Sau khi báo VietNamNet đăng bài viết “Chuyển đổi giấy phép lái xe, tài xế mừng hay lo?”, không ít bạn đọc lo lắng về việc phát sinh thủ tục cấp bằng lái xe nhiêu khê, phiền hà.

Tại sao không giữ nguyên 12 hạng của giấy phép lái xe?

Nhiều độc giả đặt câu hỏi, việc chia 12 hạng giấy phép lái xe (GPLX) đã được Việt Nam thực hiện từ lâu và đang rất ổn định, phù hợp. Vậy, tại sao trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lại phải chia đến 17 hạng? Điều này sẽ là xáo trộn nhất định đến đời sống người dân.

Lý giải về vấn đề này, Ông Lương Duyên Thống - Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, việc phân hạng GPLX theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đảm bảo thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam đã ký kết khi tham gia Công ước về Báo hiệu và Tín hiệu giao thông đường bộ (Công ước Viên) năm 2015.

{keywords}
Nhiều người lo lắng đi thi sát hạch cấp bằng lái xe hiện nay sẽ bị ảnh hưởng bởi dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ (ảnh: Hoàng Hiệp)

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 43 của Công ước quy định sau 5 năm tham gia, GPLX Quốc gia phải phù hợp với phụ lục 6 của Công ước (Quy định cụ thể về GPLX Quốc gia).

Việc phân hạng phù hợp chuẩn quốc tế, tạo điều kiện cho việc công nhận GPLX của Việt Nam và quốc tế theo nguyên tắc ngoại giao có đi, có lại, tạo điều kiện sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam.

Người đi xe 150cc có phải thi thêm bằng lái khác?

Độc giả Hoàng Anh gửi email cho báo VietNamNet bày tỏ: “Người dân cần nhanh gọn lẹ chứ không phải là thêm rắc rối. Ví dụ, nhà tôi có 3 chiếc xe, từ xe đạp điện đến xe 175cc, vậy mỗi lần ra đường có cần phải cần đổi bằng? Đừng bảo đi thi thêm bằng không tốn kém. Đổi bằng vừa mất thời gian vừa mất tiền”.

Cùng chung băn khoăn trên, độc giả Trà My đặt câu hỏi: “Em chuẩn bị thi GPLX. Lúc em đăng ký thì chưa có quy định về thay đổi bằng lái A1 thành A2. Bây giờ thay đổi thì em phải làm sao ạ? Em có thể lái xe 150cc không ạ?”.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều băn khoăn của người dân. Trên thực tế, nhiều người chưa hiểu về quy định trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ mới một cách đầy đủ, dẫn tới sự hoang mang.

Trao đổi với phóng viên VietNamNet về việc này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, đối với người đã có GPLX thì vẫn giữ nguyên giá trị theo đúng thời hạn ghi trên đó, không phát sinh thủ tục và chi phí cho việc đổi GPLX.

Những người này tiếp tục điều khiển các loại xe ghi trên GPLX như bình thường. Ví dụ ai có GPLX hạng A1 vẫn được điều khiển mô tô có dung tích xi-lanh đến 175cc; GPLX hạng B1 được điều khiển ô tô con đến 9 chỗ ngồi.

Như vậy, đối với hàng triệu người đang sở hữu GPLX mô tô A1 như hiện nay vẫn được điều khiển xe từ 50cc đến dưới 175cc như bình thường vì đây là loại GPLX không có thời hạn.
Đồng thời, đối với những người chuẩn bị thi sát hạch để lấy GPLX thì vẫn tiến hành như cũ bởi đây mới là dự thảo Luật, cần phải trình Quốc hội thông qua và cần thời gian để Luật chính thức có hiệu lực.

Việc cấp, đổi GPLX có gây tốn kém, mất thời gian?

Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu như bản dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được chấp nhận sẽ tạo ra sự lẫn lộn rất lớn giữa các loại GPLX.

{keywords}
Giấy phép lái xe có nhất thiết phải tuân thủ Công ước Viên?

Đơn cử như hạng A1, lúc đó sẽ có 2 loại GPLX hạng A1 là loại cũ (không có thời hạn) và loại A1 mới nhưng giá trị sử dụng lại khác hẳn nhau. Điều này sẽ gây ra lẫn lộn, khó quản lý về sau.

Cũng gửi câu hỏi về báo VietNamNet, độc giả Quang Vinh tỏ ra băn khoăn khi việc cấp, đổi GPLX sẽ tốn kém, mất thời gian và phiền hà cho người dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lương Duyên Thống cho rằng: “Công tác quản lý và kiểm soát giấy lái xe sẽ không gặp khó khăn do giấy phép lái xe được cấp tại thời điểm nào thì tên gọi của phân hạng sẽ tương ứng tại thời điểm đó”.

