Sau 21 ngày điều trị, nam bệnh nhân 57, quốc tịch Anh (66 tuổi) có 2 lần xét nghiệm âm tính Covid-19, đã được BV đa khoa Trung ương Quảng Nam cho xuất viện ngày 5/4.

“Luôn cởi mở, xem bệnh nhân là những người bạn”

Bác sĩ Lê Viết Nhiệm, Trưởng Khoa Y học nhiệt đới, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam là người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân 57. Ông dành cho VietNamNet cuộc trò chuyện ngắn sáng 10/4, 5 ngày sau khi trao quyết định xuất viện cho bệnh nhân 57.

Ông cho biết, khoảng 23h đêm 15/3, bệnh viện nhận được tin sẽ tiếp nhận điều trị cho ca bệnh đầu tiên nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh. 

 {keywords}

Bệnh nhân 57 chào cảm ơn các bác sĩ đã điều trị cho mình

Lúc này, Khoa Y học nhiệt đới đã phân ra thành 3 khu cách ly riêng biệt. Khu màu đỏ dành cho bệnh nhân mắc Covid-19, khu vực vàng dành cho những người nghi nhiễm và khu vực xanh để cách ly tập trung.

Ngoài ra, trang thiết bị, thuốc men, một số máy móc phòng trường hợp bệnh nặng cũng được chuẩn bị.

“Để hạn chế người tiếp xúc với bệnh nhân, ekip chỉ có 6 người gồm 1 bác sĩ chính, 1 bác sĩ hỗ trợ bên ngoài và 4 điều dưỡng. Các điều dưỡng sẽ chia ra 2 ca, mỗi ca 2 người trực trong 10 ngày và thay nhau để nghỉ ngơi, cách ly”, bác sĩ Nhiệm cho hay.

Sáng 16/3, khi được đưa đến viện, vợ chồng bệnh nhân người Anh có tâm lý lo lắng.

“Họ lo vì đang khỏe mạnh mà vẫn mắc Covid-19 và họ chưa an tâm với hệ thống y tế của Việt Nam. Lúc này, điều dưỡng và tôi đưa họ vào phòng, động viên, giải thích thì họ mới bớt căng thẳng, tâm lý ổn định hơn”, bác sĩ Nhiệm nhớ lại.

Khi nhập viện, nam bệnh nhân người Anh có biểu hiện ho nhẹ, không sốt và không có bệnh lý nền.

"Tuy nhiên, người này bị rối loạn giấc ngủ nên những ngày đầu ngủ khó. Chúng tôi phải kê thuốc an thần để tinh thần ông ấy thoải mái, dễ ngủ", bác sĩ Nhiệm cho hay.

{keywords}

2 điều dưỡng Phạm Thị Ánh Dương và Phạm Thị Thu Thanh vui mừng khi hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày, khi chăm sóc cho bệnh nhân 57

“Trong quá trình điều trị, chúng tôi luôn cởi mở, xem họ là những người bạn. Rất nhiều vấn đề từ chuyên môn đến đời sống gia đình được chia sẻ. Bệnh nhân 57 kể rằng, ông cùng vợ dự định đi khắp Việt Nam, vì nước ta rất đẹp. Ông đã đi nhiều nơi ở Hà Nội và Hạ Long, nhưng rất tiếc khi vào Hội An thì bị nhiễm bệnh”, bác sĩ Nhiệm chia sẻ.

Theo bác sĩ Nhiệm, ngoài liệu trình điều trị, vấn đề tâm lý và chế độ ăn uống của bệnh nhân rất quan trọng. Do bệnh nhân là người Anh, Khoa Dinh dưỡng đã thay đổi khẩu phần, chế biến theo phong cách châu Âu.

Là người chăm sóc cho bệnh nhân, điều dưỡng Phạm Thị Thu Thanh kể, do trình độ tiếng Anh còn yếu, nên chị phải lên mạng học cách giao tiếp để thuận lợi trong quá trình phát thuốc, kiểm tra sức khỏe bệnh nhân.

“Trong quá trình điều trị, bệnh nhân dạy cho tôi một số câu tiếng Anh, chỉnh lỗi phát âm chưa đúng. Còn tôi cũng chia sẻ với họ một vài câu giao tiếp tiếng Việt”, chị Thanh cười nói.

