- Ý thức được những "lỗ hổng" bất thường trong những bộ hồ sơ vay vốn nhưng vì áp lực công việc, sự chỉ đạo của cấp trên, nhiều nhân viên ngân hàng đã nhắm mắt ký bừa góp phần gây ra khoản thiệt hại hơn 9.000 tỷ đồng trong đại án.

Ngày 28/7, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi của Viện kiểm sát.

Biết sai vẫn ký...

Bị cáo buộc về hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhiều bị cáo nguyên là trưởng, phó phòng phụ trách kinh doanh, nhân viên tín dụng, kế toán của VNCB vướng vòng lao lý.

{keywords}
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 28/7. Ảnh: Đinh Tuấn 

Theo cáo trạng, để có tiền trả nợ, chi chăm sóc khách hàng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo các cán bộ cấp dưới sử dụng 12 pháp nhân thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và 2 công ty khác để lập hồ sơ khống, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo thế chấp, vay của VNCB tổng cộng gần 4.000 tỷ đồng, gây thiệt hại 2.095 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Doãn Quốc Long khai bản thân nguyên cán bộ tín dụng VNCB chi nhánh Sài Gòn. Theo đó, Long có nhiệm vụ tiếp nhận, kiểm tra, thẩm địn hồ sơ vay và lập tờ trình. Trong thẩm định, theo quy định cán bộ tín dụng phải thẩm định tình hình tài chính, tình hình sản xuất kinh doanh và khả năng trả nợ của khách hàng, thẩm định phương án, dự án vay vốn, tài sản đảm bảo...Tuy nhiên, khi tiếp nhận hồ sơ vay của công ty Đại Hoàng Phương, bị cáo đã không thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định nhưng vẫn ký báo cáo đề xuất cho vay, tạo điều kiện cho Danh vay trái pháp luật 280 tỷ đồng, gây thiệt hại 202 tỷ đồng.

Lý giải về hành vi sai phạm, bị cáo Long cho rằng do bị cáo nghe Hoàng Đình Quyết (lúc đó là Giám đốc chi nhánh) nói đây là hồ sơ nằm trong cơ cấu ngân hàng và đã được kiểm duyệt.

Bị cáo Long cho rằng bản thân đã làm đúng theo quy trình, đã thẩm định hồ sơ, phương pháp thẩm định điều tra để xác nhận hồ sơ dựa trên thông tin khách khách hàng, xác minh bằng thông tin trên mạng nhưng bị cáo thừa nhận không xác minh thẩm định trực tiếp bởi hồ sơ do Quyết đưa.

Bị cáo buộc đã bỏ qua các bước thẩm định theo quy trình, tạo điều kiện cho vay trái pháp luật 1.060 tỷ đồng, gây thiệt hại 323 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Quốc Sơn cũng được gọi lên thẩm vấn trước tòa.

"Bị cáo nhận hồ sơ từ anh Quyết, theo nhiệm vụ, bị cáo cần xem xét hồ sơ trước nhưng nghĩ rằng đây là hồ sơ có chủ trương chỉ đạo nên bị cáo không đi thẩm định trực tiếp, cũng không gặp trực tiếp khách hàng. Bị cáo nhận hồ sơ thì nghĩ đã đầy đủ nên mới ký đề xuất phê duyệt khoản vay", bị cáo Sơn trần tình.

Ngoài hai bị cáo Long và Sơn, nhiều bị cáo khác cũng có lời khai tương tự, một số cho rằng bản thân đã làm đúng theo chỉ đạo. VKS đặt câu hỏi khi ký đề nghị duyệt vay, các bị cáo có nghĩ đến rủi ro không, bị cáo trả lời "có nhưng nghĩ là rất thấp". Thế nhưng hậu quả thực tế VNCB bị thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng.

"Sợ quá xin nghỉ việc"

Tại tòa, phần trả lời của bị cáo Võ Ngọc Nguyễn Bình (nguyên Phó phòng phụ trách kinh doanh VNCB chi nhánh Sài Gòn) khiến người nghe chú ý.

Theo cáo trạng, với tư cách là phó phòng, Bình chỉ đạo Nguyễn Tiến Hùng thẩm định các hồ sơ vay của 4 công ty (trong số 12 công ty của Danh) với số tiền 1.770 tỷ đồng. Mặc dù cán bộ tín dụng thẩm định có rủi ro nhưng Võ Ngọc Nguyễn Bình vẫn bỏ phiếu đồng ý cho vay trái pháp luật 1.770 tỷ đồng.

Tại tòa, Bình thừa nhận hành vi sai phạm. Bị cáo Bình còn khai ngoài những hồ sơ vay tiền đã được phê duyệt trên còn có 2 hồ sơ khác từng được cấp trên chỉ đạo Bình ký duyệt. Tuy nhiên, nhận thấy những hồ sơ trên có nhiều "lỗ hổng" bất thường, các công ty thực chất là do Danh lập ra để vay nên bị cáo kiên quyết từ chối.

"Bị cáo thấy làm như vậy là sai, bị cáo không biết tiền sau đó sẽ đi đâu nên bị cáo rất sợ. Sau đó, bị cáo xin nghỉ việc vì thấy mình làm trong tổ chức mà chống đối lãnh đạo thì khó tồn tại", bị cáo Bình bày tỏ.

Dù Bình xin nghỉ việc nhưng theo kết quả điều tra, việc bị cáo bỏ phiếu đề nghị phê duyệt cho các khoản vay trái pháp luật trước đó gây thiệt 858 tỷ đồng. Do vậy, bị cáo vẫn phải chịu trách nhiệm về hành vi trên.

Như vậy, trong vụ án ngoài những "giám đốc bù nhìn" ngu ngơ ít hiểu biết thì những cán bộ, nhân viên tín dụng đã được đào tạo bài bản cũng vướng vòng lao lý dưới sự điều hành của Phạm Công Danh.

M.Phượng - Đinh Tuấn