Không xét nghiệm sàng lọc với người tiêm đủ vắc xin

Theo thông báo mới nhất từ Bệnh viện Lê Văn Thịnh (bệnh viện quận 2 cũ), người bệnh khám ngoại trú sẽ không cần test nhanh nCoV nếu thuộc 1 trong 4 trường hợp sau: Có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ; Đã tiêm 2 mũi vắc xin Covid-19; Khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng (có giấy xác nhận hoặc giấy xuất viện); Trẻ em dưới 6 tuổi được phân luồng theo kết quả của người lớn đi cùng.

{keywords}

Lấy mẫu xét nghiệm tại phòng sàng lọc, Bệnh viện Lê Văn Thịnh TP.HCM.

 

Chị Lê Thị Giang (31 tuổi, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) thở phào khi đọc thông tin trên. Chị cho biết, trong 2 lần tiêm vắc xin tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, chị đều làm xét nghiệm test nhanh. “Lần thứ nhất hết 150.000 đồng, lần thứ 2 mới đây là 238.000 đồng. Biết là quy định như vậy nhưng nó khá tốn kém, nhất là lúc dịch bệnh này thì 1 đồng mình cũng thấy quý”.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Minh Ly, 33 tuổi, quận Tân Bình (TP.HCM) cũng rất ngại khi đưa con đi khám bệnh vì thủ tục test nhanh. “Ngồi chờ xét nghiệm vừa lo vì đông người, vừa tốn thêm một khoản còn cao hơn cả khi khám bệnh BHYT. Giảm test, chúng tôi mừng lắm”, chị Ly chia sẻ.

Đây cũng là thay đổi trong quy trình khám chữa bệnh của nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM. Bệnh viện quận 7, hiện đã được trả lại công năng khám chữa bệnh thông thường vì địa phương được công nhận kiểm soát dịch. Mỗi ngày, lượng bệnh nhân dao động từ 500-600 người, gấp gần 3 lần so với tuần trước. 

TS BS Nguyễn Thế Vũ, Phó giám đốc điều hành Bệnh viện quận 7, cho biết, điểm mới của công tác sàng lọc so với trước dịch là 3 đối tượng sẽ không cần sàng lọc xét nghiệm gồm người tiêm đủ vắc xin và mũi 2 đủ 14 ngày, F0 đã khỏi bệnh, người có kết quả âm tính trong 72 giờ.

“Yêu cầu chung là tất cả người bệnh đều phải khai báo y tế đầy đủ trước khi vào khuôn viên bệnh viện”, bác sĩ Vũ khẳng định. Nhờ đó, người dân được thuận lợi khi khám chữa bệnh mà vẫn đảm bảo việc kiểm soát.

Tuy nhiên, đây là quy trình được các bệnh viện chủ động thực hiện và triển khai theo đặc thù từng cơ sở nên vẫn còn ít nhiều băn khoăn. Bà Vũ Thị Dân, 54 tuổi tại TP Thủ Đức cho biết, bệnh viện Lê Văn Thịnh thông báo người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, sổ mũi… phải sàng lọc và làm xét nghiệm RT-PCR khi khám bệnh, nhưng xét nghiệm này rất đắt đỏ.

“Theo tôi biết xét nghiệm này mất hơn 700.000 đồng, lại phải chờ đợi mấy tiếng đồng hồ. Không biết bệnh viện có thể cho test nhanh được không?”, bà Dân thắc mắc.

Giải đáp vấn đề trên, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, các trường hợp có triệu chứng bệnh hô hấp sẽ được khám sàng lọc và thực hiện test nhanh. Nếu test nhanh dương tính, bệnh nhân mới cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm PCR tại chỗ (chi phí PCR cho bệnh nhân có triệu chứng được BHYT đồng chi trả).

{keywords}

Test nhanh nCoV không còn là yêu cầu bắt buộc tại nhiều bệnh viện trên địa bàn TP.HCM

Nỗ lực giảm gánh nặng xét nghiệm cho người bệnh

Trên thực tế, các bệnh viện vẫn có những nỗ lực để giảm bớt áp lực chi phí cho người bệnh. PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho biết, bệnh viện xác định xét nghiệm nCoV cho người bệnh ngoại trú là một gánh nặng kinh tế đáng kể.

Do đó, suốt mùa dịch vừa qua, bệnh viện không yêu cầu người bệnh ngoại trú test nhanh, mà thay vào đó, nhân viên y tế trang bị đồ bảo hộ khi tiếp xúc, người bệnh khai báo y tế đầy đủ, không cho thăm bệnh…

Riêng với bệnh nhân nội trú và 1 người nuôi bệnh, bệnh viện yêu cầu phải có xét nghiệm PCR âm tính. “Chi phí xét nghiệm này người bệnh không mất tiền mà do ngân sách chống dịch chi trả”, bác sĩ Diễm Tuyết cho biết.

Bên cạnh đó, tất cả các trường hợp khám bệnh ngoại trú thuộc nhóm phải thực hiện test nhanh tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, hiện đang được bệnh viện hỗ trợ 50% chi phí (tương đương với 119.000 đồng). “Chi phí này được trả lại ở quầy thanh toán sau khi bệnh nhân kết thúc việc khám chữa bệnh”, đại diện bệnh viện cho biết.  

Sáng 7/10, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng thông báo đến phụ huynh sẽ không yêu cầu thực hiện test nhanh khi đến khám chữa bệnh (trừ các trường hợp cần loại trừ như khám bệnh hô hấp).

Quy định về các trường hợp không cần xét nghiệm nCoV khi khám ngoại trú được các bệnh viện đồng loạt áp dụng giúp người dân giải tỏa nỗi lo lớn về kinh tế. Đồng thời, đây là thay đổi phù hợp khi TP.HCM hiện đã tiêm được gần 12 triệu mũi vắc xin Covid-19, trong đó 97,3% người trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 68,7% người tiêm đủ 2 mũi.

Trước đó, trong hội nghị góp ý về chiến lược phòng chống dịch và phục hồi kinh tế TP.HCM ngày 17/9, các chuyên gia y tế cũng đề xuất với lãnh đạo thành phố, việc xét nghiệm sàng lọc chỉ nên thực hiện với đối tượng nguy cơ hoặc có triệu chứng, nhằm đảm bảo phát hiện sớm và tránh lãng phí.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Linh Giao

Không cách ly tập trung người về từ TP.HCM đã tiêm 2 liều vắc xin

Không cách ly tập trung người về từ TP.HCM đã tiêm 2 liều vắc xin

Những người về từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An tiêm đủ liều vắc xin Covid-19, người đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày.