Tuy nhiên đến nay, một vài hãng xe vẫn chưa đáp ứng quy định này hoặc có nhưng chỉ với số lượng cơ sở tối thiểu để đối phó.

Quyền lợi khách hàng bị ảnh hưởng

Theo Nghị định 116, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo tiêu chuẩn nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Theo đó, DN có trách nhiệm công bố thông tin về thời hạn, nội dung và điều kiện bảo hành; chu kỳ và nội dung công việc bảo dưỡng; địa chỉ cơ sở bảo hành, bảo dưỡng có đủ năng lực theo quy định…

Quy định này được áp dụng đối với các DN nhập khẩu ô tô từ ngày 1/1/2018 và DN sản xuất, lắp ráp trong nước từ tháng 4/2019.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, đến nay mới có khoảng hơn 130 cơ sở (cả nước có gần 500 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng - PV) đạt chuẩn để đáp ứng các điều kiện, các cơ sở phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về nhà xưởng, trang thiết bị, con người, nguồn gốc linh kiện, phụ tùng chính hãng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ và có cam kết hỗ trợ kỹ thuật của nhà sản xuất.

{keywords}
Các cơ sở bảo dưỡng của Toyota Việt Nam đều đã đạt tiêu chuẩn theo Nghị định 116

Thực tế, có những chiếc xe nếu không có cam kết hỗ trợ của nhà sản xuất thì xưởng không thể thực hiện việc bảo hành, bảo dưỡng do xe có những thiết bị đặc thù chỉ nhà sản xuất mới có thể cung cấp.

Trong đó, thiết bị kiểm tra xuất xưởng tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng là quan trọng nhất. Nếu có thiết bị này thì sẽ đọc được tất cả các lỗi về an toàn kỹ thuật sau khi qua các công đoạn bảo hành, bảo dưỡng tại xưởng dịch vụ chính hãng.

Các trang thiết bị của các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hiện nay theo Nghị định 116 sẽ tương tự trang thiết bị tại các trạm đăng kiểm. Việc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt chuẩn sẽ giúp phát hiện, ngăn ngừa những hư hỏng của phương tiện giữa 2 kỳ đăng kiểm, giúp chiếc xe vận hành an toàn hơn.

“Thực tế giữa 2 kỳ đăng kiểm sẽ có một khoảng thời gian tối thiểu từ 6 tháng đến 3 năm và nếu trong thời gian này, chiếc xe được bảo hành, bảo dưỡng tại cơ sở đạt chuẩn theo Nghị định 116 sẽ phát hiện được lỗi để kịp thời khắc phục nhằm bảo đảm an toàn kỹ thuật thay vì phải đợi đến kỳ đăng kiểm tiếp theo. Điều này giúp người sử dụng yên tâm hơn khi lái xe cũng như không gặp rắc rối khi đi đăng kiểm phương tiện”, ông Phương cho biết.

Sẽ có văn bản đốc thúc doanh nghiệp

Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới cũng cho biết, hiện các DN ô tô có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như: Ford, Honda hay Suzuki, Toyota… cơ bản đã đáp ứng các tiêu chuẩn về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo đúng Nghị định 116. Thậm chí, Toyota Việt Nam còn yêu cầu những đại lý nào không đáp ứng quy định này thì sẽ không được tiếp tục kinh doanh. Đối với DN trong nước, hiện các đại lý của Hyundai Thành Công cũng cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn và được cấp giấy nhận.

Trao đổi với PV, ông Đỗ Minh Đạo, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vân Đạo, sở hữu 3 đại lý Suzuki Vân Đạo (tại Lạng Sơn, Thái Nguyên và Hà Nội) cho hay, hiện cả 3 đại lý của công ty đều được đầu tư, nâng cấp theo quy định tại Nghị định 116 về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô, đạt tiêu chuẩn 3S về chất lượng.

Ông Đạo cho biết, trong việc đầu tư này, quan trọng nhất là đầu tư thiết bị kiểm tra xuất xưởng tại cơ sở bảo hành, bảo dưỡng. Riêng chi phí đầu tư thiết bị kiểm tra xuất xưởng vào khoảng 100.000 USD (hơn 2,3 tỷ đồng). Nhờ vào việc đạt chuẩn như vậy sẽ giúp khách hàng yên tâm hơn khi mua xe cũng như sử dụng dịch vụ tại cơ sở chính hãng.

Theo quan sát của PV tại đại lý Suzuki Vân Đạo (Hà Nội), ngoài các trang thiết bị đầy đủ thì phụ tùng chính hãng tại đây được quản lý rất chặt chẽ, đều có dán nhãn mác chính hãng và có mã code để tra cứu. “Nhờ được hãng mẹ cam kết hỗ trợ theo Nghị định 116 nên phụ tùng chính hãng tại đây đáp ứng được tới 95% nhu cầu khách hàng”, ông Đạo thông tin thêm.

Tuy nhiên, bên cạnh những DN tích cực đáp ứng quy định này thì một số hãng xe dù có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng nhưng chỉ mang tính đối phó.

Đơn cử như Công ty CP Ô tô TMT Motors. Theo tìm hiểu của PV, TMT Motors hiện có tới 64 đại lý ô tô trải dài khắp các tỉnh, thành, kinh doanh chủ yếu là xe tải với các thương hiệu như: TMT Motors, TMT Sinotruck và TMT TATA. Tuy nhiên, theo danh sách công bố trên trang web của Cục Đăng kiểm VN được cập nhật đến hết năm 2018, đơn vị này chưa có bất cứ cơ sở bảo dưỡng nào đạt chuẩn và theo cập nhật mới nhất cũng mới chỉ có 1.

Điều này dẫn đến việc khách hàng muốn bảo hành, bảo dưỡng chính hãng chiếc xe một cách tốt nhất phải đi rất xa, gây ra sự bất tiện; đồng thời các cơ sở bảo dưỡng chưa được cấp giấy chứng nhận khó lòng đảm bảo yêu cầu bảo dưỡng xe.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, có thể trong thời gian tới, Cục Đăng kiểm VN sẽ có văn bản đốc thúc các DN chưa đảm bảo yêu cầu này đồng thời giám sát chặt chẽ việc công bố cơ sở bảo hành, bảo dưỡng của DN.

"Dù không bắt buộc các hãng phải đảm bảo toàn bộ các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn nhưng việc có càng nhiều cơ sở được cấp giấy chứng nhận cho thấy sự trách nhiệm của các hãng xe đối với việc bảo đảm chất lượng dịch vụ sau bán hàng, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng."


Ông Nguyễn Văn Phương
Phó trưởng Phòng Chất lượng xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN)

 

Theo Báo Giao thông