- Công an TP.HCM cho hay vẫn đang điều tra vụ bốc hơi hơn 11,3 tỷ đồng của 1 doanh nghiệp xảy ra tại ngân hàng VPBank chi nhánh Tân Phú (đường Nguyễn Sơn, P.Phú Thạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM). 

Bốc hơi hơn 11 tỷ đồng gửi ngân hàng

Nạn nhân tố cáo trong vụ việc là bà Trần Thị Thanh Xuân – Giám đốc, đại diện theo pháp luật của công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Quang Huân (trụ sở đường Nguyễn Văn Lắng, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). 

{keywords}

Bà Trần Thị Thanh Xuân – Giám đốc công ty Quang Huân bức xúc vì 11,3 tỷ đồng bốc hơi khó hiểu trong tài khoản 

Bà Xuân đã tố cáo kế toán của công ty mình, là ông Phạm Văn Trinh cùng một số nhân viên ngân hàng VPBank chi nhánh Tân Phú như: Nguyễn Chí Thiện, Đoàn Thị Thúy Hằng, Đàn Quang Huy…đã có hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt, gây thiệt hại cho công ty số tiền khoảng 11,3 tỷ đồng.

Bà Xuân cho biết, công ty bà chuyên hoạt động mua bán nông sản. Ngày 28/3/2015 bà có liên hệ và được nhân viên của VPBank chi nhánh Tân Phú đến văn phòng công ty mở tài khoản ngân hàng. Đáng nói, khi nhân viên mở tài khoản, có đưa hợp đồng cho bà ký rồi giữ lại, nói sẽ…đưa sếp ký, gửi lại sau cho bà 1 bản. Quá trình sau đó bà Xuân có nhiều lần hỏi về hợp đồng nhưng nhân viên ngân hàng…không giao.

Từ đó, bà Xuân sử dụng tại khoản của ngân hàng VPBank để tiến hành các giao dịch làm ăn. Theo bà, lúc cao điểm trong tài khoản của bà có hàng chục tỷ đồng. Bà Xuân cho biết, khi mở tài khoản, bà có đăng ký giao dịch tài khoản báo qua tin nhắn điện thoại; hàng tháng bà vẫn bị trừ tiền phí dịch vụ; tuy nhiên điện thoại lại không nhận được tin nhắn.

Khoảng tháng 7/2015, thấy nhiều điều không rõ ràng, bà Xuân giao cho kế toán công ty, là ông Phạm Văn Trinh đến ngân hàng VPBank chi nhánh Tân Phú kiểm tra số dư tài khoản, nhưng ông Trinh viện nhiều lý do không thực hiện công việc được giao.

Đến giữa tháng 9/2015, bà Xuân trực tiếp đến ngân hàng kiểm tra thì té ngửa khi biết tài khoản chỉ còn 300 ngàn đồng, số tiền hơn 11,3 tỷ đồng của bà đã “bốc hơi” từ lúc nào.

Bà Xuân xác nhận, ban đầu bà có yêu cầu ông Nguyễn Chí Thiện, giám đốc ngân hàng VPBank chi nhánh Tân Phú đem toàn bộ hồ sơ gốc của bà để đối chứng với các chứng từ rút tiền nhưng ông này trả lời là không tìm thấy?. Theo nữ doanh nhân, bà tình nghi kế toán công ty, là ông Trinh cấu kết cùng nhân viên ngân hàng VPBank chi nhánh Tân Phú để chiếm đoạt 11,3 tỷ đồng của bà. Từ đó bà gửi đơn đến phòng PC46, Công an TP.HCM tố cáo những người này.

Nhân viên ngân hàng đạo diễn?

Hồ sơ vụ việc thể hiện, ngay giai đoạn cuối tháng 3/2013, bà Đoàn Thị Thúy Hằng - nhân viên ngân hàng VPBank có bán 2 cuốn séc cho công ty Quang Huân. Trước sau, bà Xuân vẫn khẳng định, bà không biết 2 cuốn séc này, công ty Quang Quân và bản thân bà không có chủ trương mua séc. Tuy nhiên việc ký séc, chi séc vẫn diễn ra liên tục và tiền chuyển đi khỏi tài khoản của bà nhưng bà không hề hay biết.

