Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. 

Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra

Đặt công nghệ lên đầu

Estonia, đất nước nhỏ bé ở Bắc Âu với diện tích vỏn vẹn 45.227 km2, chỉ mới được công nhận là một quốc gia độc lập cách đây 30 năm. Nhưng chỉ sau hơn hai thập kỷ, quốc gia này đã trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về công nghệ.

Đầu những năm 90, lãnh đạo của đất nước có tầm hiểu biết về công nghệ cao này đã quyết định đầu tư quy mô lớn cho công nghệ mới, đặt niềm tin vào mạng Internet. Ngân hàng và viễn thông cũng được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng mới.

Khi Phần Lan quyết định chuyển sang sử dụng hệ thống điện thoại công nghệ kỹ thuật số, họ đã tặng không cho Estonia hệ thống điện thoại từ những năm 1970. Estonia đã từ chối đề nghị này và xây dựng một hệ thống điện thoại kỹ thuật số của riêng mình. Chính phủ Estonia bắt đầu gửi các thầy giáo sang Phần Lan để được đào tạo về công nghệ thông tin, cập nhật giáo trình cũ của mình.

{keywords}
Hàng loạt chính sách thúc đẩy công nghệ

Năm 1996, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đã thành lập Quỹ Tiger Leap (bước nhảy đột phá) tại tất cả các trường học để trang bị máy tính có nối mạng Internet, và Estonia chỉ mất vài năm hoàn thành kế hoạch của mình. Chính phủ Estonia đưa máy tính và công nghệ mới vào giảng dạy tại trường học, bắt đầu từ bậc tiểu học nhằm đào tạo thế hệ tương lai của đất nước phục vụ cho nền kinh tế mới

Vào năm 2000, khi chính phủ Estonia tuyên bố việc truy cập Internet là một quyền của con người, kết nối mạng đã được đưa tới những vùng xa xôi nhất của đất nước. Mạng không dây Wi-Fi miễn phí trở nên phổ biến. Các con dấu cao su, giấy than và những dòng người xếp hàng dài đã nhường chỗ cho “chính phủ điện tử”.

Năm 2002, Estonia ra mắt một hệ thống ID quốc gia công nghệ cao. Thẻ ID vật lý được ghép nối với chữ ký điện tử mà người Estonia sử dụng để nộp thuế, bỏ phiếu, thục hiện ngân hàng trực tuyến và truy cập hồ sơ chăm sóc sức khỏe của họ.

Khi các chính phủ trên thế giới vật lộn với những thách thức từ công nghệ, bao gồm thu thập dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và các mối đe dọa trên mạng, Estonia có thể đưa ra một kế hoạch chi tiết cho cách xây dựng một xã hội kỹ thuật số.

Chương trình e-Estonia do chính phủ bảo trợ đã đưa ra việc bầu cử điện tử, y tế điện tử và các chương trình ngân hàng điện tử, thậm chí cả cư trú điện tử, cho phép ngay cả những người không phải là công dân đăng ký cư trú ảo được hưởng các quyền lợi như thẻ căn cước, dịch vụ ngân hàng, xử lý thanh toán và khả năng thành lập một công ty.

Chương trình này nhằm thu hút những cư dân kỹ thuật số và các doanh nhân nước ngoài muốn thành lập một công ty có trụ sở tại EU, từ đó sẽ mang lại những cơ hội mới cho nền kinh tế Estonia.

{keywords}
Người dân được hưởng lợi

Làn sóng khởi nghiệp

Sự hỗ trợ từ Chính phủ đã thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp tại nước này. Estonia thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ nhờ chính sách công dân điện tử (e-Residency). Chính sách cho phép những cá nhân không phải là công dân Estonia được quyền tiếp cận với các dịch vụ của Estonia như thành lập công ty, ngân hàng, thanh toán và đóng thuế. Mục tiêu nhắm đến là các cá nhân tài năng độc lập như giới phát triển phần mềm và nhà văn.

