- Chiều 12/1, hai ông Hoàng Văn Toàn và ông Trần Sơn Nam (nguyên chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Ngân hàng Đại Tín) - 2 bị can mới bị bắt vào đêm 10/1 vừa qua, đã có mặt tại phiên phúc thẩm "đại án" gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).

Theo thông tin ban đầu, ông Toàn và ông Nam bị bắt vì bị cho là đã cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng cho Ngân hàng Đại Tín.

{keywords}
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm  

Hơn 16h chiều nay, cả hai ông được Bộ Công an dẫn giải ra tòa với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, nhân chứng trong đại án VNCB. Hai người này cùng luật sư đã trình bày nội dung kháng cáo. Họ không đồng ý với quyết định khởi tố tại tòa của HĐXX cấp sơ thẩm.

Ông Hoàng Văn Toàn (SN 1953, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín) cho rằng ông đươc̣ mời đến tòa với tư cách là người làm chứng và cũng là người có quyền lợi liên quan trong vụ án.

Tòa sơ thẩm ra quyết định khởi tố vụ án tại tòa nhưng chưa khởi tố bị can. Ông không phải là bị can, bị cáo trong vụ án cấp sơ thẩm khởi tố nhưng nghi ngờ quyền lợi mình bị xâm phạm nên kháng cáo. Ông Toàn nói không bào chữa mà chỉ trình bày.

"Tôi kháng cáo nội dung khởi tố của tòa sơ thẩm. Tòa sơ thẩm cho rằng chúng tôi vi phạm quy định 852 nhưng đây là quy định hướng dẫn nội bộ của Trustbank chứ không phải văn bả̉n pháp quy", ông Toàn nói. Cựu chủ tịch HĐQT Trustbank cũng trình bày một số ý kiến xung quanh chứng thư thẩm định DATC (có gía trị cao hơn nhiều) và cho rằng không có quy định cấm căn cứ vào chứng thư thẩm định này.

Từ đó, ông Toàn đề nghị cấp phúc thẩm hủy quyết định khởi tố. Đồng quan điểm với ông Hoàng Văn Toàn, ông Trần Sơn Nam cũng đề nghị tòa hủy quyết định khởi tố.

Trước đề nghị trên, HĐXX giải thích tòa phúc thẩm chỉ xem xét thẩm quyền khởi tố vụ án của HĐXX cấp sơ thẩm. Trong trường hợp này thẩm quyền của tòa sơ thẩm có đúng hay không. Đây chỉ mới là quyết định khởi tố vụ án khi cấp sơ thẩm nhận thấy có dấu hiệu phạm tội, chưa xác định ông Toàn, ông Nam…có hành vi phạm tội nên tòa phúc thẩm cũng không xem xét đến nội dung hành vi vi phạm được.

{keywords}
Xe biển xanh chở 2 ông Toàn và Nam tới phiên xử

Theo diễn vụ án, ông Hoàng Văn Toàn là chủ tịch HĐQT Trustbank. Tháng 6/2012, bà Hứa Thị Phấn đại diện nhóm cổ đông Phú Mỹ nắm giữ hơn 84% cổ phần Trustbank ký biên bản chuyển nhượng ngân hàng cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do Phạm Công Danh làm đại diện).

Trong thời gian tái cơ cấu và điều hành Trustbank (sau này là VNCB), Phạm Công Danh và đồng phạm đã thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng. Trong đó hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại 7.000 tỷ đồng, hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng gây thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

Hai khoản vay mà ông Hoàng Văn Toàn và ông Trần Sơn Nam bị cấp sơ thẩm cho rằng có dấu hiệu vi phạm là của công ty Thịnh Quốc và Công ty Đại Hoàng Phương (do bị cáo Danh thành lập, thuê người đứng tên).

Với 2 khoản vay này, ông Toàn và ông Nam đã tham gia phê duyệt cấp tín dụng tổng cộng 650 tỉ đồng bằng việc thế chấp tài sản là các lô đất tại Đà Nẵng. Quá trình điều tra, xét xử sơ thẩm cho thấy việc cho vay trên không đúng, gây thiệt hại cho ngân hàng 470 tỉ đồng.

Tòa sơ thẩm xác định hành vi duyệt cho vay các khoản tiền trên của ông Toàn là vi phạm quy định về cho vay. Trong phần tuyên án vụ Phạm Công Danh và đồng phạm, TAND TP.HCM nhận định một số sai phạm của các cán bộ lãnh đạo Trustbank và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự liên quan vi phạm của nhóm HĐTD cũ.

Sau đó, ông Hoàng Văn Toàn, ông Nguyễn Sơn Nam những người liên quan đã có đơn kháng cáo.

M.Phượng