- Dù chỉ phát hành 6 năm với 65 số nhưng với nội dung khoa học gần gũi, dí dỏm, hài hước, dễ nhớ, dễ đọc, báo Vui sống đã trở thành món ăn tinh thần của hàng chục ngàn chiến sĩ, nhân dân.

Tờ báo đầu tiên về sức khỏe đã ra đời cách đây 70 năm trong một hoàn cảnh rất đặc biệt. Khi đó, giữa cảnh đất nước nghìn trùng khó khăn, sốt rét, bệnh tật cướp đi sinh mạng của nhiều quân và dân, cả nước thì chỉ có hơn 100 bác sĩ.

Những người thầy thuốc nổi tiếng quyết định phải có con đường truyền bá kiến thức vệ sinh, phương pháp phòng chống bệnh tật để toàn quân, toàn dân sống theo nếp sống lành mạnh.

{keywords}

Báo Vui sống với chặng đường 6 năm nhiều dấu ấn

Vui sống ra đời từ đây, bắt đầu xuất bản số đầu tiên vào ngày 1/6/1946 do bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng Cục Quân y làm chủ nhiệm báo, thư ký tòa soạn là bác sĩ Từ Giấy - nhà khoa học hàng đầu về dinh dưỡng, sau này là Viện trưởng Viện Dinh dưỡng.

Từ năm 1948, bác sĩ Từ Giấy làm chủ nhiệm báo, là 'linh hồn' của tờ báo với bút danh Lang Khoai.

Trong một cuộc tọa đàm kỷ niệm 70 năm sự ra đời của tờ báo này đúng ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Thiếu tướng Từ Linh, con trai cố GS Từ Giấy, nguyên Giám đốc TTTT Khoa học Quân sự, Bộ Quốc phòng nhớ lại, thời kỳ đó, tờ báo ra đời đã trở thành động lực tinh thần cho bộ đội ta, giúp cho các chiến sĩ, dù trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng vẫn sống vui, sống khỏe và vững tin về thắng lợi.

{keywords}

Thiếu tướng Từ Linh chia sẻ về những điểm nhấn đặc biệt của báo Vui sống

Dù chỉ phát hành 6 năm với 65 số nhưng với nội dung khoa học gần gũi, dí dỏm, hài hước, dễ nhớ, dễ đọc, báo Vui sống đã trở thành món ăn tinh thần của hàng chục ngàn chiến sĩ, nhân dân thời đó.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng nhận định rằng: "Vui sống như ngôi sao băng trên bầu trời báo chí, sáng rực ngay khi vừa xuất hiện nhưng tác động lớn, ảnh hưởng sâu đến mọi tầng lớp".

Nâng dân trí, giữ quân số

Là cán bộ quân y trong suốt những năm tháng kháng chiến, GS Nguyễn Tụ, nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y nhớ lại, thời điểm những năm 1946, hầu hết các các thanh niên dân tộc bị sốt sét nhưng cứ nhất mực đổ do... ngã nước, còn bộ đội tại chiến khu Cao Bằng, Bắc Kạn thường xuyên bị mắc ghẻ lở, sâu quảng, kiết lị, thiểu dưỡng...

Thấy bệnh nhân, cán bộ quân y chỉ biết hàng ngày khám bệnh, phát thuốc, nặng quá gửi đi điều trị tại các bệnh viện quân dân y mà không hề nghĩ đến việc tuyên truyền, hướng dẫn bộ đội giữ gìn vệ sinh, phòng chống bệnh tật.

{keywords} 

Báo Vui sống ra đời ngay sau đó đáp ứng được tất thảy những mong mỏi này, trở thành tư liệu giáo dục sức khỏe cho bộ đội một cách hiệu quả.

"Mỗi trung đội khi đó chỉ được phát 2 tờ báo, mọi người tranh nhau đọc, nhiều anh em mượn xin báo về đọc thêm, nhiều câu hỏi được nêu, trong đó có cả những thắc mắc thầm kín dự định hỏi riêng tác giả Lang Khoai", GS Nguyễn Tụ chia sẻ.

Báo Vui sống khi ấy xuất bản 2-3 vạn bản vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trong khi các tờ khác chỉ in 2-3.000 bản.

Nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y cũng nhớ như in phương châm phòng bệnh là chính với 12 điều kỷ luật vệ sinh, không có bát, bi-đông dùng ống bương thành máng ăn, ống đựng nước, trước ăn nhúng bát đũa bằng nước sôi, không có điều kiện chia khẩu phần phải ăn đũa 2 đầu...

Ngoài ra báo cũng nhắc các chiến sĩ phòng sốt rét bằng cách mắc màn, hun đuổi muỗi bằng lá tươi, trải lá trước khi ngủ...

"Báo Vui sống đã đặt nền móng cho sự phát triển cao độ về công tác vệ sinh phòng chống dịch bệnh giữ vững sức khỏe cho chiến sĩ trong cuộc chiến Đông Xuân nói riêng và đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Trong chiến tranh chống Mỹ sau này, nhiều biện pháp vẫn còn được áp dụng rộng rãi", GS Nguyễn Thụ chia sẻ.

Mong mỏi có tờ kế tục

Từng có nhiều năm tuổi thơ sống chung với những hoạt động in ấn thường ngày của báo Vui sống và có cha là quản đốc xưởng giấy tờ báo nên nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho biết đến giờ ông vẫn nhớ như in rất nhiều hình ảnh về tờ báo này.

{keywords}

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan mong sẽ có tờ báo kế tục báo Vui sống để phục vụ các chiến sĩ thời bình

Theo ông, với ngôn ngữ bình dân, dí dỏm, tác giả Lang Khoai đã mang lại tiếng cười đầy sảng khoái với những câu hỏi: “Tôi đi ngoài, phân đi ra suối lại có cục nổi, cục chìm, vậy tôi có bệnh gì không ?”. Lang khoai trả lời: “bệnh nặng đấy. Bệnh ỉa bậy!”

Hoặc "Vợ chồng con dê đều có râu, tại sao tôi có râu mà vợ tôi không có râu? Lang khoai trả lời: “Ông dở hơi à? Ông muốn vợ ông có râu, còn ông có kinh à!”

"Nên chăng có một ấn phẩm nào đó như Vui Sống, vừa có thông tin vừa vui, vừa tếu táo. Dù dân trí đã khác nhưng phải như Vui sống mới đáp ứng được yêu cầu. Bệnh tình giờ khác trước nhưng nhiều báo giờ làm hàn lâm quá, khô khan quá, xa cuộc sống quá, tuyên truyền kiểu khẩu hiệu đến tôi không muốn đọc thì sao binh nhì họ muốn đọc", nguyên Phó Thủ tướng mong mỏi.

Ông cho rằng nếu làm khéo, làm tốt thì một tớ báo Vui sống hiện đại cho người lính vẫn có tác dụng.

"Phải làm bộ đội vui thì mới khỏe, có khỏe mới bảo vệ được Tổ quốc", nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thúy Hạnh