Việc cấp biển số ngẫu nhiên (bấm nút qua hệ thống máy tính) nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng, song trên thực tế rất nhiều chiếc xe sang vẫn “ngẫu nhiên” khoác biển đẹp, khiến người dân không khỏi băn khoăn về sự minh bạch trong việc cấp biển.

Theo tìm hiểu của PV, kể từ năm 2012, Bộ Công an triển khai thực hiện việc cấp, đăng ký biển số xe ô tô trên hệ thống máy tính. Việc cấp biển số xe được thực hiện theo hình thức bấm số ngẫu nhiên (hệ thống cơ sở dữ liệu đăng ký xe là tuyệt mật, qua nhiều lớp mật khẩu bảo vệ, được quản lý chặt chẽ) để bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng. Về lý thuyết, khó ai có thể can thiệp để “gắp” từ máy tính ra những tấm biển số theo ý muốn.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều xe sang vẫn được gắn biển đẹp, điển hình như Mayback BKS 30A: …88.89; Mayback BKS: 30A: …88.88; Rang Rover BKS: 30A…7999; Lexus 570 BKS: 80A: …6688; Porsche Cayene BKS: 35A: …8686, Mercedes 30E:…68.88… Điều này khiến người ta không khỏi hồ nghi về sự minh bạch trong cấp biển số ô tô.

Để kiểm chứng thông tin, PV nhập vai đến một nơi cấp biển số trên địa bàn thành phố Hà Nội đặt vấn đề “xin” biển đẹp. Một cán bộ ở đây cho biết, các dãy số đẹp do Bộ công an quản lý, đơn vị cấp phòng không thể can thiệp…

{keywords}

{keywords}

{keywords}

Rất nhiều xe sang được gắn biển đẹp.


Bộ Công an sẽ kiểm tra cấp biển đẹp, vượt số

Đề cập đến việc cấp biển số đẹp, một lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, trước đây đơn vị có thể giúp để “xin” những tấm biển cấp vượt số (nghĩa là những biển số thuộc dãy số thực tế chưa được cấp), tuy nhiên mới đây Bộ Công an đã có văn bản cấm xin, cấp biển vượt số theo nhu cầu của người sử dụng.

Về việc này, lãnh đạo Phòng CSGT tỉnh Phú Thọ cũng xác nhận, kể từ ngày 23/5/2016, lãnh đạo Bộ Công an đã có văn bản gửi các phòng CSGT các tỉnh/thành về việc chấm dứt cán bộ can thiệp vào hệ thống biển số ngẫu nhiên qua hệ thống máy vi tính. Hệ thống biển số giao cho Cục trưởng Cục CSGT - Bộ Công an quản lý.

Trao đổi qua điện thoại với PV , Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, việc cấp biển số đẹp (vượt số), Bộ đã cấm từ lâu. Khi PV phản ánh có dấu hiệu cho thấy một số trường hợp cấp biển số đẹp, số vượt cấp vẫn diễn ra gần đây (trong năm 2015 và 2016), Thượng tướng Tô Lâm yêu cầu PV báo cho lãnh đạo Bộ những biển số đẹp nghi vấn cấp vượt số để cho kiểm tra, xử lý.

Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Cty luật TNHH Trường Lộc cho biết: Theo Điều 5, Thông tư số 15/2014 ngày 4/4/2014 của Bộ Công an, cơ quan và cán bộ làm nhiệm vụ đăng ký xe phải thực hiện đúng quy định của Thông tư 15 và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến công tác đăng ký xe; Nghiêm cấm quy định thêm các thủ tục đăng ký xe trái quy định tại Thông tư 15. Do đó, việc cấp biển số xe sai quy định (cấp biển đẹp) thì cán bộ trực tiếp làm thủ tục cấp biển số xe và tiếp theo là cơ quan làm thủ tục cấp biển số phải chịu trách nhiệm.

Từng xử lý cán bộ “bất minh” trong cấp biển số

Năm 2010, trước thông tin tố cáo một số cảnh sát thông đồng cấp biển ô tô mang dãy số đẹp, Bộ Công an đã vào cuộc xác minh. Kết quả, từ tháng 1/2008, quy trình chọn biển số ngẫu nhiên theo hệ thống phần mềm bảo mật cấp phát biển số tự động bắt đầu được áp dụng trên cả nước, trong đó ông Nguyễn Hoài Nam (Đội trưởng Đội 2/P1 - C67), cán bộ duy nhất được giao quản lý mật mã chương trình.

Nhật ký trên máy bấm số của 4 cơ sở đăng ký ô tô của Công an Hà Nội cho thấy, nhiều lần ông Nam và cán bộ Đội quản lý xe đã đăng nhập vào hệ thống cấp biển ngoài giờ hành chính. Riêng ông Nam đăng nhập gần 80 lần. Bộ Công an xác định, việc truy cập ngoài giờ của ông Nam và những người liên quan đã “vi phạm quy trình công tác và có biểu hiện bất minh”. Sau đó, ông Nam bị giáng cấp từ thiếu tá xuống đại úy.

Kết luận của Bộ Công an chỉ rõ, việc C67 giao độc quyền quản trị, quản lý mật mã cho duy nhất ông Nam là thiếu minh bạch, tạo kẽ hở để cán bộ chiến sỹ lợi dụng đặc quyền vì mục đích cá nhân. Ngoài ra, qua xác minh, cổ đông chính của Cty cung cấp phần mềm Softend lại là bố ông Nam.

(Theo Tiền Phong)