Liên quan đến những lùm xùm trong việc bán đấu giá dự án Khu dân cư Hoà Lân (Quốc lộ 13, phường Thuận Giao, TX Thuận An, tỉnh Bình Dương), bà Đặng Thị Kim Oanh – TGĐ Công ty CP Đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM (Công ty Kim Oanh) vừa gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng, đề nghị tạo điều kiện để công ty được tiếp tục thực hiện dự án. 

TGĐ Công ty Kim Oanh cho hay, sau khi trúng đấu giá và thanh toán hơn 1.500 tỷ đồng nhưng gần 3 năm qua công ty không thể triển khai dự án Khu dân cư (KDC) Hoà Lân. Dự án này bị “đóng băng” bởi một vụ kiện tại TAND quận 7, TP.HCM. Theo bà Kim Oanh, việc giải quyết vụ án có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tục, gây thiệt hại cho doanh nghiệp. 

{keywords}
Vụ bán đấu giá quyền sử dụng đất tại dự án KDC Hoà Lân đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Theo hồ sơ vụ việc, năm 2010 Công ty TNHH sản xuất thương mại Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn) với tổng số tiền và vàng quy đổi là hơn 1.100 tỷ đồng, tài sản thế chấp là dự án KDC Hoà Lân. Do không có khả năng trả nợ nên tháng 4/2015 Công ty Thiên Phú giao tài sản thế chấp cho Agribank để xử lý nợ. 

Đến tháng 6/2015, Agribank Chợ Lớn ký hợp đồng với Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn, trụ sở tại quận 7, TP.HCM, để bán đấu giá toàn bộ quyền sử dụng đất dự án KDC Hoà Lân, giá khởi điểm là 1.467,7 tỷ đồng. Sau 12 phiên đấu giá, Công ty TNHH A Đông Hải (nay là Công ty Kim Oanh) trúng đấu giá dự án này.

Tuy nhiên, khi công ty đăng ký làm chủ đầu tư dự án với chính quyền địa phương thì bị từ chối vì nhiều lý do. Một trong số đó là quy hoạch của khu đất dự án là 55,6 ha nhưng phần trúng đấu giá chỉ 49 ha nên không đủ điều kiện đăng ký làm chủ đầu tư. Sau khi trúng đấu giá, theo bà Kim Oanh, Công ty Kim Oanh đã thanh toán tiền đấu giá cũng như bỏ thêm các chi phí khác như bồi thường cho các hộ dân nằm trong ranh dự án, di dời các hộ dân lấn chiếm đất dự án và thanh toán nợ thuế do chủ đầu tư cũ để lại. 

Địa phương còn yêu cầu Công ty Kim Oanh phải đền bù hết diện tích đất “da beo” và đất giao thông công cộng còn lại để đủ 55,6 ha mới cho phép đăng ký chủ đầu tư dự án. TGĐ Công ty Kim Oanh cho rằng, đúng ra địa phương phải cho chủ trương đầu tư dự án thì doanh nghiệp mới có cơ sở để tiến hành đền bù giải phòng mặt bằng. 

Việc chuyển đổi chủ đầu tư dự án KDC Hoà Lân chưa hoàn tất thì bất ngờ bên thế chấp dự án cho Agribank Chợ Lớn trước đây là Công ty Thiên Phú đã khởi kiện Công ty CP Dịch vụ đấu giá Nam Sài Gòn. 

Theo đó, Công ty Thiên Phú yêu cầu TAND quận 7, TP.HCM tuyên hợp đồng mua bán tài sản đấu giá là dự án KDC Hoà Lân vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, huỷ kết quả đấu giá. TAND quận 7 đã có thông báo thụ lý vụ án vào ngày 27/2/2019. Trong vụ kiện này, Agribank Chợ Lớn và Công ty Kim Oanh là bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. 

Theo TGĐ Công ty Kim Oanh, dự án KDC Hoà Lân bị bỏ hoang hơn chục năm và công ty là đơn vị có kinh nghiệm về kinh doanh BĐS nên đã tham gia chủ trương thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, mua đấu giá tài sản là dự án KDC Hoà Lân. Mặc dù chỉ là bên liên quan trong vụ kiện của Công ty Thiên Phú nhưng sự việc kéo dài khiến cho dự án không thể triển khai, gây thiệt hại cho công ty. 

"Công ty Kim Oanh đã quá sức, cạn kiệt nguồn lực, không thể thực hiện được dự án trong khi số tiền doanh nghiệp bỏ ra quá lớn. Công ty  phải tự lực, phải gồng gánh làm tất cả những gì có thể để vượt qua khó khăn, duy trì các nhà đầu tư, gánh chịu các chi phí thiệt hại nghiêm trọng đối với dự án Hòa Lân tại tỉnh Bình Dương sau khi tham gia mua đấu giá để xử lý nợ xấu cho Ngân hàng nhưng dự án lại bị đóng băng bởi 1 vụ kiện do Tòa án Quận 7 TPHCM thụ lý...", đơn kêu cứu cho biết.

Trong đơn, Công ty Kim Oanh còn đề nghị TAND Tối cao xem xét rút hồ sơ vụ án liên quan đến dự án Hòa Lân nói trên lên để nghiên cứu, xem xét toàn diện.

Luật sư Trần Mai Hạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho hay, theo Khoản 1 Điều 15 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định, toà án phải xét xử kịp thời trong thời hạn do bộ luật này quy định, đảm bảo công bằng. 

Về thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án, theo luật sư Hạnh, đối với những tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh và thương mại được quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 203 Luật Tố tụng dân sự. Cụ thể, thời hạn chuẩn bị xét xử với các vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại là 2 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. 

Đối với vụ án có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì Chánh án Toà án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 1 tháng đối với vụ án thuộc trường hợp tranh chấp kinh doanh, thương mại. 

Như vậy, để đảm bảo tính công bằng và tránh gây thiệt hại thêm cho các bên trong vụ kiện này, luật sư Hạnh cho rằng TAND quận 7 cần sớm đưa vụ án ra xét xử.

Cựu tổng giám đốc bị bắt vì chỉ định 5 gói thầu sai cho con trai

Cựu tổng giám đốc bị bắt vì chỉ định 5 gói thầu sai cho con trai

Trong thời gian đương chức, ông Nguyễn Tuấn Anh đã chỉ định thầu 5 gói thầu lớn cho công ty của con ruột.

Mai Anh