Clip người đàn ông “ngông” đã ngoài 60 tuổi, ở Bình Dương, tự lái máy bay trực thăng mang tên “Giấc Mơ” do mình sáng chế gây xôn xao gần đây. Gặp Bùi Hiển, ông nói: “Nói tôi gan thì đúng hơn. Chỉ một chút sơ sẩy khi thử nghiệm máy bay trực thăng, tôi có thể đánh cược bằng cả tính mạng của bản thân. Đó là kết tinh quá trình nghiên cứu, sáng tạo... ”.

Phấn đấu như hai anh em nhà Wright ở Mỹ

Chúng tôi dừng xe ngay đoạn đường giáp ranh thị xã Thuận An và TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Thấy cả hai đeo ba lô, anh sửa xe máy tên Tuấn hồ hởi nói: “Nhà báo đúng không(?). Suốt mấy ngày nay, tôi đã chỉ đường cho nhiều phóng viên đến gara của kỹ sư Bùi Hiển rồi. Ở đây, ai mà không biết và mến anh ấy. Đã ngoài 60 mà anh ấy vẫn miệt mài chế tạo máy bay trực thăng. Tôi nghĩ Nhà nước mình nên động viên anh ấy để khích lệ tinh thần sáng tạo”.

Nhờ sự chỉ dẫn của người sửa xe, chúng tôi đã tìm được gara của Bùi Hiển. Đó là một khu xưởng nhỏ chuyên sửa chữa ô tô các loại. Một người đàn ông đang cặm cụi cùng các nhân viên xem lại động cơ của chiếc trực thăng mang tên “Giấc Mơ” mới vừa tập cất cánh, chúng tôi đã nhận ngay ra Bùi Hiển.

{keywords}

Ông Hiển và chiếc trực thăng mang tên “Giấc Mơ”.

Ông cười hiền: “Tôi đang xem lại từng bộ phận của trực thăng để thể hiện trong hồ sơ xin giấy phép bay gửi Bộ Quốc phòng. Nếu không rõ từng chi tiết chắc khó xin được lắm vì cơ quan chức năng yêu cầu rất nghiêm ngặt. Nếu họ yêu cầu có thêm bằng lái chắc tôi khó hoàn thành hồ sơ. Đã ngoài 60 rồi làm sao học phi công, mình cũng không đủ sức khỏe”.

Quá trình chế tạo gặp muôn vàn khó khăn nhưng ông tự nhủ, hai anh em nhà Wright ở Mỹ đã nỗ lực chế tạo ra được máy bay, trở thành người khởi đầu lịch sử ngành hàng không. Họ làm được, mình cũng phải cố gắng hết mình. Ông đã mày mò tìm tài liệu nói về máy bay. Phần lớn tài liệu được viết bằng tiếng Anh nên ông quyết định đi học tiếng Anh, mua thêm phần mềm dịch thuật tiếng nước ngoài.

Để có thể tìm hiểu hết những kỹ thuật cơ bản sáng chế ra được trực thăng, ông đã dịch hơn 200 trang tài liệu từ tiếng nước ngoài. Ông cũng tìm kiếm tư liệu ở hàng chục nhà sách tại Bình Dương và TP HCM nhưng vẫn không thấy. Phải mất cả tháng trời trên mạng ông mới tìm được video clip của một kỹ sư hàng không đang thí nghiệm cân bằng trên cánh máy bay...

Để cân bằng cánh quạt máy bay trực thăng, người ta phải cân chỉnh thật chính xác độ nghiêng từng cánh. Nhiều lần thử nghiệm với kích thước hai cánh bằng nhau nhưng vẫn không có kết quả, ông nghĩ rằng phải có thêm thiết bị đo độ nghiêng chính xác nhưng trên thị trường Việt Nam không thấy bán.

Tưởng chừng đã mọi việc sẽ dang dở, ông bỗng may mắn tìm được phần mềm đo độ nghiêng dành cho người chơi nghiệp dư, có thể đo chính xác tới 0,01 độ. Ông liền tải về, đo cân bằng bằng cách đặt ở mỗi cánh 1 chiếc điện thoại di động. Kết quả chính xác đến không ngờ, cánh máy bay quay nhanh mà vẫn êm.

{keywords}

Chiếc trực thăng được dựng trong gara của ông Hiển.

