- Vụ án khiến dư luận quan tâm bởi suốt 24 năm qua ông Vót luôn kêu oan. Nhiều đại biểu quốc hội cũng đề nghị làm rõ vụ án này.

Trong cuộc họp báo sáng 19/10, TAND tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Công an đã đưa ra thông cáo báo chí về vụ án Trần Văn Vót (SN 1949, ngụ thôn Nhân Phúc, Phú Phúc, Lý Nhân, Hà Nam) bị kết án các tội Giết người, Tàng trữ vũ khí trái phép và Gây rối trật tự công cộng ở tỉnh Nam Hà (cũ, nay là tỉnh Hà Nam).

Theo đó, sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, những vấn đề kiến nghị của GS.TS Nguyễn Lân Dũng, nội dung đơn khiếu nại của các ĐBQH và người đại diện hợp pháp của người bị hại cùng nội dung mà báo chí đưa tin liên quan đến vụ án, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương kết luận: Các căn cứ mà tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm áp dụng để kết tội Trần Văn Vót và Trần Ngọc Thanh về tội Giết người là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan.

Các cơ quan liên ngành cho biết, kết luận nêu trên được tổng hợp sau khi đã làm việc với những người được báo chí phỏng vấn, cung cấp thông tin, làm việc với lãnh đạo của Trung đoàn 139 Bộ Tư lệnh thông tin (nơi Trần Ngọc Thanh đi bộ đội và khai nhận hành vi phạm tội), làm việc với những người có mặt tại hiện trường lúc lựu đạn nổ và các cán bộ trực tiếp điều tra vụ án…

{keywords}

Vụ án từ 24 năm trước

Theo hồ sơ vụ án, do mâu thuẫn đất đai giữa 2 làng Thanh Nga và Nhân Phúc (xã Phú Phúc), khoảng 13h ngày 29/11/1992, nhân dân hai miền đã xảy ra xô xát, ném gạch đá lẫn nhau.

Trong lúc xô xát, Trần Văn Vót (là Bí thư chi bộ 4 Lý Nội, Nhân Phúc) đã đưa cho anh Trần Ngọc Thanh 1 quả lựu đạn để ném về phía dân miền Thanh Nga.

Do mất bình tĩnh vì lần đầu tiên ném lựu đạn nên Thanh đã ném vào tốp người của miền Nhân Phúc khiến anh Trần Văn Việt tử vong và 21 người bị thương.

Sau đó, ngày 7/2/1993, Thanh nhập ngũ tại Trung đoàn 139 Bộ Tư lệnh thông tin. Tại đây, 5 ngày sau, Thanh đã tự thú với chỉ huy về hành vi ném lựu đạn của mình. Thanh khai Trần Văn Vót là người đưa lựu đạn cho mình ném. Quá trình điều tra, ông Vót không thừa nhận hành vi đưa lựu đạn cho Thanh ném.

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Nam Hà (cũ) đã xử phạt Trần Văn Vót tù chung thân về tội “Giết người”, 10 năm tù tội “Phá hoại việc thực hiện chính sách kinh tế xã hội”, 2 năm tù tội "Tàng trữ vũ khí trái phép" và 3 năm tù tội “Gây rối trật tự công cộng”. Còn Trần Ngọc Thanh bị truy tố về tội “Giết người” và phải nhận bản án 15 năm tù.

Sau phiên tòa sơ thẩm, ông Vót kêu oan, trong khi Thanh kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 27/8/1994, TAND tối cao giữ nguyên hình phạt với Thanh, thay đổi tội danh và giảm hình phạt cho ông Vót từ tội "Phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế xã hội" sang tội "Vi phạm các quy định về quản lý và bảo vệ đất đai", giữ nguyên các hình phạt và tội danh khác đối với ông Vót.

Thông cáo báo chí cho hay, sau khi xét xử phúc thẩm, TAND Tối cao và VKSND Tối cao đã nhận được đơn khiếu nại của Thanh, của bố mẹ Thanh; đơn của ông Trần Văn Vấn, bố Trần Văn Vót.

Tuy nhiên, Phó Chánh án TAND Tối cao đã trả lời bố mẹ Thanh rằng việc Thanh tự thú là hoàn toàn tự giác, không có ai ép buộc. Tại cơ quan công an cũng như tại VKSND tỉnh Nam Hà, Thanh đều khai nhận tội của mình và thừa nhận không hề bị cán bộ đánh hoặc ép cung.

Bản án phúc thẩm xử phạt Trần Ngọc Thanh là đúng pháp luật, không oan.

Liên tục kêu oan

Sau đó, TAND Tối cao tiếp tục nhận được đơn khiếu nại của bố mẹ Thanh và gia đình người bị hại Trần Văn Việt cho rằng, việc điều tra vụ án không khách quan, dẫn đến việc kết tội oan cho Trần Ngọc Thanh và Trần Văn Vót.

Năm 2000, VKSND Tối cao đã nghiên cứu hồ sơ vụ án và thấy rằng, TAND các cấp kết án Trần Văn Vót, Trần Ngọc Thanh về tội Giết người là có căn cứ, không oan.

Tại công văn số 853/VPCTN-PL ngày 1/6/2015 của Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, yêu cầu Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng VKSND Tối cao chỉ đạo xem xét lại vụ án, giải quyết theo quy định của pháp luật, trả lời ông Nguyễn Lân Dũng, báo cáo Chủ tịch nước kết quả.

Sau đó, TAND Tối cao tiếp tục nhận được công văn của Thủ tướng Chính phủ chuyển đơn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng cũng với nội dung xem xét lại vụ án...

Tại cuộc họp liên ngành Trung ương ngày 31/7/2015, do Phó Chánh án Nguyễn Sơn chủ trì, với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương và đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an và VKSND Tối cao đã thống nhất thành lập tổ chuyên viên liên ngành để nghiên cứu lại vụ án, xác minh các vấn đề liên quan.

 

Ra mắt trang tin điện tử về án lệ 

Ngày 19/10, TAND Tối cao ra mắt trang tin điện tử về án lệ, nơi cung cấp thông tin chính chức của TAND Tối cao các hoạt động về án lệ.

{keywords}
Lãnh đạo TAND Tối cao ấn nút khai trương Trang tin điện tử về án lệ.

Các thẩm phán có thể nhanh chóng tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật mới về án lệ.

Công chúng và những người quan tâm đến án lệ có thể tra cứu bất kỳ một án lệ nào; một bản án quyết định được dự kiến làm nguồn án lệ hoặc những hoạt động về án lệ mà hệ thống toà án đã và đang thực hiện thông qua chức năng tìm kiếm;...

T.Nhung