- Mặc dù các quan chức phía Nhật Bản khai báo khá rõ ràng về quá trình thỏa thuận, đưa và nhận hối lộ giữa họ và vị cựu Giám đốc Ban quản lý dự án (BQLDA) Đại lộ Đông Tây – Môi trường nước TP.HCM nhưng bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ vẫn một mực khẳng định không có chuyện mình nhận hối lộ khoản tiền 262.000 USD như án sơ thẩm quy kết.

Sáng nay (30/8), Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã mở phiên phúc thẩm xét xử vụ án “nhận hối lộ” do bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ (58 tuổi, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM kiêm Giám đốc BQLDA Đại lộ Đông Tây – Môi trường nước TP.HCM). 

Đúng 8 giờ sáng, bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ được dẫn giải vào phòng xử án. Phiên tòa do thẩm phán Phạm Đức Tuyên – thẩm phán TAND Tối cao làm chủ tọa phiên tòa. Tham gia bào chữa cho bị cáo có mặt hai luật sư là luật sư Phan Trung Hoài và luật sư Trần Văn Tạo, luật sư Phạm Công Út cũng tham gia bào chữa cho bị cáo nhưng tạm vắng mặt trong phiên xử sáng nay.

Đối với các nhân chứng, tòa phúc thẩm đã có giấy triệu tập 10 người nhưng chỉ có 4 nhân chứng có mặt, trong đó ông Lê Quả - nguyên Phó Giám đốc BQLDA cũng vắng mặt tại tòa vì đang phải dự lễ đặc xá nhân dịp 2/9.

Đối với các nhân chứng vắng mặt, tòa và các luật sư sẽ công bố lời khai của họ trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm.

Quan chức PCI: chi 262.000 USD để trúng thầu

Theo bản án sơ thẩm, dự án Đại lộ Đông Tây được Chính phủ quyết định phê duyệt ngày 5/7/2000 bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và nguồn vốn đối ứng của Việt Nam với tổng chi phí trên 14.000 tỷ đồng trong đó có hơn 9.600 tỷ đồng là vốn vay, 4.600 tỷ đồng là vốn đối ứng của Việt Nam.

Với chủ trương kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh, Công ty PCI Nhật Bản cùng một số quan chức đã tổ chức phân chia vai trò để bàn bạc, thống nhất đưa tiền cho Huỳnh Ngọc Sĩ với mức là 10% giá trị hợp đồng tư vấn thiết kế, tương đương 900.000 USD và 11% giá trị hợp đồng tư vấn giám sát, tương đương 1,7 triệu USD.

Đổi lại thỏa thuận trên, trong quá trình đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng của dự án, với vai trò là Giám đốc Ban QLDA, Huỳnh Ngọc Sĩ có nhiệm vụ thực hiện những tác động, hành vi và việc làm không đúng quy định, có lợi cho phía nhà thầu PCI.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ được dẫn giải lên phòng xử án

Kết quả, đúng như ý muốn của các quan chức PCI, nhà thầu PCI đã trúng thầu gói thầu tư vấn thiết kế và được chỉ định thực hiện gói thầu tư vấn giám sát, được ký hợp đồng phê duyệt mức lương chuyên gia nước ngoài cao hơn mức lương so với bản dự toán trước đó, được ký thanh toán tiền tạm ứng vượt số tiền quy định…

Theo đó, trưa 28/5/2003, tại văn phòng làm việc của ông Sĩ, hai quan chức của PCI là ông Sakano và ông Takasu đã đưa khoản tiền 262.000 USD (tương đương hơn 4 tỉ đồng) cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ.

Quá trình điều tra, các cựu quan chức PCI đã khai báo khá rõ ràng, chi tiết về quá trình thỏa thuận, đưa và nhận hối lộ giữa họ vào bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ.