Bà Xuân tìm hiểu thông tin từ ngân hàng VPBank biết được, người ký nhận mua 2 cuốn séc của công ty Quang Huân là nhân viên ngân hàng Đoàn Thị Thúy Hằng. Những người rút séc được xác định là các ông: Phạm Văn Trinh (kế toán công ty Quang Huân), Nguyễn Huy Nhựt (chồng bà Hằng) và Đỗ Đình Bảo. Phần lớn việc chi séc thực hiện giao dịch rút tiền mặt, phần còn lại được chuyển vào tài khoản của công ty Thanh Tâm do vợ của ông Trinh làm đại diện pháp luật.

Bà Xuân nói, sau khi phát hiện mất tiền bà đã liên tục khiếu nại nhưng phía ngân hàng VPBank không thể hiện trách nhiệm của mình, khi cho rằng nhân viên Hằng đã nghỉ việc tại ngân hàng?

Nhận định rằng, nhân viên ngân hàng và kế toán công ty đã "đạo diễn" màn lừa đảo, chiếm đoạt hơn 11,3 tỷ đồng nhưng phía ngân hàng VPBank không chịu trách nhiệm, buộc bà Xuân phải gửi đơn tố cáo đến phòng PC46. 

Tuy nhiên đến nay bà Xuân vẫn đang "ngồi trên lửa" khi mà gần 1 năm qua, chưa nhận được sự phản hồi từ cơ quan Công an.

Liên quan đến vụ việc này, chiều 24/8 ngân hàng VPBank đã có thông cáo phát đi do Phó tổng giám đốc Nguyễn Thành Long ký.

Văn bản nói “VPBank khẳng định đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan Công an để làm sáng tỏ vụ việc…. VPBank cam kết luôn bảo đảm đến cùng quyền lợi của khách hàng theo đúng qui định pháp luật”.

Nội dung của VPBank có đề cập đến thông tin đã phối hợp, cung cấp hồ sơ theo yêu cầu của CA.TPHCM vào các ngày 25/7 và 1/8 vừa qua.

VPBank khẳng định trong công văn: đã kiểm tra và thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của chủ tài khoản công ty Quang Huân trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu chữ ký trên các chứng từ thanh toán, chuyển tiền…khớp đúng với mẫu dấu, mẫu chữ ký của chủ tài khoản công ty Quang Huân đăng ký tại ngân hàng. Phía VPBank nhận thấy đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự, cần cơ quan điều tra vào cuộc xác minh, làm rõ. Khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền, VPBank sẽ thông tin đầy đủ vụ việc…

Ngân hàng phải chịu trách nhiệm:

Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (đoàn luật sư TP.HCM): Khoản 2, Điều 12 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi theo Quyết định số 1284/2002/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì trách nhiệm của Ngân hàng là: “…Kiểm soát các lệnh thanh toán của khách hàng, đảm bảo lập đúng thủ tục quy định, hợp pháp, hợp lệ và khớp đúng với các yếu tố đã đăng ký….”. 

Nếu đúng như báo nêu, có việc ký séc, chi séc diễn ra nhiều lần mà bà Xuân – giám đốc công ty Quang Huân không biết, chưa hề mua séc, chữ ký trên séc không phải của bà thì trách nhiệm thuộc về Ngân hàng. Mặt khác, bà Xuân đăng ký dịch vụ thông báo giao dịch Mobile banking qua số điện thoại cá nhân, ngân hàng đã thu phí dịch vụ nhưng khi có giao dịch số điện thoại bà không nhận được thông báo thì lỗi cũng thuộc về ngân hàng.

Vì vậy, theo quy định tại khoản 8 Điều 12 Quy chế mở và sử dụng tài khoản tiền gửi thì ngân hàng chịu trách nhiệm về những thiệt hại, vi phạm, lợi dụng trên tài khoản của khách hàng do lỗi của mình. Trong trường hợp này công ty Quang Huân với tư cách chủ tài khoản có quyền khởi kiện ra tòa, yêu cầu ngân hàng VPBank bồi thường thiệt hại cho mình. Còn vụ việc hình sự liên quan đến những người khác, Công an sẽ điều tra làm rõ, xử lý theo pháp luật.

Đàm Đệ