Khi đạt đủ số vòng quay, nó tự nhấc mình lên khỏi mặt đất, thân máy vẫn êm ru. Chiếc trực thăng đầu tiên hoàn thành vào cuối năm 2013, sau hơn 3 năm trời mất ăn mất ngủ để nghiên cứu. Phải mất thêm 3 năm nữa, ông mới hoàn thành chiếc máy bay trực thăng mang tên “Giấc Mơ”.

Ông gắn bó với mảnh đất miền Đông Nam bộ ngay từ tuổi thanh xuân. Vào bộ đội, Bùi Hiển tham gia chiến đấu ở chiến trường biên giới Tây Nam từ năm 1972, từng bị thương. Đến năm 1978, ông phục viên và chọn mảnh đất miền Đông Nam bộ cùng gia đình định cư, sinh sống. Ông làm thợ cơ khí ở lâm trường chiến khu D Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương), chuyên sửa chữa máy móc. Đến nay, ông vẫn cùng hai người con tiếp tục làm thợ cơ khí và mở gara sửa chữa ô tô.

Trong một lần đi ngang qua vườn cao su, thấy người đàn ông ngoài 50 tuổi ướt đẫm mồ hôi trên áo đang phun thuốc trừ nấm trên thân cây cao su. Người này phải dùng cây tre khô dài hơn 10m mới đưa được vòi ống dẫn thuốc trừ nấm lên cao để xịt từ ngọn cây xuống đất. Mỗi lần phải dùng ít nhất 10kg thuốc để diệt nấm. Ông thương họ muốn rơi nước mắt, bởi bỏ công sức ra mà chưa hẳn kết quả đã như mong đợi. Xịt từ trên xuống thì nguy cơ thuốc theo hơi nước bay vào mắt và ngấm vào cơ thể ảnh hưởng đến sức khỏe là điều khó tránh khỏi.

Ông ước sẽ chế được trực thăng bay với độ cao khoảng 20m để phun thuốc nấm, thuốc trừ sâu cho các cánh rừng cao su. Nếu được như vậy thì người dân chỉ hết khoảng 1-2kg thuốc để diệt nấm và giảm thiểu tổn hại về sức khỏe.

Sau chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, ông Hiển thấy nản lòng. Trực thăng bay không hết công suất như mong muốn. Được nhiều người động viên, ông tiếp tục mày mò nghiên cứu. Một người đàn ông tên Tuấn đã lặn lội từ miền Tây đến động viên Bùi Hiển và “đặt hàng”: “Tôi làm bảo vệ rừng, rất vất vả. Anh cố gắng nghiên cứu để giúp người dân và giúp chúng tôi. Hằng ngày, tôi cùng đồng đội dùng ca nô tuần tra bảo vệ hàng trăm hécta rừng. Trong khi đó, lực lượng rất mỏng không đáp ứng được yên cầu bảo vệ rừng. Chúng tôi tuần tra vừa qua thì bọn lâm tặc đã chuẩn bị sẵn cưa máy phá rừng. Nếu anh chế tạo được trực thăng, chúng tôi có thể bay tuần tra thường xuyên, có như vậy máu rừng sẽ không chảy”.

Cần có “gan” mới dám tập bay

Chiếc máy bay đầu tiên thành công, Bùi Hiển bắt tay chế tạo chiếc mới. Khác với chiếc cũ được thiết kế đồng trục, ông Hiển thiết kế trực thăng có đuôi kiểu hiện đại. Ông nhờ người quen mua giùm động cơ trực thăng từ nước ngoài rồi lắp ráp với chi phí hơn 400 triệu đồng, đồng thời tìm thêm được những vật liệu bền hơn. Chiếc máy bay thứ 2 đã hoàn tất và thử nghiệm bay thành công với quãng đường dài 100m, độ cao hơn 2m.

Máy bay mới có chiều dài 7,4m, cao 2,4m. Chiều dài cánh quạt chính 6,6m và chiều dài cánh quạt phía sau 1,1m. Khung, cánh quạt bằng inox cao cấp, kính chắn gió chịu lực. Vận tốc tối đa khi bay đạt 200 km/h, trần bay dưới 500m, tầm hoạt động liên tục trong hai tiếng. Động cơ được trang bị hệ thống giải nhiệt của xe hơi. Trọng lượng cất cánh có tải tối đa 500kg.

{keywords}

PV cùng ông Bùi Hiển bên chiếc trực thăng mang tên “Giấc Mơ”.