Tháng 10.2010, kết thúc phiên sơ thẩm, Hội đồng xét xử nhận định có đủ cơ sở pháp lý kết luận bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ nhận hối lộ khoản tiền 262.000 USD và tuyên phạt bị cáo mức án tù chung thân.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ: “Tôi không nhận tiền”

Tại tòa phúc thẩm sáng nay, bị cáo Sĩ  cho biết mình kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ông này cho rằng bản án quy kết ông phạm tội nhận hối lộ là không công bằng, không đúng các quy định của pháp luật.

Theo bị cáo Sĩ, bản án “căn cứ vào lời khai của các cựu quan chức PCI do phía Nhật Bản cung cấp. Bản thân tôi không có bất cứ hành vi phạm tội nào, cũng không có chứng cứ chứng minh tội nhận hối lộ. Tôi không thỏa thuận ăn chia phần trăm, không nhận tiền cũng không làm gì có lợi cho PCI”.

Tuy nhiên, giải thích lý do tại sao sau khi nhà thầu PCI trúng gói thầu tư vấn thiết kế họ lại tiếp tục được chỉ định thực hiện gói thầu tư vấn giám sát mà không tổ chức đấu thầu cạnh tranh quốc tế theo quy định, bị cáo Sĩ cho rằng việc làm này xuất phát từ lý do khách quan, muốn tiết kiệm thời gian, chi phí cho quá trình thực hiện dự án.

Bị cáo Huỳnh Ngọc Sĩ trước vành móng ngựa


Trước lời khai của ông Sĩ, chủ tọa đã công bố nội dung lời khai của các cựu quan chức PCI. Trước đó, các cựu quan chức PCI đã trình bày rõ đối với gói thầu tư vấn giám sát, nếu thực hiện theo đấu thầu quốc tế họ có thể không trúng thầu do đó con đường nhanh nhất, thuận lợi nhất chỉ còn cách là được chỉ định thầu và họ đã “liên hệ” với Huỳnh Ngọc Sĩ.

Bên cạnh đó, với tư cách là nhân chứng, trước đó ông Lê Quả khai trước khi ra Hà Nội họp về dự án ông Sĩ nói “ra Hà Nội làm gì thì làm, nói gì thì nói nhưng đến đoạn gói thầu số 2 (tư vấn giám sát) thì nói ý chí của BQLDA là chỉ định PCI được thực hiện gói thầu”, mặc dù việc chỉ định thầu là trái với chủ trương chỉ đạo trước đó.

Trả lời Tòa về lý do chủ động đề xuất tăng lương cho các chuyên gia nước ngoài vượt quá quy định mức tối đa trong khi lại giảm mức lương của các chuyên gia trong nước, bị cáo Sĩ khai đã tham khảo nhiều tài liệu sau đó mới đề xuất.

Trả lời về việc ông Quả thừa nhận đề xuất nâng lương trên là sai, bị cáo Sĩ cho rằng “chắc do lâu rồi ông Quả quên nên mới nhận là sai chứ thực tế không sai”.

Trả lời Viện kiểm sát về khoản tiền 262.000 USD mà hai quan chức PCI đã đưa cho bị cáo tại phòng làm việc ngày 28/5/2003, ông Sĩ phủ nhận sự việc trên, cho rằng hoàn toàn không có chuyện các quan chức PCI đem tiền đến phòng làm việc, họ cũng không đưa và ngoài những lần làm việc công khai, bị cáo không tiếp riêng họ bất cứ một lần nào tại phòng làm việc, không nhận bất cứ khoản tiền nào.

Lý giải về lời khai khá rõ ràng, chi tiết của các cựu quan chức PCI, ông Huỳnh Ngọc Sĩ nói “có thể họ sử dụng cho các cá nhân nhưng khai đưa cho tôi để không phải trả lại công ty PCI, có thể do quá trình làm việc họ có mâu thuẫn với tôi hay vì một lý do nào đó họ mới khai vậy”.

Chiều nay, phiên tòa tiếp tục phần thẩm vấn.

Mai Phượng