Cơ quan công an đang vào cuộc điều tra nguyên nhân, trách nhiệm để đàn chó thả rông cắn chết cháu N.T.V (7 tuổi) sống cùng bố mẹ tại khu nhà trọ gần sân vận động Kim Động cũ, thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên.

Theo xác minh ban đầu của công an, gia đình nạn nhân đến thuê trọ tại thị trấn Lương Bằng từ năm 2007. Đàn chó tấn công cháu bé là của chủ nhà trọ.

Trao đổi với VietNamNet, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng: Trong trường hợp chó không bị rọ mõm, cắn người khác ở nơi công cộng, nơi đông người mà gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe (với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên) thì chủ chó còn có thể bị xử lý hình sự.

{keywords}
Luật sư Giang Hồng Thanh

Cụ thể, người đó sẽ bị xử lý về tội "Vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người", theo điều 295 bộ luật Hình sự 2017.

Hình phạt là phạt tiền từ 20-100 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1-5 năm.

Ngoài ra chủ chó còn phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo điều 603 bộ luật Dân sự quy định về "Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra".

Xử phạt chưa nghiêm

Luật sư Thanh cho biết thêm: Theo nghị định số 05/2007/NĐ-CP về phòng, chống bệnh dại ở động vật, chủ nuôi chó khi đưa chó ra ngoài nơi cộng cộng phải rọ mõm chó.

Cụ thể, chủ nuôi chó phải xích, nhốt hoặc giữ chó; đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng tới người xung quanh.

Ở nơi công cộng, nơi đông dân cư, khu đô thị, khi đưa chó ra ngoài, phải nhốt, giữ chó trong chuồng, cũi hoặc phải rọ mõm và có người dắt.

Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng quy định: Chủ nuôi chó, mèo phải xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh.

Khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Nuôi chó tập trung phải bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không gây ồn ào, ảnh hưởng xấu tới những người xung quanh.

Về việc xử lý hành vi thả rông chó, Chính phủ ban hành nghị định 167/2013/NĐ-CP. Tại điểm c khoản 1 điều 5 của nghị định này có quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi thả rông động vật nuôi trong thành phố, thị xã hoặc nơi công cộng.

Còn theo nghị định 90/2017/NĐ-CP, điểm b khoản 2 điều 7 quy định: Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với hành vi: Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Ông Thanh cho rằng, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề chủ nuôi để chó chạy rông ngoài đường, nhưng tình trạng chó thả rông, không rọ mõm vẫn khá phổ biến. Điều này có nghĩa, số người bị phạt tiền chưa nhiều đến mức khiến người ta phải nghiêm chỉnh chấp hành.

T.Nhung 

Bé trai bị đàn chó cắn chết: Lời kể đau đớn từ người giải cứu

Bé trai bị đàn chó cắn chết: Lời kể đau đớn từ người giải cứu

Cháu Nguyễn Đắc Ng., 7 tuổi bị đàn chó dữ tấn công đến tử vong vào chiều tối qua tại thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, Hưng Yên.