- Sau nhiều ngày lẩn trốn, Đặng Văn Hiến một trong những bị can gây ra vụ nổ súng đã ra đầu thú và bật khóc khi cán bộ điều tra C45 (Bộ Công an) hỏi "Hiến khỏe không? Có ăn uống đầy đủ không?"

Khóc khi gặp cán bộ điều tra

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh), người trợ giúp pháp lý cho bị can Đặng Văn Hiến trong vụ nổ súng xảy ra tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông) khiến 19 người thương vong vào sáng 23/10 vừa có cuộc trao đổi với VietNamNet. Từ đây hé lộ nhiều tình tiết gây chấn động của vụ án.

{keywords}

Nghi can Đặng Văn Hiến bật khóc trước cán bộ điều tra Bộ Công an - Ảnh: Dân Việt

Theo lời luật sư Hưng, sau khi gây án, nghi can Hiến đã bỏ trốn vào trong rừng sâu và vẫn giữ liên lạc với gia đình. Sau 5 ngày trốn tránh, bất ngờ ngày 27/10, thông qua một thân chủ có hộ khẩu cùng địa phương, người thân của Hiến đã liên lạc với phóng viên một tờ báo để nhờ hỗ trợ việc ra đầu thú. Yêu cầu của nghi can và gia đình là cần phải có luật sư và chỉ đầu thú với Bộ Công an.

Tiếp nhận thông tin này, những người có trách nhiệm đã liên hệ với C45 – Bộ Công an tại phía Nam để trình báo sự việc và yêu cầu được hỗ trợ. C45 đã chấp nhận yêu cầu và lập tức lên xe tới địa phương xảy ra vụ án. Các bên đã bàn bạc sơ bộ về kế hoạch tiếp nhận nghi can, lên xe máy làm rẫy "đặc chủng", tiến sâu vào khu vực nghi can đang trốn. Tại đây, người thân đã dẫn nghi can Hiến ra đầu thú...

“Mọi việc diễn ra rất nhân văn, nghi can không bị còng tay, còn phụ giúp các trinh sát đẩy xe máy qua đoạn sình lầy...khi về đến nơi, Hiến còn được các trinh sát cho gặp đứa con nhỏ và ẵm vào lòng khá lâu” – luật sư Hưng chia sẻ.

{keywords}
Hiện trường vụ nổ súng 

Cũng theo lời kể của luật sư Hưng, khi gặp cán bộ điều tra, được ân cần hỏi han về sức khỏe, việc ăn uống, Hiến bật khóc như một đứa trẻ. Quá trình dẫn giải Hiến ra khỏi hiện trường, người thân, người dân biết sự việc đã đứng đợi sẵn hai bên đường chờ được ôm, bắt tay tạm biệt Hiến lần cuối. Nước mắt lăn dài trên má những người tiễn biệt khi nhìn theo Hiến lên xe cán bộ điều tra về nơi tạm giữ.

“Không còn đường lùi”!

Ngay sau khi xảy ra vụ nổ súng, PV VietNamNet đã tiếp cận hiện trường, những người trong cuộc, từ đây hé lộ nguồn cơn vụ việc.

Tiếp xúc với lãnh đạo xã Đắk Nhau (huyện Bù Đăng, Bình Phước), được chia sẻ, người dân sang xâm lấn, tranh chấp đất rừng tại tiểu khu 1535 (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) với công ty Long Sơn đã kéo dài nhiều năm nay. Đã có nhiều vụ đánh nhau giữa người dân với công nhân công ty.

Lãnh đạo xã Đắk Nhau cho biết, để giữ đất và chống lại người công ty, các hộ dân đã tập hợp, co lại thành từng cụm để hỗ trợ nhau mỗi khi bị người công ty đến giành đất.

Ngày tiếp xúc hiện trường, một hộ dân mang đơn kêu cứu việc bị công ty Long Sơn thuê côn đồ chiếm đất, đánh trọng thương nhiều người trong gia đình.

{keywords}
Nhiều người dân không cầm được nước mắt trước cảnh chia tay con của Đặng Văn Hiến. Ảnh Dân Việt    
Theo đó, vào tháng 3/2015, nhiều người thân trong gia đình hộ ông Trần Văn Hanh (trú xã Đắk Nhau) bị 6 công nhân công ty Long Sơn mang dao, rựa đánh chấn thương sọ não, gãy tay chân. Vụ án này đã được Công an huyện Tuy Đức (Đắk Nông) khởi tố điều tra.

Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (hỗ trợ pháp lý trong vụ án) cho biết, vụ án đã được Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức nhiều lần trả hồ sơ để công an huyện này điều tra bổ sung vì bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên, đến nay kẻ chủ mưu vẫn ung dung ngoài vòng pháp luật.

Cũng theo luật sư Hưng, quá trình tiếp cận vụ án trên, các luật sư phát hiện ra được nhiều thủ đoạn “tinh quái” mà các công ty áp dụng để chiếm đất người dân.

Như trong vụ án nổ súng ngày 23/10, theo luật sư Hưng, phía công ty Long Sơn đã có sự chuẩn bị trước.

Họ huy động rất nhiều người, mang theo khiên, hung khí để sẵn sàng đánh trả nếu người dân chống đối.

Công ty này cho người, phương tiện chia nhiều tốp đi ủi đất dân vào vào thời điểm mờ sáng, khi dân phát hiện chống đối thì bị khống chế cho vào nhà đóng cửa, không cho ra ngoài. Đây không phải là lần duy nhất công ty này thực hiện biện pháp trên.

“Pháp luật quy định, việc lập đoàn cưỡng chế phải do chính quyền, các doanh nghiệp không có thẩm quyền. Hành vi của công ty Long Sơn là phạm luật. Việc làm của họ không thể gọi là “cưỡng chế”, đó là hành vi hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt đất” – luật sư Hưng phân tích.

Khi tiếp cận hiện trường, tiếp xúc nhiều hộ dân, khi được hỏi về nguyên nhân tranh chấp, tại sao phải dùng vũ lực, họ đã nói rằng: “Chúng tôi không còn đường lùi”. Theo người dân, họ “Không còn đường lùi” bởi lẽ, đất đai là tài sản duy nhất của họ. Vì cuộc sống khó khăn, họ đã bán hết đất đai ở quê cũ, vào chốn rừng sâu này mua đất, xâm canh, xâm lấn đất để làm nương rẫy với mong muốn ổn định cuộc sống. Họ mong muốn, nếu chính quyền, công ty thu hồi đất thì phải thương lượng hỗ trợ đền bù. Thu hồi trắng đồng nghĩa với việc họ sẽ trắng tay.

“Nếu không vì khó khăn, chúng tôi đã không vào chốn rừng sâu này để canh tác” – một hộ dân có đất tại tiểu khu 1535 bộc bạch.

Về tranh chấp giữa công ty Long Sơn với người dân, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng, việc công ty Long Sơn tự ý lập đoàn đi cưỡng chế, không báo cáo chính quyền là sai. Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, tỉnh Đắk Nông đã văn bản chỉ đạo các công ty đang xảy ra tranh chấp đất phải “nằm im”, thế nhưng công ty Long Sơn vẫn không chấp hành.

Trùng Dương