Nhiều ngày, áo blouse ướt hết vì mồ hôi

Qua hơn 2 tuần điều trị, bệnh nhân 57 dần ổn định, không ho và sốt, các bác sĩ đã lấy mẫu xét nghiệm gửi đi.

Theo bác sĩ Nhiệm, khi nhận kết quả âm tính Covid-19 lần 1 ai cũng mừng. Lúc này, bệnh nhân 57 đã ngã xuống sàn vì quá vui.

{keywords}
Bác sĩ Nhiệm cùng các y tá, điều dưỡng xách va ly cho vợ chồng bệnh nhân 57

Sau đó, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu lần 2. Bác sĩ Nhiệm cho rằng, cảm giác căng thẳng, hồi hộp khi chờ đợi kết quả xét nghiệm lần 2 rất khó tả.

“Chiều đó, bệnh nhân đang đi tập thể dục quanh khu vực cách ly khi tôi đến báo đã có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 lần 2. Mọi người đều vỡ òa hạnh phúc, nam bệnh nhân người Anh bật khóc, nắm chặt tay tôi, nói lời cảm ơn bằng tiếng Việt rất cảm động”, bác sĩ Nhiệm chia sẻ.

“Chúng tôi xác định, việc điều trị thành công cho bệnh nhân là sự cố gắng của toàn thể ngành y tế địa phương và nhân viên bệnh viện".

"Trong quá trình điều trị, tôi rất mừng vì được các điều dưỡng hỗ trợ tối đa. Vì hạn chế người, nên các điều dưỡng phải làm cả phần việc vệ sinh phòng bệnh, chăm sóc bệnh nhân… của hộ lý”, bác sĩ Nhiệm nhìn nhận.

Cũng trong sáng 10/4, bác sĩ Nhiệm đã trao quyết định hoàn thành cách ly 14 ngày cho 2 điều dưỡng Phạm Thị Ánh Dương và Phạm Thị Thu Thanh. Đây là hai người đã chăm sóc bệnh nhân 57, trong 10 ngày đầu tiên điều trị.

{keywords}
Một số y bác sĩ của khoa Y học nhiệt đới BV Đa khoa TƯ Quảng Nam vẫn đang trong đợt cách ly 14 ngày

Điều dưỡng Phạm Thị Ánh Dương cho hay, 10 ngày chăm sóc cho bệnh nhân 57 là những kỷ niệm đáng nhớ. Chị kể, trong thời tiết nắng nóng của miền Trung, phải mặc bộ đồ bảo hộ trong 4 tiếng để chăm sóc bệnh nhân cảm giác như “cực hình”.

“Đồ bảo hộ có 2 lớp kính, khi thở hơi nước từ miệng bay lên làm mờ hết kính, nhiều lúc rất khó lấy van máu của bệnh nhân. Nhiều ngày, sau khi chăm sóc bệnh nhân ra, áo blouse ướt hết vì mồ hôi ra toàn thân do quá nóng”, chị Dương tâm sự.

Sau 25 ngày ở bệnh viện, hôm nay, chị Dương có thể về nhà gặp gia đình, đặc biệt là 2 con nhỏ.

“Trước lúc đi, tôi đã chuẩn bị tâm lý cho 2 con là mẹ có thể đi làm vài tháng mới về vì đang mùa dịch. Nhưng khi gọi điện, câu đầu tiên các con luôn hỏi là 'Mẹ còn bao nhiêu ngày?', 'Lúc nào mẹ về?' khiến tôi nhiều lúc không kìm được lòng. Nhưng tình cảm gia đình cũng là động lực để các y bác sĩ như chúng tôi thêm vững vàng, cố gắng chữa trị cho bệnh nhân”, chị Dương bộc bạch.

Vì sao nữ bệnh nhân Covid-19 dương tính 3 lần sau 2 lần âm tính?

Vì sao nữ bệnh nhân Covid-19 dương tính 3 lần sau 2 lần âm tính?

- Cô gái trẻ ở Quảng Ninh đã có 2 lần âm tính liên tiếp với SARS-CoV-2 sau đó lại dương tính trở lại tới 3 lần.  

Lê Bằng – Nguyễn Hiền