- Có một lực lượng đã và đang trấn áp tội phạm không kém phần xuất sắc, đó là đội hình sự đặc nhiệm thuộc phòng cảnh sát hình sự, CA TP.HCM.

Lính đặc nhiệm thầm lặng

Ngày 2/4/2008, đánh dấu ngày ra đời của đội hình sự đặc nhiệm thuộc phòng cảnh sát hình sự, CA TP.HCM. Bấy giờ đại tá Mai Văn Tấn giữ vai trò là trưởng phòng cảnh sát hình sự; còn thượng tá Phạm Văn Phòng (sau này chuyển lên công tác tại Bộ Công an) được giao nhiệm vụ làm đội trưởng.

{keywords}

Đạt “trắng”, tức Đặng Quốc Đạt - đại ca giang hồ sa lưới hình sự đặc nhiệm khi lực lượng này vừa mới thành lập

Thực tế trong nhiều năm qua, lực lượng hình sự đặc nhiệm đã có được những thành tích “đáng nể” trong việc trấn áp tội phạm đường phố Sài Gòn. Hiện ngoài đội hình sự đặc nhiệm (đội 3) thuộc phòng cảnh sát hình sự, ở các quận, huyện đang có các tổ hình sự đặc nhiệm, ngày đêm chia ca trực, túc trực ngoài đường, sẵn sàng xả thân bảo vệ sự bình yên của người dân.

Ngay khi thành lập, hình sự đặc nhiệm nhận nhiệm vụ khám phá 1 vụ án nghiêm trọng là băng nhóm của đại ca giang hồ Đạt “trắng”, tức Đặng Quốc Đạt (SN 1983, quê Kon Tum). Đây là băng nhóm hung hãn, chuyên nghề cướp giật, bảo kê, đâm thuê chém mướn…

Ngay trong ngày ra mắt hình sự đặc nhiệm, đêm hôm đó, băng nhóm Đạt “trắng” gây ra vụ cướp, chém… gây thương tích nặng cho 2 người truy đuổi.

Lúc đó, hình sự đặc nhiệm hóa nhiều vai khác nhau, âm thầm đeo bám ngày đêm. Chỉ sau 1 tuần, trinh sát hình sự đặc nhiệm đã lần lượt “cất lưới” bắt Đạt “trắng” ngay tại hang ổ, xóa sổ toàn bộ băng giang hồ nguy hiểm, làm nức lòng người dân.

Sau này, còn nhiều chiến công lớn đầy thầm lặng của lực lượng hình sự đặc nhiệm. Điển hình ít tháng sau khi thành lập, hình sự đặc nhiệm đã xóa sổ toàn bộ băng nhóm cực kỳ nguy hiểm, dùng súng cướp tiệm vàng Anh Sang ở huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Hay như chiến công triệt phá hoàn toàn băng nhóm người Indonesia, chuyên nghề rải đinh, tấn công ô tô vận chuyển tiền giao dịch ở các ngân hàng rồi lợi dụng tình hình hỗn loạn để trộm túi tiền.

{keywords}

Hình sự đặc nhiệm trấn áp tội phạm trên đường phố Sài Gòn

Nhờ sự kiên trì và kế hoạch giăng lưới hoàn hảo, trinh sát hình sự đã tóm gọn toàn bộ băng nhóm tội phạm ngoại nói trên.

Một chiến công khác là giai đoạn cuối tháng 9/2010, chuyên án 809D triệt phá nhiều băng nhóm chuyên nghề… đua xe ăn tiền. Được biết, hình sự đặc nhiệm phải đeo bám tốc độ, vất vả ngày đêm theo chân những quái xế chuyển xế độ từ Sài Gòn xuống đua ở đường 3/2, TP Vũng Tàu, chặn bắt khi chúng vừa trên đường về, sau 1 cuộc đua. Từ đó hàng loạt các điểm độ xe ở Sài Gòn bị xóa sổ, giới đua xe một thời rúng động.

Nỗi niềm của những "người hùng"

Đại tá Mai Văn Tấn, nguyên trưởng phòng cảnh sát hình sự, là người nắm khá sát hoạt động của 2 mô hình trấn áp tội phạm ở Sài Gòn. Từ một thành viên rồi đội trưởng của đội SBC, sau này quản lý đội hình sự đặc nhiệm, vị đại tá này có khá nhiều tâm tư khi cho rằng “Hai mô hình này thực chất hoạt động như nhau”.

“Thực tế, về tổ chức lực lượng SBC và hình sự đặc nhiệm khá tương đồng nhau, chỉ khác nhau phiên hiệu, tên gọi mà thôi” - đại tá Tấn khẳng định.

Ông phân tích thêm, ngày trước thế hệ SBC có được một số quyền trong khi trấn áp, truy đuổi tội phạm; còn nay hệ thống pháp luật đã rõ ràng, quyền hạn được thu hẹp lại.

Ông ví dụ hiện nay trinh sát hình sự đặc nhiệm, khi truy đuổi tội phạm buộc phải vào đường cấm, đường ngược chiều, khi xảy ra chuyện gì đó thì bản thân trinh sát hình sự đặc nhiệm đó rất phiền phức.

Thành viên của SBC huyền thoại nói: “Khi thành lập lực lượng hình sự đặc nhiệm, chúng tôi cũng cân đo đong đếm lắm và quyết định không áp dụng các đặc quyền như lực lượng SBC ngày xưa”.

Một lãnh đạo phòng tham mưu, công an TP.HCM khi trao đổi với chúng tôi, cho rằng “SBC ngày xưa và hình sự đặc nhiệm ngày nay thực chất chỉ là một mô hình, chỉ khác nhau tên gọi. Ngoài ra, đặc thù tội phạm ngày nay có khác, các chiến sĩ hình sự đặc nhiệm hoạt động trầm lắng hơn; nhưng thành tích trong công tác phòng chống tội phạm thì luôn có…”.

Một đội phó đội cảnh sát hình sự cấp quận, phụ trách trinh sát hình sự đặc nhiệm chia sẻ: hiện tại để hình sự đặc nhiệm phát huy hết hiệu quả, thì ngoài việc trang bị đầy đủ, bổ sung một số đặc quyền khi trấn áp tội phạm thì quan trọng vẫn là “mở” hơn về phụ cấp, có chế độ đãi ngộ tương xứng. Có như thế anh em ổn định tinh thần, yên tâm làm việc, sẵn sàng xả thân…”.

Đàm Đệ

Bài 3: Lực lượng SBC tái lập sẽ hoạt động thế nào?