Trong giai đoạn 2014-2020, chính phủ đã phân bổ 155 triệu USD vào Chương trình phát triển doanh nghiệp và Chương trình Chứng nhận đổi mới sáng tạo, 87 triệu USD cho những chương trình khởi nghiệp khác và 12,7 triệu USD cho riêng các startup đổi mới sáng tạo.

Skype, phần mềm nhắn tin gọi điện nổi tiếng thế giới, được sinh ra tại Estonia. Công ty này đã mở đầu phong trào bùng nổ start-up tại đây sau khi được Microsoft mua lại với cái giá 8,5 tỷ USD. Các nhà sáng lập sau đó đã dành toàn bộ lợi nhuận để đầu tư ngược trở lại cho quê hương của mình.

Estonia tự hào là nơi có nhiều kỳ lân công nghệ, các công ty tư nhân trị giá hơn 1 tỷ USD, tính theo đầu người so với bất kỳ quốc gia nhỏ nào khác trên thế giới. Các kỳ lân gần đây nổi lên bao gồm công ty thanh toán TransferWise và là đối thủ cạnh tranh của Uber, Taxify.

Theo Ngân hàng Thế giới, chỉ tính riêng trong năm 2011 đã có hơn 14.000 công ty mới được đăng ký ở Estonia, cao hơn 40% so với cùng kỳ năm 2008. Ngành công nghiệp công nghệ cao giờ đây chiếm tỷ trọng lên tới 15% GDP nước này.

Với chương trình e-Estonia, GDP đã tăng thêm 2%. Hệ thống này cho phép người dân Estonia thành lập doanh nghiệp chỉ trong vòng 18 phút. Với hơn 99% các dịch vụ công thực hiện trực tuyến, Estonia tự hào tiết kiệm được 800 giờ làm việc mỗi năm.

“Truy cập vào internet ở Estonia được xem như một quyền cơ bản của con người. Ngay cả các hòn đảo xa xôi của Estonia, như Saaremaa, Internet cũng truy cập  được” - Alexandra Nima, doanh nhân người Áo - cho hay.

{keywords}
Estonia nước số đầu tiên trên thế giới.

Thay đổi tư duy

Đánh giá về thành công của Estonia, một nhà phân tích Phố Wall nói: “Estonia là một trong những nước tiên tiến nhất về công nghệ trên thế giới, tiên tiến hơn nhiều so với cả Mỹ, Anh và nhiều nước tây Âu. Nó là nước điện tử (e-country) nơi mọi thứ đều số thức hoá, từ e-banking, e-paying, e-vote, e-tax và hệ thống chính phủ điện tử e-government tốt nhất thế giới.”

Trong khi đó, Joseph M. Ellis, PGS ngành khoa học chính trị tại trường Đại học Wingate, Bắc Carolina (Mỹ), đánh giá, Estonia chính là một mô hình kiểu mẫu về chính quyền điện tử. E-Estonia được xây dựng để hỗ trợ công việc vận hành kinh tế của chính phủ thêm hiệu quả, bền vững, dân chủ và minh bạch hơn. Nền tảng của mô hình này là một cơ sở dữ liệu quốc gia cho phép mọi người dân có thể giải quyết mọi việc từ nộp thuế đến bỏ phiếu.

Ông Toomas Hendrik Ilves, nguyên Tổng thống Estonia giai đoạn 2006-2016, cho hay, đối với Estonia, cũng như những quốc gia xuất phát sau, giải pháp để bắt kịp nằm ở số hóa đất nước. Đây là lý do Estonia thực hiện chiến lược chuyển đổi số kể từ những năm 90.

Đến nay đa phần các thủ tục hành chính tại quốc gia này đều có thể thực hiện trực tuyến, trừ một số thủ tục đặc biệt. Nhưng ông nói thêm rằng, thành công của Estonia không phải là về công nghệ mà là bỏ tư duy cũ.

Thư Kỳ