Ngày 17/8, PGS.BS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết, bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho bé L.T.K.N. (3 tuổi, ngụ TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) mắc viêm cơ tim tối cấp được chuyển lên từ bệnh viện tỉnh.

{keywords}

PGS.BS Phạm Văn Quang thăm khám cho bé N. sau phẫu thuật. Ảnh: L.A

Theo đó, ngày 5/8, bé N. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 trong tình trạng hôn mê, môi tím, trụy tim mạch nặng, nhịp tim rời rạc, cơ hội sống gần như không còn. Báo động đỏ nội viện được bật, ngay lập tức, bé N. được các bác sĩ đặt nội khí quản, truyền thuốc vận mạch duy trì chức năng co bóp cơ tim.

Đồng thời, bác sĩ Khoa Tim cũng tiến hành đặt máy tạo nhịp tim tạm thời hỗ trợ tim cho bé nhằm đưa bé lên phòng phẫu thuật để đặt ECMO (máy tim phổi nhân tạo).

Tuy nhiên, vì bé N. quá nhẹ cân (11 kg) nên thay vì dùng phương pháp tiêm mạch máu để đặt ECMO, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật mạch máu ở cổ mới có thể cứu bé. Lúc này, chức năng co bóp cơ tim bé N. giảm nặng, rối loạn thất liên tục không đáp ứng với thuốc chống loạn nhịp gây trụy tim mạch nặng, giảm tưới máu mô làm tổn thương các cơ quan.

Các bác sĩ phải chạy đua với tử thần cứu sống bé N. nên ê-kíp phẫu thuật quyết định hội chẩn toàn viện và lập phòng mổ ngay tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc vì không đủ thời gian đưa bé lên phòng phẫu thuật đã được chuẩn bị.

Nhân viên y tế đã khử trùng khu vực mổ, chuyển máy ECMO, đèn phẫu thuật cùng nhiều thiết bị đến Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc. Ca mổ diễn ra ngay sau đó và kết thúc tốt đẹp.

Sau phẫu thuật, tình trạng rối loạn đông máu, rối loạn nhịp tim của bé N. được kiểm soát, các cơ quan không bị tổn thương. 

Hiện bé N. đã ổn định sức khỏe, được cai ECMO, cai máy thở, máy tạo nhịp tim, tỉnh táo, thở bình thường, chức năng tim phục hồi tốt, không tổn thương não.

Tuy nhiên, để đề phòng các biến chứng vì bé N. còn quá nhỏ nên bé vẫn được tiếp tục theo dõi sát sao. Nếu tình trạng cải thiện tốt, bé có thể được xuất viện vào tuần sau. Thời gian tới, bé N. phải được thăm khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ.

Theo bác sĩ Bạch Văn Cam - Cố vấn Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, thời gian qua, bệnh viện cấp cứu thành công nhiều trường hợp viêm cơ tim tối cấp nhưng bé N. là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất trong số này.

Khi xuất viện, các bé hầu như không có di chứng, nguy cơ tái phát thấp và có thể trở lại cuộc sống thường nhật.

Bác sĩ Cam cho biết, viêm cơ tim là bệnh rất hiếm gặp. Phần lớn người bệnh bị sốt siêu vi, có người sốt vài ngày sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, nếu siêu vi xâm nhập vào tim sẽ gây ra bệnh viêm cơ tim.

Triệu chứng ban đầu của bệnh dễ nhầm lẫn với các bệnh thông thường như cảm ho, đau bụng, sốt, nôn ói… Nhưng nếu bệnh nhân xuất hiện thêm những biểu hiện như đột ngột khó thở, thở gấp, môi tái, mệt mỏi, bác sĩ cần nghĩ đến viêm cơ tim. Nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể sẽ tử vong.

Liên Anh

Bé 2 tuổi loét dạ dày nặng vì uống phải nước tẩy bồn cầu

Bé 2 tuổi loét dạ dày nặng vì uống phải nước tẩy bồn cầu

Bé trai không may uống phải chén nước từng chứa chất tẩy bồn cầu, gây bỏng toàn bộ từ miệng đến dạ dày.