Ngày 4/6, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, vừa cấp cứu thành công cho 1 ca ngộ độc cá nóc mít rất nặng. Bệnh nhân là ông Nguyễn Văn V., (63 tuổi, ngụ Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), chuyển đến viện trong tình trạng suy hô hấp, hôn mê, co giật, tê cứng tay chân, cứng hàm.

Được biết, bệnh nhân sau khi ăn cá nóc 2 giờ thì cảm thấy tê 2 bàn tay, 2 chân rồi dần dần tê môi được người nhà đưa đến bệnh viện đại phương. Tại đây, bác sĩ đặt nội khí quản, dùng than hoạt tính rửa dạ dày, truyền dịch và chuyển tiếp lên tuyến trên.

Khi đến BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, bệnh nhân được cho thở máy, điều trị hỗ trợ và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực và Chống độc. Qua 1 ngày điều trị tích cực, ông V. được rút nội khí quản, chỉ còn tê nhẹ 2 tay.

{keywords}

Người đàn ông được cấp cứu kịp thời sau khi ăn cá nóc. Ảnh:BSCC

Bác sĩ Dương Thiện Phước, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, khuyến cáo người dân không nên chế biến thịt cá nóc mít làm món ăn vì độc tố thường nằm ở ruột gan, trứng và tinh hoàn của cá.

Dù có làm sạc đi nữa thì độc tố vẫn còn, chất độc Tetrodotoxin của cá nóc mít có độc tính gấp 1000 lần Xyanua – một trong những loại độc tố mạnh nhất. Chất độc này tập trung nhiều ở da, gan, ruột, cơ bụng, túi tinh và đặc biệt là trứng cá.

Độc tố của cá nóc mít sau 5-20 phút đi vào dạ dày sẽ bắt đầu hấp thụ và phát tán. Chính Tetrodotoxin là loại độc tố thần kinh vô cùng nguy hiểm nên nếu ăn cá nóc dễ bị liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm, khó thở, cuối cùng liệt cơ hô hấp, truỵ tim mạch và tử vong.

Tỷ lệ tử vong do ăn cá nóc mít rất cao (khoảng 60%) nếu cấp cứu chậm. Bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không được ăn cá nóc nhằm tránh nguy cơ ngộ độc, hoặc nếu nhận thấy có biểu hiện bất thường sau khi ăn cá nóc như đau bụng, buồn nôn, khó thở, cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cấp cứu và xử trí kịp thời.

Phan Nhơn