Nẹp viền mạ crom, ốp trang trí để bảo vệ là việc được nhiều chủ xe làm, nhất là sau khi mua ô tô mới. Tuy nhiên bên cạnh tính thẩm mỹ hay chống trầy xước, những phụ kiện gắn thêm này có thể âm thầm làm hư hại chiếc xe hoặc gây nên những "tác dụng phụ" không mong muốn.

Dùng ốp trang trí cho ô tô, tài xế tá hỏa sau khi bóc ra - 1

Một chiếc xe sau khi gỡ tấm ốp hõm tay nắm cửa đã để lại vết keo và bụi bẩn.

Anh Lê Đức Hoàng, chủ chiếc Mazda6 tại Hà Nội, tá hỏa sau khi bóc bộ ốp hõm cửa đã lắp cách đây hơn nửa năm. "Không thể ngờ là bề mặt sơn phía sau tấm ốp lại bẩn như vậy, lau thế nào cũng không sạch và lớp sơn xỉn bị màu. Nghĩ rằng ốp thêm phụ kiện này để bảo vệ cho xe mà ngờ đâu còn hại hơn", anh chia sẻ. 

Tương tự vậy, anh Chu Anh Tuấn cũng đã phải gỡ bộ ốp quây trang trí chiếc Honda CR-V mà đại lý tặng kèm khi mua xe. "Những hôm đi mưa về, nước và bùn đất bắn vào các khe hở của ốp, lâu ngày tích tụ lại, rất mất vệ sinh. Chưa kể là phụ kiện gắn keo nên sau một thời gian bắt đầu bong", anh cho biết.

Ngoài những phụ kiện trang trí bên ngoài, không ít chủ xe ốp carbon, ốp nhựa giả vân gỗ lên bệ tì tay, cánh cửa để làm đẹp nội thất chiếc xe của mình. Tuy nhiên nhiều loại phụ kiện giá rẻ sẽ để lại khoảng hở lớn sau khi lắp đặt, trở thành nơi chứa bụi bẩn. "Chỉ sau khoảng vài tháng là lớp keo của những tấm ốp này giảm độ kết dính, ốp trở nên xộc xệch. Khi xe đi qua chỗ xóc thường phát ra tiếng kêu lạch cạch rất khó chịu", một chủ xe cho hay.

Dùng ốp trang trí cho ô tô, tài xế tá hỏa sau khi bóc ra - 2

Ốp nội thất sau thời gian sử dụng có thể bị xộc xệch, phát ra tiếng lạch cạch khi chạy xe.

Theo ông Lê Văn Tuấn, chủ một trung tâm chăm sóc xe ở Hà Đông (Hà Nội), người dùng nên cân nhắc trước khi lắp các phụ kiện trang trí hay bảo vệ xe. "Những món đồ giá rẻ có thể lợi bất cập hại. Trước mắt nó trông đẹp nhưng rất nhanh xuống cấp do dùng chất liệu kém chất lượng. Một số phụ kiện được các cửa hàng "vẽ" ra nhằm "moi tiền" khách hàng nhưng thực chất không có tác dụng bảo vệ", ông tư vấn.

Ông Tuấn cho rằng với những xe đã gắn mà muốn tháo ra nên sử dụng các loại dung dịch tẩy keo phù hợp, tránh dùng lực quá mức có thể làm hỏng thêm bề mặt vật liệu của xe. Nên kiểm tra những khu vực dễ đọng nước, bám bẩn sớm, tránh để lâu gây nguy cơ han gỉ, khi đó chi phí khắc phục sẽ không rẻ.

Theo Dân trí

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

Bọc vô lăng ô tô 5 năm, chủ xe xót xa hối hận

Bọc vô lăng ô tô 5 năm, chủ xe xót xa hối hận

Nếu không vệ sinh và chăm sóc bọc vô lăng đúng cách, bạn có thể sẽ gặp phải những rủi ro không ngờ tới, có thể làm hỏng cả chiếc vô lăng nguyên bản của xe.