứu về con số may mắn của mình, mất nhiều tiền để được chọn số như ý, nhưng lại không đủ thời gian đọc luật giao thông và cũng rất nghèo về mặt ý thức.

Tại sao người ta tin rằng một con số vô tri lại đáng được để tâm hơn ý thức giao thông? Tại sao chúng ta tin vào những thứ mơ hồ như mê tín dị đoan thay vì pháp luật?

(Theo Thời đại)