Ông Hiển, nhớ lại: “Nhìn chiếc máy bay còn thô sơ của tôi, không ai dám ngồi lên. Gia đình cũng ngăn cản tôi vì sợ trục trặc có thể mất mạng. Tuy nhiên, tôi chế tạo ra nên hiểu nó. Và, tôi sẽ làm phi công cho chiếc máy bay của mình. Tôi lại lên mạng, tải phần mềm tập lái trực thăng trước để luyện tập. Khi đã thành thục, tôi đến các trung tâm đào tạo phi công trực thăng, xin tài liệu và nhờ phi công có kinh nghiệm hướng dẫn tường tận. Sau đó, tôi tập lái trên chính chiếc máy bay của mình.

Hơn nửa năm nay, tôi luyện tập đều đặn mỗi ngày trong khoảng không gian nhỏ, từ việc cất cánh cho tới nghiêng phải, nghiêng trái, tiến và lùi. Khi tập lái, tôi mới thấy những khiếm khuyết của máy bay để chỉnh sửa. Đến tận bây giờ, chiếc máy bay đã hoàn toàn có thể bay tốt và tôi cũng đã vững tay lái rồi. Tôi đang hoàn tất các thủ tục để được Bộ Quốc phòng cấp phép bay thử trên bầu trời”.

Theo Đại tá Võ Đức Thành, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương, tinh thần sáng tạo của ông Bùi Hiển đáng khích lệ, ông Hiển có ý định tự vận hành thử nhưng nếu phần cánh bị văng ra, bay về phía nhà dân, sẽ rất nguy hiểm. “Chúng tôi đã nhắc nhở anh Hiển. Đây là một hoạt động dân sự. Tuy nhiên, anh Hiển làm gì cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật. Nếu anh Hiển cho phương tiện của mình bay lên cao thì phải được cấp phép. Phát minh sáng chế có lợi luôn luôn cần được cổ vũ để khuyến khích mọi người thực hiện ước mơ, hoài bão.

Sự đam mê của anh Hiển thể hiện tinh thần ham học hỏi, nghiên cứu khoa học, trí tuệ và khát khao của người Việt Nam. Không quân từng đến nhà anh Hiển tìm hiểu chiếc trực thăng. Họ bảo nghiên cứu, lắp đặt và thử nghiệm trong nhà xưởng của anh thì được, ra ngoài trời mà bay cao thì phải được cấp giấy phép. Nếu anh Hiển hoàn tất thủ tục xin được phép bay lên cao ở ngoài trời thì sẽ được xem xét. Trường hợp Bộ Quốc phòng chấp nhận cho anh Hiển bay thử nghiệm thì khó có thể thử nghiệm ở khu vực sân bay quân sự. Việc bay thử nghiệm của anh Hiển có thể xem xét cho diễn ra tại khu vực an toàn”.

Nói về vấn đề này, ông Hiển bày tỏ: “Trong khu vực tập bay, tôi cũng không dám cho ai vào vì sợ nguy hiểm đến tính mạng của họ. Trước đó, lực lượng không quân thuộc Bộ Quốc phòng đến thăm và mời cả Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Dương đến chứng kiến. Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương cũng đến thăm và hướng dẫn một số thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

Đến nay, tôi đang gặp một số khó khăn như, trong giấy phép phải kê khai các thiết bị gắn trên máy bay trực thăng do nước nào sản xuất, năm nào. Hiện, một số động cơ mình mua trôi nổi không có giấy tờ. Tôi vẫn có thể mua các thiết bị có giấy tờ nhưng nó rất đắt tiền. Giá mua chui chỉ bằng 1/3 giá tiền chính hãng. Tôi không thể mua linh kiện chính hãng vì thật sự cũng không biết được trực thăng của mình... có bay được không.

Chi phí cho “Giấc Mơ” ngốn hàng trăm triệu đồng, không phải số tiền nhỏ. Nếu chờ nữa thì tôi không biết bao giờ mới có thể thực hiện khát khao của mình. Nhưng, tôi sẽ cố gắng làm đến cùng. Trực thăng hiện giờ chỉ chưa hoàn thiện 3 bộ phận. Nếu thay vào, nó sẽ bay tốt. Do vậy, tôi rất mong sự ủng hộ của cơ quan chức năng”.

Chúng tôi chia tay ông Bùi Hiển lúc chiều tà. Người đàn ông giàu đam nê tiếp tục vào xưởng xem lại máy bay trực thăng của mình. Mong rằng giấc mơ của người thương binh già này sẽ trở thành hiện thực!

(Theo CAND)