Theo đồng chí Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 492 cơ sở khám chữa bệnh bao gồm các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh khác. Trong đó, có tới 127 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ.

“Bệnh nhân là những người ốm yếu, sức khỏe hạn chế, không đủ khả năng tham gia chữa cháy hay thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Hơn nữa, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng không thường xuyên có mặt tại bệnh viện nên không thể biết những khu vực nguy hiểm hoặc lối thoát nạn an toàn tại đây. Do đó, nếu xảy ra sự cố cháy nổ ở các cơ sở y tế sẽ gây ra thiệt hại lớn về người”, ông Hiếu nhấn mạnh.

{keywords}
Thượng tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an Thành phố Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Liên

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 3225 lượt cơ sở khám chữa bệnh, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 85 trường hợp với tổng số tiến hơn 184 triệu đồng.

Thượng Tá Hiếu cho biết, công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) đối với các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục. Cụ thể, một số cơ sở y tế không thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC trước khi thi công, đưa công trình vào sử dụng khi chưa được nghiệm thu về PCCC; cải tạo, sửa chữa, thay đổi quy mô, tính chất sử dụng của công trình nhưng không thực hiện thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.

Bên cạnh đó, một số cơ sở khám chữa bệnh tư nhân còn chủ quan, lơ là, không chấp hành các quy định về PCCC; một số cơ sở không đầu tư kinh phí để trang bị đầy đủ các hệ thống, phương tiện PCCC theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC.

Nhiều bệnh viện lớn chưa được quy hoạch khu vực trông giữ xe đáp ứng với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân nên xảy ra tình trạng đỗ xe trong sân hoặc vỉa hè, làm cản trở giao thông phục vụ chữa cháy. Việc tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC, xây dựng và thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ chưa được thường xuyên.

Ngoài ra, nhiều đơn vị, chủ yếu là các trạm y tế cấp xã, phường, thị trấn chưa quan tâm bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy tại chỗ ; không thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ phương tiện chữa cháy, để bình chữa cháy bị han gỉ, nứt vòi,…

{keywords}
Tập huấn về PCCC tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội - Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Để đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố nói chung và các cơ sở khám chữa bệnh nói riêng, Thượng tá Phạm Trung Hiếu cho biết, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ sẽ yêu cầu và hướng dẫn các cơ sở y tế khẩn trương tổ chức khắc phục về hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC; xây dựng và tổ chức huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở; khắc phục việc cản trở giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy,…

Đối với những tồn tại chưa thể khắc phục được ngay, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ yêu cầu cơ sở có kế hoạch tổ chức khắc phục và cam kết về tiến độ thực hiện. Các nội dung thực hiện liên quan đến việc thay đổi quy mô, công năng sử dụng của công trình, trang bị bổ sung phương tiện PCCC phải được thẩm duyệt về PCCC trước khi thực hiện.

Những tổn tại không thể khắc phục được như không đủ số lượng lối thoát nạn, kết cấu và hiện trạng sử dụng của công trình không thể trang bị bổ sung phương tiện PCCC, cần nghiên cứu, hướng dẫn giải pháp bổ sung về PCCC đối với từng công trình cụ thể.

Trường hợp cơ sở vẫn không thực hiện, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Hà Nội đề xuất tiến hành tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và báo cáo, đề xuất đơn vị chủ quản, chính quyền địa phương các biện pháp xử lý tiếp theo.

Nguyễn Liên

Câu chuyện bên trong căn phòng 30 năm chưa bao giờ tắt đèn

Câu chuyện bên trong căn phòng 30 năm chưa bao giờ tắt đèn

Hơn 15 bác sĩ và gần 50 điều dưỡng làm việc miệt mài thay phiên nhau trong căn phòng chạy thận nhân tạo ở BV Chợ Rẫy suốt 30 năm ròng.