- Một bản án dân sự tranh chấp đất đai có hiệu lực 5 năm nay nhưng với nhiều lý do khác nhau, cơ quan thi hành án cấp huyện không chịu thi hành gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Cố tình trì hoãn

Năm 2009, công ty TNHH MTV cao su Hương Khê (Hà Tĩnh) thực hiện san ủi để trồng rừng trên diện tích 7ha thuộc lô 17, khoảng 6, tiểu khu 200, xã Hương Giang, huyện Hương Khê (đã được UBND tỉnh cấp).

{keywords}
Văn bản Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội bác đơn ông Chí, khẳng định không có căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vụ án

Lúc này xảy ra tranh chấp với hộ gia đình ông Lê Hữu Chí (xóm 6, xã Hương Giang) khi ông Chí tổ chức một số người đến chiếm diện tích rừng này, đào hố trồng keo.

Công ty đã phối hợp chính quyền các cấp đứng ra hòa giải nhưng bất thành. Đến ngày 2/8/2010 công ty cao su Hương Khê có đơn khởi kiện hộ ông Chí.

Ngày 27/5/2011, TAND huyện Hương Khê tuyên buộc ông Lê Hữu Chí di dời toàn bộ số cây keo, trả lại mặt bằng cho công ty. Công ty cao su tự nguyện hỗ trợ cho ông Chí số tiền 25 triệu đồng di dời cây.

Sau bản án sơ thẩm, ông Lê Hữu Chí đệ đơn kháng cáo. Ngày 28/8/2011, tại phiên phúc thẩm, TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm buộc ông Chí phải trả lại mặt bằng diện tích 7ha cho công ty cao su Hương Khê.

Ông Chí tiếp tục gửi đơn kháng án lên TAND Tối cao. Đến ngày 2/6/2014, TAND Tối cao đã có thông báo giải quyết đơn đề nghị của ông Chí.

Thông báo khẳng định: Không có cơ sở xác định ông Chí đã được giao phần đất 7ha từ năm 1992, mà đất này thuộc quyền sở hữu của công ty cao su Hương Khê nên việc ông lấn chiếm đất và trồng cây trên đất của công ty cao su Hương Khê là không đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã buộc ông bà phải di dời cây keo để trả lại đất cho công ty Hương Khê, ghi nhận việc công ty tự nguyện hỗ trợ cho ông Chí 25 triệu đồng chi phí di dời cây là phù hợp.

Mới đây nhất, Viện kiểm sát cấp cao tại Hà Nội cũng đã có văn bản bác đơn của ông Lê Hữu Chí đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án.

Mặc dù đã có ý kiến đầy đủ từ các cơ quan ở địa phương và trung ương, khẳng định bản án đúng và yêu cầu thi hành án, nhưng Chi cục thi hành án dân sự Hương Khê vẫn không chịu thi hành án vì cho rằng còn nhiều điểm chưa rõ.

Đại diện văn phòng luật sư An Phát tại Hà Tĩnh cho biết, bản án đã hết thời hạn đề nghị giám đốc thẩm, các cơ quan tối cao đã có ý kiến bác đơn của ông Chí, vậy nên việc chậm trễ thi hành án có dấu hiệu vi phạm pháp luật

Kêu trời không thấu

Rõ ràng bản án đã được định đoạt nhưng viện ra các lý do khác nhau, Chi cục Thi hành án, UBND huyện Hương Khê trong suốt 5 năm không chịu thi hành án khiến doanh nghiệp điêu đứng, gõ cửa khắp nơi nhưng pháp luật vẫn không được thực thi.

{keywords}
Hộ ông Chí vẫn tiếp tục canh tác trên 7ha đất rừng đã được toà 3 cấp phán quyết

“Bản án đã được tòa các cấp phán quyết suốt 5 năm nay nhưng Chi cục Thi hành án Hương Khê viện đủ lý do để không thi hành là không có cơ sở, không khách quan và cố tình trong việc kéo dài thi hành án”, ông Phan Châu Sơn - Phó tổng giám đốc công ty cao su Hương Khê cho hay.

Vụ tranh chấp đất đai giữa công ty cao su Hương Khê với ông Chí và việc Chi cục Thi hành án không thi hành án cũng đã được nhiều cơ quan, đoàn thể lên tiếng, trong đó có Hiệp hội doanh nghiệp Hương Khê.

Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hiệp hội cho hay đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến Chi cục Thi hành án và các cơ quan chức năng đề nghị thi hành án nhưng vẫn không có kết quả.

Ông Đạt cho rằng, bản án tranh chấp giữa công ty cao su Hương Khê và ông Chí đã có hiệu lực thì phải được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành theo.

Ông Đạt đề nghị các cấp, ngành có liên quan nhanh chóng vào cuộc chỉ đạo giám sát việc thi hành án, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đã thoái thác, cố tình trì hoãn thi hành án, gây khó khăn và thất thoát cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, trong lần tiếp xúc với báo chí xung quanh vụ việc, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Trưởng ban chỉ đạo thi hành án huyện đã khẳng định rằng bản án “bị lỗi”, và sẽ có ý kiến gửi Thường vụ Quốc hội xem xét lại.

Và những văn bản trả lời của Toà án Tối cao, Viện Kiểm sát cấp cao tại Hà Nội, dường như đã bị cơ quan chỉ đạo thi hành án huyện Hương Khê bỏ ngoài tai?

Tòa 3 cấp phán quyết, chủ tịch huyện vẫn bảo ‘án lỗi’

Tòa 3 cấp phán quyết, chủ tịch huyện vẫn bảo ‘án lỗi’

Một bản án dân sự đã được toà án các cấp ra phán quyết, nhưng suốt nhiều năm liền, cơ quan thi hành án, UBND huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) không thi hành.

Lê Minh