- Nếu không còn cơ hội được sống, kẻ sát nhân mong muốn được hiến toàn bộ cơ thể mình cho y học. Theo quy định của pháp luật, điều này có thực hiện được?

{keywords}

Nguyễn Văn Kỳ tại cơ quan điều tra

Quyết định bất ngờ của kẻ sát nhân

Ông Nguyễn Anh Thơm, luật sư bào chữa cho Nguyễn Văn Kỳ, kẻ gây vụ thảm án ở Thạch Thất cho biết: Ông khá bất ngờ khi kẻ sát nhân mong muốn được hiến xác nếu bị kết án tử hình trong phiên tòa ngày 26/7 tới. 

Theo ông Thơm, Kỳ đã ý thức được hành vi và hậu quả của mình gây ra là rất lớn, không có gì bù đắp được cho gia đình nạn nhân nên cơ hội được sống là rất khó. 

Để sám hối trước những sai lầm và mong làm được điều tốt đẹp nếu mình không còn cơ hội sống, Kỳ đã nhờ luật sư gửi lời xin lỗi đến gia đình người bị hại, gia đình và bà con làng xóm nơi Kỳ đã sinh ra và lớn lên vì những tội lỗi mà Kỳ đã gây ra. 

Kỳ mong muốn thân xác còn lại của anh ta nếu bị kết án tử hình sẽ được hiến cho y học với mục đích cứu giúp những người lương thiện đang bị bệnh có cơ hội được sống.

Khó thực hiện di nguyện hiến xác đối với tử tù

Theo quan điểm của luật sư, đây là nguyện vọng chính đáng, nhân văn của tử tù, nhưng cũng rất khó cho các bị cáo bị kết án tử hình thực hiện được di nguyện đó. Bởi các cơ chế pháp lý qui định, đối với người bị kết án tử hình trong trường hợp có ý nguyện hiến xác là chưa có.

Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 qui định rõ điều kiện lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết: Chỉ cơ sở y tế quy định tại Điều 16 của Luật này mới được tiến hành lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết; Việc lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sau khi chết được thực hiện trong các trường hợp: có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết hoặc có thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết và đã được công bố là chết não theo quy định tại khoản 5 Điều 27 của Luật này.

Trường hợp không có thẻ hiến mô, bộ phận cơ thể người sau khi chết thì việc lấy phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó hoặc vợ, chồng hoặc đại diện các con đã thành niên của người đó...

Việc công dân không bị hạn chế bất kỳ quyền dân sự nào cũng đã rất khó khi thực hiện quyền được hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và đặc biệt quyền hiến xác.

Người bị thi hành án tử hình là người bị cơ quan có thẩm quyền tước bỏ quyền sống của người chấp hành án theo quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật và Chủ tịch nước bác xin ân giảm án tử hình càng khó có thể thực hiện được việc hiến tạng vì Luật thi hành án hình sự chưa qui định trường hợp này.

Mặt khác, sau khi thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc vào cơ thể thì có đáp ứng được yêu cầu y học hay không? Điều này cần phải có một cơ quan chuyên môn giám định ảnh hưởng các chất độc trên cơ thể tử tù có ảnh hưởng đến việc lấy, ghép mô, bộ phận cho người khác hay không…

Đây là vấn đề rất phức tạp không chỉ liên quan y học mà còn đến các khía cạnh nhân văn, quyền nhân thân của tử tù và người thân của họ. Nếu không có một cơ chế pháp lý chặt chẽ thì dễ bị biến tướng với các mục đích, ý đồ khác nhau.

Theo quan điểm của luật sư, để có thể thực hiện di nguyện của tử tù được hiến xác thì chúng ta phải thay đổi hình thức thi hành án tử hình đối với trường hợp này. Có những trường hợp tử tù muốn hiến tặng một bộ phận cơ thể của họ cho người thân đang bệnh nặng, chờ đợi được cấy ghép tạng mới có thể cứu chữa được thì chúng ta phải có những qui định pháp luật để họ thực hiện mong muốn này vì mục đích nhân đạo.

"Luật sư mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước sẽ nghiên cứu, tiếp thu để bổ sung vào quy định của pháp luật", lời ông Thơm.

T.Nhung