Trường hợp đổi khi hết hạn hoặc cấp lại khi bị mất, GPLX ô tô các hạng được đổi sang GPLX theo hạng mới.

Cụ thể: Hạng B1 số tự động được đổi sang hạng B2; hạng B1, B2 số sàn được đổi sang hạng B; hạng C được đổi sang hạng C; hạng D được đổi sang hạng D2; hạng E được đổi sang hạng D; hạng FB2 được đổi sang hạng BE; hạng FC được đổi sang hạng CE; hạng FD được đổi sang hạng D2E; hạng FE được đổi sang hạng DE.

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc cấp đổi sang phân hạng GPLX mới không hề mất thời gian hay khó khăn gì do việc quản lý GPLX hiện nay được thực hiện dựa trên cơ sở dữ liệu, quản lý theo số GPLX tương ứng với thông tin của người dân.

Có nhất thiết phải tuân theo Công ước quốc tế một cách máy móc?

Chia sẻ ý kiến tới báo VietNamNet, độc giả Hữu Văn cho rằng: “Đang yên đang lành lại phân ra thành 17 hạng theo tiêu chuẩn quốc tế, lợi chưa thấy đâu nhưng sự xáo trộn là có thể nhìn thấy”.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng bày tỏ: “Trước nay GPLX có 12 hạng đã rất hợp lý, không cần phải chia nhỏ thành 17 hạng”.

Ông Thanh cho rằng, cơ quan soạn thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi phải đưa ra lời giải thích thỏa đáng và thuyết phục để người dân hiểu, từ đó có sự đồng thuận, chấp nhận, nếu thực hiện luật theo kiểu cưỡng bức thì sẽ sinh ra nhiều phiền hà và tiêu cực.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay, việc gia nhập điều ước quốc tế đồng nghĩa với Việt Nam phải tham gia đầy đủ các quy định (mà bắt buộc phải tuân theo) tại thời điểm ký kết.

Việc thực hiện đúng theo việc phân hạng GPLX nói riêng và các điều khoản khác nói chung theo Công ước Viên là bắt buộc. Nếu không, phải thực hiện thủ tục rút khỏi điều ước theo quy định tại Luật Điều ước Quốc tế.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VietNamNet, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sự TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không nhất thiết phải áp luật Quốc tế vào luật pháp từng quốc gia một cách máy móc.

Ông Bình nhận định, Luật Giao thông đường bộ ra đời từ năm 2008 nhưng thời điểm Việt Nam tham gia Công ước Viên lại vào năm 2013, do đó, có những điều khoản mà pháp luật nước ta chưa kịp chỉnh sửa cho phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Tuy nhiên, khi nghiên cứu và xây dựng luật chúng ta cũng cần có những quy định sao cho phù hợp với thực tế của Việt Nam và cũng phù hợp với quốc tế chứ không nhất thiết phải theo họ hoàn toàn một cách máy móc”, Luật sư Diệp Năng Bình nói.

Vị Luật sư này giải thích thêm, trong Công ước Viên có nhắc tới thuật ngữ “Pháp luật nội địa” của quốc gia ký kết, được hiểu là toàn bộ hệ thống pháp luật từ trung ương đến địa phương áp dụng trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia đó.

“Một số điều do đặc thù riêng của từng quốc gia có thể không cần áp dụng đúng theo Công ước mà chỉ cần báo cáo lại lý do”, ông Bình khẳng định.

Công ước về Báo hiệu và Tín hiệu giao thông đường bộ, thường được gọi là Công ước Viên về giao thông đường bộ, là một hiệp ước quốc tế được thiết kế để tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ quốc tế và tăng an toàn giao thông bằng cách thiết lập các quy tắc giao thông tiêu chuẩn giữa các bên tham gia công ước.

Công ước đã được thống nhất tại hội nghị của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên Hiệp Quốc về Giao thông đường bộ (7 tháng 10 - 8 tháng 11 năm 1968) và được ký kết tại Viên vào ngày 8 tháng 11 năm 1968. Có hiệu lực vào ngày 21 tháng 5 năm 1977. Việt Nam đã tham gia Công ước từ ngày 31/12/2013.

{keywords}
Bảng chuyển đổi các hạng GPLX theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ 

Hoàng Hiệp

Bạn nghĩ gì về vấn đề chuyển đổi giấy phép lái xe? Mời bạn đọc gửi ý kiến ở phần bình luận dưới bài viết này. Các tin bài và video từ cam hành trình xin được gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Tin bài, video phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!

 

Chuyển đổi nhiều giấy phép lái xe, tài xế mừng hay lo?

Chuyển đổi nhiều giấy phép lái xe, tài xế mừng hay lo?

Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), giấy phép lái xe sẽ được chia nhỏ thành 17 loại thay vì 12 loại như hiện hành. Điều này liệu có tạo nên sự bất cập cho những người đang sở hữu giấy phép lái xe hiện nay?