Hôm nay là ngày thứ 3 liên tiếp, Việt Nam ghi nhận số ca mắc Covid-19 giảm, đặc biệt trong buổi sáng 2 ngày liên tiếp không có thêm ca mới.

Trong khi thời điểm 10 ngày cuối tháng 3, số ca mắc liên tục hơn 10 ca/ngày, riêng ngày 22/3 ghi nhận tới 19 ca.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao TT Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng, Bộ Y tế đánh giá, đây là những tín hiệu tốt nhưng không được chủ quan.

“Những tín hiệu này có bền vững hay không còn phải đợi thêm. Việc các ca nhiễm giảm trong mấy ngày qua chưa đánh giá được điều gì vì thời gian ủ bệnh của Covid-19 lên tới 14 ngày”, PGS Phu nói.

{keywords}

PGS.TS Trần Đắc Phu 

 

Theo PGS Phu, giai đoạn trước Việt Nam đã kiểm soát rất tốt người nhập cảnh vào Việt Nam nên số ca bệnh giảm, số mắc trong nhóm nhập cảnh này cũng giảm và trì hoãn được thời gian dịch lây ra cộng đồng.

Tuy nhiên hiện tại, dịch đã lây lan ra cộng đồng, đây mới là mối quan tâm lớn. Nếu không có các biện pháp quyết liệt, triệt để, dịch có thể bùng lại.

Đơn cử như như Singapore, ban đầu kiểm soát tốt người nhập cảnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc nhưng đến giai đoạn sau, không kiểm soát tốt nên dịch lan nhanh. Vì lẽ đó, từ ngày 7/4, quốc gia này đã quyết định thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 1 tháng.

“Vì vậy thời điểm này chúng ta không được chủ quan. Các địa phương vẫn phải quyết liệt, người dân tiếp tục nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội. Nếu không quyết tâm, không đồng lòng lúc này có thể mọi công sức ở các giai đoạn trước thành số 0”, PGS Phu khuyến cáo.

PGS Phu nhấn mạnh, việc thực hiện giãn cách xã hội có ý nghĩa quan trọng, giúp người mắc bệnh có triệu chứng nhẹ nhưng không biết hoặc những người không triệu chứng có nguy cơ mắc bệnh không cơ cơ hội lây cho cộng đồng

Theo PGS Phu, Việt Nam vẫn luôn kiên trì nguyên tắc phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng dập dịch triệt để nhưng giờ là giai đoạn quyết định, nếu để dịch bùng lên trong cộng đồng thành các ổ dịch lớn sẽ rất khó khăn trong dập dịch.

Trong cộng đồng hiện có 2 ca bệnh đáng quan tâm liên quan đến bệnh nhân 237 người Thụy Điển và bệnh nhân người Hàn Quốc, từng ở Bình Dương.

Với ca bệnh 237, PGS Phu cho rằng bệnh nhân có lịch trình khá phức tạp, chưa xác định được Ca F0. Bệnh nhân này ở Việt Nam từ tháng 12/2019, vậy có thể lây bệnh tại Việt Nam, nhưng chưa xác định lây từ người nước ngoài hay người Việt Nam.

PGS Phu nhận định, nếu các ca mắc mới Covid-19 tiếp tục giảm, các ổ dịch nhỏ có thể kiểm soát thì sau 15/4 có thể nới lỏng giãn cách xã hội, thay vào đó có thể có các biện pháp phù hợp hơn theo tình hình. Nếu trường hợp có ổ dịch mới, vẫn sẽ phải tiếp tục thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt.

Lê Văn Lệ
Ảnh: Nguyễn Thị Lan Anh

Việt Nam sang giai đoạn mất dấu F0, cả nước hãy ở yên tại chỗ

Việt Nam sang giai đoạn mất dấu F0, cả nước hãy ở yên tại chỗ

- Hiện tại đã có những ổ dịch không tìm được bệnh nhân số 0, nguy cơ lây ra cộng đồng rất cao nên mọi người dân hãy ở yên tại chỗ.